“Chim ưng nhà trời” gãy cánh trên bầu trời Thủ đô

Chủ Nhật, 01/05/2016, 15:48
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội ngày 26-10-1967, Tiểu đoàn tên lửa 61 (Trung đoàn 236, Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam) đã bắn rơi một chiếc máy bay A-4E của không quân Hoa Kỳ.


Đây là máy bay cường kích thuộc phiên bản A-4 Skyhawk – tức “Chim ưng nhà trời” nổi tiếng của không quân hải quân Hoa Kỳ, chỉ kém tên tuổi của pháo đài bay B52.

Điều đặc biệt, xác chiếc máy bay bị bắn rơi xuống đúng mục tiêu mà nó định đánh phá (Nhà máy điện Yên Phụ) và viên phi công bị bắt sống là John McCain, có cha và ông nội đều là đô đốc Hải quân Mỹ. Sau này John McCain đắc cử Thượng nghị sỹ và từng 2 lần ra  tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Quả tên lửa xuất thần trong góc cấm bắn

Đã cuối mùa Xuân. Hà Nội dầm dề mưa phùn và tiết trời nồm ẩm khó chịu nhưng không khí tại nhà Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Đài (SN 1939) vẫn rôm rả câu chuyện bắn cháy “Chim ưng nhà trời”. Ngoài Đại tá Nguyễn Xuân Đài, còn có Đại tá Nguyễn Thanh Tân (SN 1943) và Đại tá Trịnh Văn Hưng (SN 1944) là những người tham gia kíp chiến đấu bắn rơi Jhon McCain 49 năm về trước… 

Sau ly rượu “chào hỏi”, ông Đài bồi hồi kể: “Hôm đó ngoài 3 anh em tôi, có Chính ủy Nguyễn Ly Sơn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lan, anh Lê Văn Khánh, anh Nguyễn Trọng Vinh và một số đồng chí được tăng cường vào kíp chiến đấu. Đó là thời điểm rất căng thẳng do không quân Mỹ liên tục đánh phá Hà Nội trong chiến dịch Rolling Thunder (Sấm rền). 

Các cựu sỹ quan Tiểu đoàn tên lửa 61 ôn lại kỉ niệm bắn rơi John McCain. Từ trái qua: Đại tá Nguyễn Xuân Đài, Đại tá Trịnh Văn Hưng, Đại tá Nguyễn Thanh Tân. (Ảnh chụp tháng 3-2016). 

Những mục tiêu trọng yếu của Hà Nội ngoài quân sự là các cây cầu, nhà máy, xí nghiệp. Nhà máy điện Yên Phụ khi đó là nơi duy nhất cung cấp nguồn điện cho Thủ đô nên có vị trí đặc biệt quan trọng; nếu không bảo vệ an toàn thì cả Hà Nội bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động sản xuất, sinh hoạt sẽ tê liệt. 

Trận địa tên lửa của chúng tôi được bố trí tại Dưỡng Tế trên bãi sông Hồng, thuộc xã Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội. Chiếc A4E của John McCain bay rất thấp nên khi ra-đa bắt được mục tiêu thì nó đã ở quá gần, chỉ còn tiểu đoàn 61 của chúng tôi có thể bắn trúng… Tuy nhiên, thời điểm đó mục tiêu đã vào đến góc cấm bắn nên việc phóng đạn hay không là một quyết định cực kỳ khó khăn”.

Đại tá Nguyễn Thanh Tân giải thích: “Góc cấm bắn của tiểu đoàn 61 hôm đó là từ cầu Long Biên đến khu Cao Xà Lá, nay thuộc địa bàn quận Long Biên kéo dài đến quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nếu ham đánh, phóng đạn mà không trúng mục tiêu, tên lửa có thể mất điều khiển rơi xuống Hà Nội thì hậu quả thật khó lường”.

Vào thời khắc quan trọng đó, tin tưởng vào những cán bộ, chiến sỹ đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ ngay trận đầu ra quân ngày 11-8-1965 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 1-1-1967; Trung đoàn trưởng Trần Xanh, Chính ủy Nguyễn Ly Sơn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lan đã táo bạo, nhịp nhàng ra lệnh “Bắn qua góc cấm!”. 

Đại tá Trịnh Văn Hưng nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt được mục tiêu và nhận lệnh, trên bệ phóng chỉ còn 2 quả đạn. Lúc quả 1 được phóng, chiếc máy bay lạng nhanh sang trái màn hình hiện sóng và hạ độ cao để tránh. Lúc này, nếu không phóng quả 2, có thể chiếc máy bay chuẩn bị gieo rắc tội ác sẽ thoát được; nhưng nếu phóng thì nhiều khả tên lửa rất dễ rơi xuống Hà Nội do bắn trong góc cấm và mất điều khiển… 

Chúng tôi nhận được lệnh dừng phóng quả 2 và sau vài giây căng thẳng, ai nấy đều thầm reo lên: Đạn (quả 1) có điều khiển! Cả kíp chiến đấu tập trung cao độ điều khiển quả tên lửa rượt đuổi mục tiêu và bắt kịp chiếc máy bay A4E ở cự ly 17 km, độ cao 1,8km. Niềm vui như vỡ òa khi chúng tôi nhìn rõ tín hiệu quen thuộc của những trận đánh thắng, lúc mảnh đạn che kín tín hiệu mục tiêu ở cả 3 màn trắc thủ và đèn MB sáng tỏ. Tức là, mục tiêu đã rơi tại chỗ”.

Bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch, ghi lại sự kiện bắn cháy máy bay của John McCain.

Nhận định về những bài học quý giá, Đại tá Nguyễn Thanh Tân chiêm nghiệm: “Trận đánh này rất hoàn hảo. Chỉ trong khoảng thời gian 20 giây, từ chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và kíp chiến đấu đã thể hiện đầy đủ bản lĩnh, khả năng xử lí tình huống và trình độ thao tác chuẩn xác. Quyết định bắn qua góc cấm là rất khó khăn, phản ánh bản lĩnh, sự tự tin và quyết đoán từ chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn đến cán bộ, chiến sĩ kíp chiến đấu. 

Chúng tôi đã chọn thời cơ thích hợp để tiêu diệt được mục tiêu ngay trước khi máy bay cắt bom xuống Nhà máy điện Yên Phụ. Quyết định không phóng quả 2 là rất thông minh, vừa đảm bảo an toàn cho Hà Nội, vừa tiết kiệm đạn. Trắc thủ góc tà Trịnh Văn Hưng thời điểm ấy, có thể nói là đã “xuất thần” khi anh bám sát được mục tiêu đang bổ nhào trên góc cấm bắn!”.

“Bồ câu” và “Diều hâu”

John McCain sinh năm 1936 tại Căn cứ Không quân Coco Solo trong Vùng Kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Cha và ông nội của McCain đều là đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ và họ là cặp cha con đầu tiên của nước Mỹ cùng đạt đến cấp bậc đô đốc bốn sao. 

Năm 22 tuổi, John McCain tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khoá đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân. Trong chiến dịch Sấm rền năm 1967, John McCain đã nhiều lần lái máy bay đánh phá các mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tính đến giữa tháng 10-1967, ông ta đã thực hiện 22 phi vụ và trở về an toàn. 

Nhưng tài năng và sự may mắn của Jonh McCain không kéo dài lâu bởi lưới lửa phòng không dày đặc và hiệu quả của Việt Nam. Ngày 26-10-1967, John McCain điều khiển chiếc A-4E bay vào vùng trời Hà Nội. Lúc 11h30’, từ độ cao hơn 8.000 m, ông ta cho máy bay bổ nhào xuống để cắt bom vào Nhà máy điện Yên Phụ thì bị một quả tên lửa lao tới gây ra vụ nổ kinh hoàng với chiếc A-4E khiến nó cắm đầu xuống bãi xỉ than của Nhà máy điện Yên Phụ.

 
Phi công John McCain hiện là Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ.

John McCain bị nhiều mảnh kim loại do vụ nổ gây ra găm vào người nhưng ông ta vẫn kịp bung dù và rơi xuống giữa hồ Trúc Bạch và được những người dân nhảy xuống cứu đưa vào bờ. Sau hơn 5 năm nằm trong Trại giam Hỏa Lò, nơi được các phi công gọi là “Khách sạn Hilton Hà Nội”, John McCain được trao trả về cố hương.

Trở về từ Việt Nam, John McCain tích cực tham gia chính trường và đã liên tiếp đắc cử Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và là chính khách nổi tiếng đã 2 lần ra tranh cử Tổng thống. Tuy thuộc đảng Cộng hòa, nổi tiếng là “diều hâu” nhưng John McCain đã cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry (đảng Dân chủ, đương kim Ngoại trưởng Hoa Kỳ), đã tác động, thúc đẩy chính quyền Tổng thống B.Clinton dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận năm 1994 và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995. 

Cả hai vị thượng nghị sĩ này đã nhiều lần sang Việt Nam để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA). Ông John Kerry từng là Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Thượng viện Hoa Kỳ.

Từ một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, từng là “tù binh danh giá” trong “Khách sạn Hilton Hà Nội” và nổi tiếng là một Thượng nghị sỹ cứng rắn, “diều hâu”, Jhon McCain đã chủ động trở lại thăm Việt Nam và có nhiều hoạt động góp phần bình thường hóa, tăng cường quan hệ Mỹ -Việt. Đó là điều đặc biệt, trớ trêu của lịch sử và cũng là kết quả của truyền thống hòa hiếu, yêu hòa bình, đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo của dân tộc Việt Nam. 

Trần Duy Anh
.
.
.