Chiêu thức biến thịt gia súc thành thịt rừng

Thứ Năm, 24/09/2009, 11:13
Hân hoan xì tiền rinh các tảng thịt được đám con buôn tuyên bố "rừng trăm phần trăm" về lai rai, đám khách ngờ nghệch nào biết mình vừa trả tiền thiệt để ăn thịt gia súc được giả rừng… siêu đẳng.

Nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến đường Phạm Viết Chánh (quận 1, TP HCM), người ta lại liên tưởng đến hình ảnh những tảng thịt rừng còn tươi được các ông bà chủ treo lộ thiên mời gọi. Tại đây nếu khách có nhu cầu ẩm thực đám tinh binh rừng xanh như nai, cheo, lợn rừng… đều được giới chủ đáp ứng với số lượng không giới hạn, miễn là khách chịu chi.

Mấy năm gần đây, do bị ngành chức năng "chăm sóc" kỹ nên hoạt động kinh doanh thịt rừng có biến tướng mới: Hân hoan xì tiền rinh các tảng thịt được đám con buôn tuyên bố "rừng trăm phần trăm" về lai rai, đám khách ngờ nghệch nào biết mình vừa trả tiền thiệt để ăn thịt gia súc được giả rừng… siêu đẳng.

Chào "hàng" cheo, mễnh, bán bê, dê

Có nhu cầu lai rai mấy món thịt thú rừng, chúng tôi đảo qua "chợ" Phạm Viết Chánh và lập tức rơi vào mê hồn trận. Tại đây thịt được xẻ thành từng tảng bự treo tòng teng trong những chiếc tủ kiếng với đặc trưng da vàng óng, thịt đẫm máu tươi. Để gia tăng mãi lực, quầy nào cũng tung quân tràn ra lề đường bắt khách.

Sau khi được xẻo tai, khò lửa, con thỏ được hô biến thành chồn hương.

Hễ thấy có vị khách nào chạy xe rề rề mắt dán chăm chăm vào những tảng thịt là đám cò mồi lao ra chặn đầu lôi kéo vào trong cho bằng được. Lúc này đang giờ tan tầm, đường phố đông nghẹt người xe nên hoạt động mua bán thịt thú rừng diễn ra vô cùng bát nháo.

Vừa tấp vào quầy thịt có tên Bích Ngọc, chúng tôi được một phụ nữ dáng người phốp pháp tấn công dồn dập. Tay cầm con dao thái thịt to đùng, sắc lẻm, chị ta chĩa thẳng vào chiếc tủ kính lổn ngổn thịt tươi, gân cổ: "Đồ rừng không đó, cưng muốn loại nào? Nai rừng, heo rừng nghen? Nai thì trăm tư một ký (140.000đ/kg). Còn heo thì cứ trăm rưỡi mà làm tới".

Dứt lời, chừng như quá quen với mấy câu hỏi nghi ngờ của khách "có đúng là heo rừng thiệt không?", bà chủ mở chiếc tủ cấp đông lấy ra một tảng thịt được cạo sạch lông rồi phán: "Heo rừng chính tông lông có 3 chấu như vầy nè. Nếu không đúng là heo lai, heo đểu. Mua chỗ chị thì yên tâm nhé!".

Đảo sang quầy thịt có tên "Chị Ba", chúng tôi tiếp tục được một phụ nữ đậm người nhoẻn miệng cười cầu tài: "Chị là chị Ba đây". Nghe khách hỏi: "Ngoài nai, heo rừng, chị có thằng nào độc hơn không?", chị Ba xả một tràng: "Thiếu gì cưng ơi. Chị có nhím, dúi và đặc biệt là mang, mễnh. Mang, mễnh là loài chó rừng thịt thơm ngọt thấu trời xanh nhưng hơi đắt nghen, hai trăm một ký (200.000 đồng/kg)".

Thịt heo rừng giả tuy có 3 chấu nhưng trụi lủi lông chứ không như heo rừng chính tông.

Trong 30 phút quan sát, chúng tôi ghi nhận các quầy thịt rừng đều tấp nập khách tấp xe xì tiền giao dịch. Tiếp cận đám môn đồ thịt rừng này, chúng tôi ghi nhận những tâm tình na ná nhau. Kiểu như "mấy quầy ở đây "nuôi" thú y, "nuôi" luôn kiểm lâm nên bán công khai mà hổng bị vịn". Trong quá trình xâm nhập chợ thịt rừng giữa phố, chúng tôi được nhiều cư dân sở tại mách nước "100% thịt rừng bày bán đều có nguồn gốc từ gia súc chăn nuôi, chủ yếu là heo, dê, bê (bò con), đôi khi có cả chó, mèo...".

Theo thông tin từ Chi cục Thú y thành phố, "chợ thịt rừng" Phạm Viết Chánh hiện có 6 hộ đăng ký kinh doanh bán thịt bò nên không có cơ sở xử lý họ kinh doanh thịt rừng. Mà nếu có thì đó là phần việc của kiểm lâm. Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh cho biết đã rất nhiều lần cho đội cơ động kiểm tra nhưng lần nào cũng chỉ phát hiện thịt bê.

Kỹ nghệ lên đời "thịt rừng"

Nguyễn S, một lái rắn di động từng làm nghề "giả thịt rừng" cho một chủ đầu nậu ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, tiết lộ: "Bất kỳ thịt con gì cũng vậy, muốn khách tin nó ở rừng thì nhất thiết phải làm cho da nó vàng, thịt nó đỏ, săn chắc, ít mỡ... Nhưng làm thế nào để heo, bò, bê, dê… trở thành thịt rừng trứ danh là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều tiểu xảo công phu lắm!".

Một đồng nghiệp của S. đề nghị giấu tên, bật mí "công thức": "Bí quyết chung trước tiên phải chặt bỏ thủ cấp con vật, sau đó mổ bụng moi ruột rồi quét phoóc-môn cho nó vừa cứng thịt vừa giữ tươi. Điều quan trọng nhất là phần lớn gia súc nuôi nhốt nhiều mỡ, da đen. Muốn xử lý thành công phải loại hai yếu tố này bằng kỹ thuật bôi màu khò lửa".

- Làm vậy lớp thịt bên trong chín tái còn gì?

- Tái sao được mà tái, cha nội? Cạo sạch lớp lông bên ngoài rồi ông phết mấy lớp phoóc-môn cho da săn cứng lại, tiếp đó ông mua phẩm màu (vàng) bôi lên. Sau cùng ông dùng máy khò lửa (bằng khí đá) ở nhiệt độ khoảng 300 độ C. Ở nhiệt độ này, lớp mỡ sẽ săn cứng lại và lớp da sẽ hóa màu vàng ươm, riêng lớp thịt không hề hấn gì. Khò xong đang lúc da còn nóng, ông phết tiếp lớp màu vàng nữa là thành đồ rừng thứ thiệt.

Trong các loại thịt rừng, hút khách nhất vẫn là thịt heo rừng. Đây cũng chính là lý do mà thịt heo rừng được làm giả nhiều nhất. Điều đáng ngạc nhiên là thịt mấy lão trư gốc rừng xanh đều có nguồn gốc từ… heo nái. 

Xâm nhập vào thế giới thịt rừng gốc gia súc, chúng tôi nắm được nhiều thông tin nguồn heo rừng có xuất xứ từ heo nái được cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận từ các lò thịt ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Tại địa phương này, tình trạng heo rừng giả nóng đến độ các đại biểu đem ra chất vấn tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh và để bảo vệ quyền lợi cho người dân, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo các cơ quan báo đài trong tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân không sập bẫy bọn gian.

Bày bán thịt thú rừng giả trên đường Bình Long, quận Tân Phú.

Từ một nguồn tin bí mật, chúng tôi được biết mánh biến heo nái thành heo rừng diễn tiến theo qui trình sau: Heo mua về bị bỏ đói, khát cho giảm mỡ. Đến khi con heo gần như kiệt sức thì người ta tiến hành làm thịt, tiếp đến khò lửa rồi chơi chiêu "cấy lông".

"Nói cấy lông chứ thực ra chỉ cần lấy chiếc đũa tre chẻ làm đôi, sau đó cắm 3 chiếc kim may vào rồi cột chặt. Khi con heo vừa khò vàng da còn nóng hôi hổi, mình chỉ cần hơ đầu mũi kim cho ám khói đen rồi cứ thế mà châm vào. Vệt khói đen bám vào da nhìn cứ tưởng như lông. Khách non cơ sụp bẫy là cái chắc".

Màn châm lông kia vẫn chưa phải là đỉnh cao của sự giả mạo. Một con buôn đề nghị "ém tên" vì "qua không muốn làm người nổi tiếng" chỉ rõ điểm hạn chế của "kỹ thuật" này đã có không ít chủ quán nhậu, quán thịt bị khách vác dao đuổi bởi "nhai rã bản họng hổng thấy sợi lông nào".

Không chịu bó tay, phường gian thương nghĩ ra độc chiêu bắn dây cước như kiểu người ta dùng súng bắn đinh. Gã con buôn ôm bụng cười khùng khục: "Đám khách khờ nhai đụng mấy cọng lông dai dai lòng phấn chấn tin mình dùng "trư rừng" đúng điệu, họ nào biết đang nhai lợn nái với mấy cọng lông dây cước".

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng (Trưởng phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm TP HCM), kinh doanh động vật hoang dã nói chung, thịt rừng nói riêng là siêu lợi nhuận, nên phường con buôn không từ bất kỳ thủ đoạn nào để trục lợi.

Do vậy, để không lâm cảnh tiền mất tật mang, mọi người cần nói không với thịt rừng. Như thế vừa bảo vệ chính mình cùng người thân, vừa bảo vệ sự tồn vong của các loài động vật hoang dã vốn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

T.Dũng
.
.
.