Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc chuyến thăm và làm việc ở hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang:

Chống biến đổi khí hậu phải làm nhanh hơn, quyết liệt hơn

Chủ Nhật, 31/03/2013, 20:12
Hai ngày 30 và 31 tháng 3 vừa qua đến với đồng bào đồng chí Bến Tre và Tiền Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở và quán triệt sâu sắc hơn hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong phòng chống và làm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự của những vùng đất này.

Biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng và ngập mặn nhanh hơn chúng ta dự báo”. Xin ghi lại lời cảnh báo đó của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi đi khảo sát thực tế tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) và dọc theo hơn 20km đê biển Gò Công cũng như tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang). Chủ tịch nước quan sát, và trực tiếp hỏi chuyện người dân, cán bộ theo dõi và chỉ đạo phòng chống biến đổi khí hậu trên những vùng đất này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm vườn trồng thanh long của các hộ gia đình ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: TTXVN.

Nước biển ngập mặn tràn sâu vào đất liền, đất đai sản xuất, các vườn cây càng thu hẹp lại. Nguồn nước ngọt cho người dân sinh hoạt càng thêm khó khăn. Theo tính toán, chỉ riêng ở Bến Tre, một vùng đất thấp, cao độ trung bình từ một đến hai mét so với mực nước biển với độ dài bờ biển là 65km nếu đến năm 2020 mực nước biển dâng 12cm thì diện tích bị ngập hơn 272km2, chiếm hơn 12% tổng diện tích, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 98 nghìn người dân. Người ta cho rằng ranh mặn 4%o sẽ tiến sâu vào nội đồng hơn 50km vào năm 2050 sẽ gây tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất, và sinh hoạt của người dân, gây hàng loạt hậu quả khôn lường về kinh tế - xã hội. Nhưng trên thực tế diễn biến ngập mặn xảy ra nhanh hơn nhiều. Đến nay độ nước nhiễm mặn đã đi sâu vào đất liền gần 50km v.v… Còn ở Tiền Giang diễn biến ngập mặn, xói lở đất liền đang xảy ra với tốc độ nhanh và phức tạp.

“Sống chung với lũ còn được nhưng sống chung với mặn thì khó”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cần rà soát lại việc triển khai các công trình phòng chống biến đổi khí hậu. Khi đến thăm các công trình đê biển ở huyện Ba Tri (Bến Tre), Chủ tịch nước tỏ ý vui mừng khi nghe người dân ở đây cho rằng tuyến đê biển với các cống đập được xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực, mọi người yên tâm sản xuất. Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh khi Chủ tịch nước cho dừng xe bất ngờ và ghé vào ngôi chòi ven đê của anh nông dân Nguyễn Thành Tâm ở ấp 3, xã Tân Xuân. Anh cho biết, từ ngày có đê và cống xả nước gia đình anh cũng như nhiều bà con ở đây đã nuôi tôm kiếm đủ ăn và có dư dật. Làm ăn không đến nỗi vất vả lắm. Trước đây, nước ở đây ngập mặn không nuôi được con tôm con cá gì cả. Đồng đất bỏ trắng.

Điều mà anh Tâm nói được lý giải rõ hơn khi Chủ tịch nước đến thăm cống đập và Nhà máy nước ngọt Ba Lai, những công trình mới được xây dựng trên tuyến đê biển Ba Tri. Đây là tuyến đê biển có chiều dài hơn 31km, chân đê rộng 20m, mặt đê cao 5m. Trên đê có 19 cống để điều tiết lũ, ngăn chiều cường, lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, trực tiếp cấp nước cho các Trạm xử lý nước sạch, kết hợp làm nơi trú ẩn, tránh bão cho tàu thuyền. Con đê Ba Tri không chỉ có tác dụng chống nước biển xâm nhập khi thủy chiều dâng cao và ngăn sóng lớn khi có bão, bảo vệ cho hơn 45 nghìn người dân với gần 11 nghìn ha đất mà còn sẽ là tuyến đường giao thông giúp dân giúp dân đi lại, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Đến Tiền Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi khảo sát cụ thể thực tế tuyến đê biển Gò Công với quãng đường gần 20km. Dừng chân ở đê biển xã Tân Điền, Chủ tịch tỏ ra lo lắng khi ở đây sóng biển trực tiếp vỗ thẳng vào chân đê. Rừng cây ngập mặn phòng hộ đã không còn bởi nhiều năm trước đây rừng bị sóng biển cuốn trôi. Còn ở đoạn Rạch Bùn nơi đang thi công đắp đê chặn sóng biển đã phải lùi sâu vào đất liền gần 400m.

Thống kê 10 năm qua cho thấy bão biển và triều cường đã phá nát đai rừng phòng hộ. Nước mặn xâm thực vào đất liền từ 8-10m. Tại các khu vực xung yếu có những đoạn bị xâm thực tới 2m một năm. Riêng rừng ngập mặn bị xâm thực và cuốn trôi lên tới 2 nghìn ha. Những năm gần đây ở phía Đông của Tiền Giang nước mặn đã xâm nhập sâu vào cống Xuân Hòa thuộc hệ thống ngọt hóa Gò Công, việc lấy nước ngọt gặp nhiều khó khăn. Nước mặn cũng lấn sâu vào khu vực phía Tây của tỉnh, tới huyện Cai Lậy. Sự tác động của bão biển ngày càng nguy hiểm hơn. Việc sạt lở đôi bờ sông Tiền cũng trở nên nghiêm trọng. Riêng kênh Chợ Gạo đất bị sạt lở từ 10 - 20m. Nhiều ruộng vườn, cây ăn trái bị nước cuốn trôi. Đến với mỗi nơi thực địa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã báo cáo cụ thể với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang các dự án, kế hoạch hành động và cả những khó khăn trở ngại trong việc thực hiện.

Làm việc với cán bộ chủ chốt hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lắng nghe tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và các tháng đầu năm 2013. Chủ tịch nước đã quán triệt sâu sắc việc chỉ đạo, nêu rõ: Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi các địa phương phải rất sáng tạo, cụ thể, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đường lối chủ trương của Đảng và thực tiễn địa phương mình. Hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang với thế mạnh của mình cần được xác định phát triển nông nghiệp và nông thôn trước mắt cũng như lâu dài là nhiệm vụ trọng điểm. Con đường phát triển kinh tế phải gắn liền với công nghiệp chế biến, xuất khẩu, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp và nông thôn. Đây là điều cần phát triển và nhận thức đúng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những bước đi đúng đắn, phát triển khá vững chắc cả về kinh tế và xã hội của Bến Tre và Tiền Giang. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã dành phần lớn thời gian cùng thảo luận, bàn bạc với lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh về công tác chống biến đổi khí hậu để giải quyết ngăn chặn nước mặn bảo đảm nước ngọt giữ vững và phát triển đất đai ổn định sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Ở Bến Tre cũng như Tiền Giang việc triển khai các dự án, kế hoạch xây dựng đê điều và các biện pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành một cách khá căn cơ, chủ động. Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, các tỉnh cũng đã dành một khoản ngân sách khá lớn đầu tư cho các công trình và phi công trình nhằm ngăn chặn tình trạng nước mặn xâm nhập, làm tăng thêm nguồn nước ngọt để phát triển sản xuất ổn định sinh hoạt cho người dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như một số chuyên gia xung quanh việc triển khai kế hoạch chống biến đổi khí hậu của hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 578. Ảnh:TTXVN.

Phát biểu tại các buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ: Vấn đề chống biến đổi khí hậu được thế giới quan tâm. Ở Việt Nam nhiệm vụ này đang trở nên bức thiết. Nước mặn xâm nhập và nguồn nước ngọt ngày càng khó khăn đang gây tai hại, ảnh hưởng lớn đến yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và cuộc sống của nhân dân. Bến Tre và Tiền Giang là những địa bàn xung yếu quan trọng chịu ảnh hưởng sâu sắc của quá trình biến đổi khí hậu. So với dự báo thực tiễn tác hại của biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn ở một số địa bàn khá trầm trọng. Vì vậy lãnh đạo các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phải thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời có đối sách ngăn chặn biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Trước hết phải rà soát lại các công trình, dự án, xem xét, đề nghị Đảng và Nhà nước, Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ một cách thuận lợi. Rõ ràng yêu cầu thực tế đòi hỏi tính toán sử dụng các nguồn lực tài chính để đầu tư lĩnh vực này tốt hơn, thông thoáng hơn. Trong khi phát huy hiệu quả nguồn tài chính đầu tư của Nhà nước, địa phương, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức tài chính thế giới, phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân. Phòng chống biến đổi khí hậu là sự nghiệp trước mắt nhưng cũng rất lâu dài. Hơn ai hết nhân dân là người được hưởng thụ trực tiếp thành quả của công cuộc phòng chống, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Hai ngày 30 và 31 tháng 3 vừa qua đến với đồng bào đồng chí Bến Tre và Tiền Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở và quán triệt sâu sắc hơn hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong phòng chống và làm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự của những vùng đất này

N.Đ.
.
.
.