Chiến khu An ninh miền Nam thời đánh giặc

Thứ Sáu, 08/04/2011, 11:07
Sau hàng chục năm đất nước trong hòa bình xây dựng nhưng khi đặt chân lên vùng đất chiến khu xưa, khi gặp lại các danh xưng của các tiểu ban công tác của Cơ quan An ninh Cục ta vẫn thấy gần gũi, thân quen như thuở nào.

Lâu lắm tôi lại có được một chuyến xuôi Nam. Có được một chuyến đi nhiều hữu ích này trước hết xin cảm tạ thiện ý của Nhà xuất bản Công an nhân dân. Các anh vào dịp đầu Xuân Tân Mão đã tổ chức một chuyến về nguồn cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, kể cả các cán bộ đã từng công tác và về hưu như tôi và các đồng đội như tôi.

Cũng nhờ chuyến đi này mà tôi, lần đầu tiên, có lẽ là chậm chân hơn rất nhiều người, được đến và được biết vùng chiến khu An ninh của miền Nam đánh giặc trong thời điểm vào cuộc quyết liệt của cả nước.

Tôi đã từng đi miền Đông Nam Bộ cách đây hơn 20 năm. Lần ấy bước chân du ký của kẻ lần đầu đặt chân vào đất phương Nam mới đến được vườn quả Lái Thiêu. Tôi được ăn xoài cát vị ngọt lịm, mít tố nữ thơm thơm và nhiều trái ngon khác nữa giữa một miệt vườn nổi tiếng của nơi đây.

Lần này trong chuyến đi mới cũng là vùng đất miền Đông Nam Bộ nhưng là hướng Tây Ninh với trực chỉ nội dung thăm cơ ngơi của Bảo tàng Công an nhân dân tại Khu di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Nhà Bảo tàng và khu di tích hôm nay trân trọng giới thiệu về lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành qua các cuộc đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp đó là công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam với những chiến công vang dội, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là một trong những nội dung như vậy. Đây là địa điểm đóng quân của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ từ năm 1973-1975.

Khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và các di tích lịch sử văn hóa Công an nhân dân nói chung là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam. Ngày 1/12/1995, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 3777/QĐ công nhận Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử - văn hóa của đất nước.

Đài tưởng niệm di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam 1961-1962.

Được biết, năm 1960, lực lượng An ninh miền Nam ra đời, sau nhiều lần di chuyển, đến năm 1973, do tình thế chiến trường miền Nam đã có những thuận lợi nhất định cho việc xây dựng căn cứ, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chuyển về đóng quân tại trảng Bảy Bàu - nay là ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Ngày ấy cơ ngơi của Cơ quan An ninh Cục sắp xếp gồm nơi làm việc của lãnh đạo được bố trí ở Bảy Bàu, các tiểu ban trực thuộc Ban An ninh đóng quân đa phần trên địa bàn các xã Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Bình và Thạnh Tây đều thuộc huyện Tân Biên, một vùng đất sát biên của tỉnh miền Đông Nam Bộ Tây Ninh…

Đến bây giờ, sau hàng chục năm đất nước trong hòa bình xây dựng nhưng khi đặt chân lên vùng đất chiến khu xưa, khi gặp lại các danh xưng của các tiểu ban công tác của Cơ quan An ninh Cục ta vẫn thấy gần gũi, thân quen như thuở nào.

Văn phòng Ban có bí số là C42 đóng gần căn cứ của Ban lãnh đạo. Tiểu ban Bảo vệ Chính trị (C51) trên đường đi Sa Mát thuộc xã Thạnh Bình. Tiểu ban Điệp báo (C48) nằm ngay cạnh sông Vàm Cỏ Đông, sát gần biên giới Campuchia, gần cửa khẩu Sa Mát, vùng đất của xã Tân Lập. Tiểu ban Bảo vệ nội bộ (C57) đóng cạnh "lộ ủi" 246, nay là đường 792 cũng thuộc đất của xã Tân Lập. Tiểu ban Chấp pháp - Trại giam (C53) thuộc xã Thạnh Tây. Bệnh xá xây dựng sát vành đai biên giới, cách căn cứ Ban khoảng một cây số thuộc đất xã Tân Lập…

Nghe thuyết minh và đọc trong tư liệu những danh xưng mang chất hành chính này nơi căn cứ địa của lực lượng An ninh miền Nam thời đánh giặc mà ta có cảm giác như đấy chính là Bộ Công an của đất nước được phiên bản thành một đơn vị tác chiến mang nội dung giữ gìn an ninh trật tự và bình yên cuộc sống ở một vùng đất phía Nam thời còn đang trong khói lửa và tranh đấu…

Đưa chúng tôi đi thăm nhà bảo tàng và khu di tích là một đồng đội rất trẻ, tuổi 8X, học du lịch và được tuyển vào ngành, được mặc sắc phục Công an làm nhiệm vụ dẫn chuyện, đúng ra là kể chuyện về lớp lớp cha ông, chú bác mình đã gây dựng và làm ra lịch sử An ninh oanh liệt của một vùng đất. Người chiến sĩ ấy có tên Duy Tân, khuôn mặt hiền, giọng ấm và rành rẽ đưa chúng tôi qua từng chỗ, từng chỗ một trong bảo tàng. Sau câu dẫn của Duy Tân, chúng tôi hiểu thêm và ý nghĩa thêm về những điều mình chưa biết, muốn biết.

Nơi trang trọng nhất của bảo tàng là tượng đài Bác cùng Sáu điều Người dạy chiến sĩ Công an với cách viết cụ thể là Tư cách người Công an Cách mệnh. Ngẫm ra đây là lời Bác dạy các chiến sĩ của mình trong đạo làm chiến sĩ của đạo làm người.

Sáu điều Người dạy Công an cách đây đã trên sáu chục năm nhưng vẫn luôn thời sự trong công việc thường nhật của họ. Không gian của Khu Di tích căn cứ địa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam như vang lên nội dung Sáu lời dạy của Bác với 6 chữ phải như một nghĩa vụ và trách nhiệm mà người chiến sĩ Công an nhân dân cần luyện rèn và thực hiện.

Tôi đi trong Bảo tàng Công an nhân dân ở chiến khu phía Nam với một cảm xúc lắng đọng và chiêm nghiệm. Hiện vật và tranh ảnh ấm cúng như một sự quây quần của lịch sử về lực lượng. Có những hiện vật gốc gây cảm động cho người xem. Bi đông nước còn ngọt ngào lòng dân miền Đông hướng về kháng chiến. Chiếc hăng-gô đựng cơm kia như còn dẻo thơm hạt gạo sẻ chia của những cánh đồng phương Bắc, phương Nam góp gom nuôi cách mạng. Những chiếc xe máy đời cũ cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh và phục vụ tốt hơn cho công việc của người chiến sĩ An ninh. Khẩu súng tiểu liên, bàn chông bảo vệ căn cứ…

Tất cả như muốn nói lên rằng thời ấy còn nghèo lắm, thiếu thốn đủ bề, chỉ có giàu niềm tin và tấm lòng vì nước và vì nhau thôi con người đã làm được những công việc lớn lao cho đất nước, cho lực lượng, trong đó có những công việc, những chiến tích đã trở thành huyền thoại…

Rời nhà bảo tàng, chúng tôi theo Duy Tân vượt qua bên kia đường vào thăm khu di tích, cánh rừng rộng phía bên kia. Một không gian cây xanh đậm chất sử thi. Rừng ở đây cũng là rừng bảo tàng. Rừng rất nhiều cây sao, cây dầu… một loại cây đặc trưng mọc nhiều và mọc tốt ở những cánh rừng miền Đông Nam Bộ. Cây đang còn trẻ. Chắc chỉ dăm, mười tuổi là cùng. Tôi hỏi Duy Tân:

- Đây là cây mới trồng hả cháu?

- Dạ phải!

Tôi lại hỏi tiếp:

- Trước đây, nơi này mọc những cây gì cháu biết không?

Duy Tân cười hiền và im lặng. Chắc lúc ấy là rừng rậm và mọc nhiều loại cây hơn thế này. Thời điểm đầu những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi ấy, còn rất lâu sau người chiến sĩ trẻ này mới ra đời. Tôi ngước nhìn những cây sao, cây dầu… trẻ trung phủ mát trên những ngôi nhà làm việc xưa được phục dựng lại mà cảm nhận đây là màu xanh của sự biết ơn. Những ngôi nhà thấp lợp lá Trung Quân có lối bậc đất đỏ dẫn xuống hầm trú ẩn khi giặc oanh tạc tấn công. Chiếc giếng sâu còn ngấn nước nuôi quân ngày nào.

Bếp lửa Hoàng Cầm vẫn như đang giấu khói thổi cơm cho người lính An ninh những bữa ăn đạm bạc. Người người thắp hương tưởng niệm chỗ nhà làm việc xưa của đồng chí Phạm Thái Bường, đồng chí Cao Đăng Chiếm. Các ông là một trong những cán bộ lãnh đạo nòng cốt của khu căn cứ. Các ông và đồng đội mình hôm nay, những thế hệ tiền nhân của An ninh miền Nam ngày ấy có người đã cao niên, có người đã khuất núi nhưng chiến công của các ông với miền Nam, với đất nước là không có tuổi. Nó vĩnh viễn nằm trong sử vàng dân tộc và lưu dấu mãi nơi này.

Nơi quảng trường lớn gần nhà bảo tàng có đài tượng cao kỷ niệm. Một không gian hoành tráng của hôm nay tri ân các bậc đi trước. Lặng yên, lặng yên từng bước chân của người hành hương lên trước tượng đài bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Vầng cờ đỏ trên đỉnh cột cao, bay gió lộng trên đầu mỗi người như một vầng hồng thắm của nắng phương Nam. Nén hương thắp tạ ơn những người đã vì nước quên thân, vì dân phục vụ được thắp từ hôm nay và trang nghiêm dâng trước đài tưởng niệm những người đã hy sinh cho bình an của đất nước. Họ là một phần công lênh của dân tộc. Những anh linh ấy sống mãi với non sông!

Nhật Văn
.
.
.