Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)

Chiến thắng Chương Thiện - tiền đề quan trọng dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 04/04/2015, 08:41
Ngang nhiên tuyên bố “ngừng chiến không ngừng bắn”, ngay sau Hiệp định Paris năm 1973, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã cấp tốc cho quân đội lấn chiếm bình định Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trọng điểm là Chương Thiện. Tuy nhiên, quân - dân Khu 9 với niềm tin lạc quan mãnh liệt về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử… đã xông lên phía trước, làm nên Chiến thắng Chương Thiện. 

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, vào thời điểm đó là Tư lệnh Quân khu 9, trong hồi ký của mình, đã viết: “Ngày 28/1/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Theo quy định thì hai bên phải ngừng bắn tại chỗ nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn trên khắp ĐBSCL”.

Giữa tháng 3/1973, địch mở cuộc hành quân cấp quân đoàn với lực lượng 30 tiểu đoàn (gồm 2 trung đoàn của Sư đoàn 21, 1 trung đoàn của Sư đoàn 9, Trung đoàn 9 thiết giáp với 52 xe M113, 4 tiểu đoàn pháo, 2 giang đoàn và một số tiểu đoàn bảo an) tổ chức đội hình thành nhiều cánh, đồng loạt đánh vào tây nam Long Mỹ.

Cuối tháng 5/1973, địch tăng cường thêm Liên đoàn 41 biệt động quân, nâng tổng số lên 48 tiểu đoàn. Mục tiêu của địch vẫn là tập trung bình định 12 xã thuộc Gò Quao, Giồng Riềng và Long Mỹ.

Tháng 8/1973, địch tăng cường thêm quân bảo an, nâng tổng số lên 68 tiểu đoàn. Đến tháng 11/1973, do chưa đạt được mục tiêu bình định Chương Thiện (nay phần lớn thuộc tỉnh Hậu Giang, một phần tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang) để cô lập U Minh, địch tăng cường thêm lực lượng Hải quân từ Sài Gòn xuống, nâng tổng số lên 75 tiểu đoàn (gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động quân, 2 thiết đoàn, 8 giang đoàn và lực lượng bảo an của các tỉnh thuộc Vùng 4 chiến thuật).

Bộ đội Khu 9 chuẩn bị tập kích đoàn xe M113 địch đang hành quân lấn chiếm trên cánh đồng Xà Phiên, huyện Long My, năm 1973.

Ngày 3/2/1973, tại Sở Chỉ huy tiền phương của Khu 9, đóng tại xã Vĩnh Viễn, Long Mỹ, dưới sự chủ trì của Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Khu 9 Lê Đức Anh (dự họp còn có Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh gần trọng điểm Chương Thiện như Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá), Thường vụ Khu ủy xác định: “Địch không thi hành hiệp định, ta phải tiếp tục chiến đấu giữ vững thành quả. Trước mắt ta phải kiên quyết trừng trị địch vi phạm hiệp định”.

Giữa tháng 2/1973, khi địch tiến công chiếm vùng giải phóng Long Bình – bắc Long Mỹ, Trung đoàn 1 – U Minh được lệnh giữ vai trò chủ đạo, chống trả địch. Trong 18 ngày đêm, từ giữa tháng 2 đến ngày 3/3/1973 tại chiến trường Long Mỹ, ta và địch quần nhau ác liệt, chỉ trong phạm vi 10km.

Điều khiến địch luôn bị động, bất ngờ, liên tiếp thất bại chính là bị rơi vào thế trận “thiên la địa võng” của ta. Được sự hỗ trợ của bộ đội, người dân tại các chi khu đẩy mạnh hoạt động binh vận, phân hóa hàng ngũ địch. Hàng chục ngàn người dân đã nổi dậy phá ấp chiến lược, trở về quê cũ làm ăn; đánh dấu sự thất bại hoàn toàn kế hoạch bình định Chương Thiện của địch.

Trong chiến thắng Chương Thiện, có một câu chuyện cho thấy tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử của quân dân miền Tây, và đặc biệt là của những người chỉ huy xông trận. Đó là cuối tháng 5/1973, trên R (Trung ương Cục miền Nam) có Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chính trị và binh vận. T3 - mật danh của QK9 lúc đó, bị đoàn cán bộ tổng kết của R phê bình “làm sai đường lối” và nhắc nhở phải thực hiện “5 cấm” (cấm bao vây đồn bót, cấm gỡ đồn bót, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích và cấm xây dựng ấp, xã chiến đấu).

“Anh Trung - Khu ủy viên, phụ trách công tác binh vận vừa đi họp về  nói với tôi: Trên R có người đề nghị đưa anh ra tòa vì anh không chấp hành hiệp định, phá hoại hiệp định. Tôi bảo: Được, anh yên tâm đi. Nhưng anh không được nói với ai chuyện này. Tôi phải đánh đã. Nếu thua thì tôi ra tòa luôn thể… Lúc đó, tôi mới nói thẳng với anh em, hiệp định đã ký, nhưng ở Khu 9 chưa hề có hòa bình. Nếu ta xả hơi, co lại, thủ tiêu đấu tranh là chết”, Đại tướng Lê Đức Anh kể.

Từ thực tế chiến trường lúc đó, Tư lệnh Khu 9 đã ký điện chỉ thị cho các địa phương, đơn vị, ghi rõ: “Phải chủ động đánh địch hành quân lấn chiếm. Nếu để địch lấn chiếm hết thì tình hình sẽ khó khăn thêm, mà chúng ta có khôi phục lại được phải đổ nhiều xương máu, thậm chí phải kéo dài chiến tranh thêm 10 hay 20 năm nữa”.

Đồng chí Vũ Đình Liệu - nguyên Bí thư Khu ủy Khu 9 kể, trước một số vấn đề còn chưa được thông suốt, cuối tháng 6/1973, đồng chí Phạm Ngọc Sến - Ủy viên Thường vụ Khu ủy được phân công về Trung ương Cục báo cáo, xin ý kiến. Lúc này, Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt cũng đã ra Hà Nội báo cáo tình hình và dự Hội nghị lần thứ 21 BCH TW khóa III. Tư lệnh Khu 9 Lê Đức Anh cũng ra Hà Nội báo cáo với Quân ủy Trung ương.

Trong hai ngày 10, 11/7/1973, làm việc với đại diện Khu ủy, Thường vụ Trung ương Cục vẫn tiếp tục chỉ đạo Tây Nam Bộ phải quán triệt chủ trương đấu tranh chính trị là chính, quân sự làm hậu thuẫn, không chấp nhận đề nghị trừng trị địch vi phạm hiệp định, lấn chiếm bình định. Do “chưa thông” ở chủ trương này nên, đồng chí Phạm Ngọc Sến quyết định ở lại chờ Bí thư Trung ương Cục. 

Trở về từ Hội nghị Trung ương lần thứ 21, ngày 18/7/1973, Bí thư Trung ương Cục - Phạm Hùng cùng hai lãnh đạo chủ chốt của Thường trực Trung ương Cục có buổi làm việc với đại diện Thường vụ Khu ủy. Sau khi nghe báo cáo thêm về tình hình, Bí thư Trung ương Cục đã nhất trí với chủ trương, kế hoạch của Khu 9; đồng thời có ý kiến chỉ đạo để Khu 9 làm tốt hơn.

Tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III thông qua Nghị quyết 21, xác định rõ: Cách mạng miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng, tiếp tục phản công và tiến công địch, làm thất bại âm mưu chiến lược mới của Mỹ - ngụy, đi đến thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thái Bình
.
.
.