Chiến công của lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế:

Những trận đánh xuất quỷ nhập thần

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:06
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn trinh sát vũ trang nội thành Huế đã trở thành nỗi khiếp đảm của quân giặc. Đây cũng chính là lực lượng tiên phong đánh chiếm các căn cứ giặc tại TP Huế, mở đường cho Trung đoàn Phú Xuân (Quân khu Trị Thiên) tiến vào cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu vào ngày 26-3 lịch sử mùa xuân 1975...

Một sớm giữa tháng Ba, chúng tôi tìm đến căn nhà số 2/37 Hùng Vương (TP Huế) gặp lại Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo, là Đội trưởng Tiểu đoàn trinh sát vũ trang hoạt động ở nội thành Huế năm xưa.

Dù đã 40 năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến những ngày tháng cùng đồng đội bám dân, xây dựng cơ sở làm tiền đề cho chiến dịch giải phóng Huế, ông Bảo vẫn nhớ nguyên vẹn ký ức hào hùng.

Ông kể, năm 1966, để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng, Ban chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế được thành lập.

Lúc đầu chỉ có 5 đồng chí cốt cán, về sau lực lượng phát triển lớn mạnh thì chia làm 5 đội có tên gọi 66A, 66B, 66C, 66D và 66E với 120 lính trinh sát vũ trang, tiếp theo kết nạp thêm hơn 200 đồng chí nữa.

Ông Hoàng Thức Bảo.

“Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tổ chức nhiều trận càn quét để đẩy Việt cộng ra khỏi khu dân cư hòng chiếm lại các điểm căn cứ. Trước tình hình này, lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế nhờ có dân che chở, bảo bọc nên mới bám trụ được địa bàn. Để tránh sự lùng sục của địch, nhân dân đào hầm bí mật, nuôi cơm anh em tôi từng bữa. Khi bị giặc phát hiện gia đình nào che giấu Việt cộng thì cả nhà đó đều bị bắt tù đày, tra tấn dã man; hoặc bị giết chết, bêu đầu thị chúng; song nhân dân vẫn một lòng trung kiên với Đảng và cách mạng, vẫn bảo bọc anh em trinh sát vũ trang không hé răng khai lấy nửa lời…”, ông Bảo xúc động nhớ lại một thời chiến tranh máu lửa.

Lần giở những tư liệu ít ỏi về Tiểu đoàn trinh sát vũ trang do bản thân ghi chép lại và cất giữ suốt hơn 4 thập kỷ qua, ông Bảo hồi tưởng rằng, trong “sự nghiệp” lính trinh sát, ông vẫn còn nhớ như in 3 trận đánh lớn của đơn vị khiến kẻ địch kinh hồn bạt vía.

Đó là trận đánh diễn ra trong 11 ngày đêm, lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế giết được 200 tên địch tại địa đạo Khe Trái (thị xã Hương Trà) vào tháng 4/1968, bảo vệ thành công hậu cứ an ninh tỉnh.

Trận thứ 2, khi biết tin đại hội thi đua Công-Nông binh tại hậu cứ Khe Vàng (Hương Thủy) được tổ chức, địch cho 1 tiểu đoàn tấn công.

Gặp sự phản kích quyết liệt của lực lượng trinh sát nội thành Huế, chúng buộc phải rút lui, 100 đại biểu tham dự đại hội được bảo vệ an toàn.

Trận này lực lượng trinh sát diệt 50 tên địch, bắt sống hàng chục tên khác.

Đặc biệt, tháng 8/1970, với chỉ thị đánh lùi địch, nhưng không lộ lực lượng, Tiểu đoàn trinh sát vũ trang do đồng chí Trần Phong (tên thật là Trần Đình Lưỡng), thuộc Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang, Trưởng Ban An ninh TP Huế đã chỉ huy các đội trinh sát vũ trang nghĩ ra cách cưa đôi đạn pháo chưa nổ rồi nhét kíp nổ vào trong, đặt dọc tuyến đường mà địch hành quân từ Hương Long về xã Hương Mai (thị xã Hương Trà).

Địch đi qua, mìn phát nổ, tiêu diệt toàn đội thám báo và 1 máy bay địch bị cháy rụi. Chiến công vang dội này của lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế đã được Báo Cờ giải phóng đưa tin vào ngày hôm sau…

Chuyện trò với chúng tôi, Anh hùng LLVTND Trần Phong còn cho biết, mặc dù lực lượng trinh sát vũ trang chỉ hoạt động ở khu vực nội thành Huế, nhưng vì địch liên tục càn quét, bắn phá ở nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh nên đơn vị đã mở rộng phạm vi hoạt động.

Ông Trần Phong.

Từ năm 1969 đến 1974, Tiểu đoàn đã tổ chức trên 100 trận đánh lớn nhỏ, góp phần bảo vệ vững chắc hậu cứ an ninh ở Huế.

Điển hình là trận đánh của đồng chí Nguyễn Đình Xướng, Chính trị viên phó Đội trinh sát vũ trang nội thành Huế.

Sáng 19/6/1971, địch mở cuộc càn quét vào xã Thủy Phương. Lúc này, anh Xướng cùng hai đồng chí cán bộ cấp trên nấp dưới hầm bí mật; nhưng bị địch xăm trúng hầm.

Biết không thể thoát khỏi vòng vây, anh bất ngờ đội nắp hầm, dùng súng mở đường cho 2 cán bộ trốn thoát.

“Lúc đó, anh Xướng trúng đạn bị thương nặng ở chân. Chỉ còn quả lựu đạn cuối cùng nên anh đợi bọn địch xông tới để bắt sống anh thì mới rút chốt. Lựu đạn nổ, anh Xướng hy sinh, nhưng đã kịp loại khỏi vòng chiến đấu thêm vài tên địch”, dù đã bước sang tuổi 86 nhưng anh hùng Trần Phong vẫn còn nhớ như in câu chuyện về đồng đội mình…

Theo lời kể của Anh hùng Trần Phong, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Huế, mặc dù tướng Ngô Quang Trưởng kêu gào “tử thủ”, nhưng những ngày giữa tháng 3/1975, lính ngụy đã rùng rùng bỏ chạy về cửa biển Thuận An để lên tàu thủy vào Nam.

Một số cán bộ thuộc Ban An ninh TP Huế tham dự hội nghị Ban An ninh khu Trị Thiên vào năm 1971.

Nắm bắt cơ hội này, ngày 24/3/1975, tổ trinh sát vũ trang gồm 11 người còn lại do ông trực tiếp chỉ huy tiến công vào Huế, đánh chiếm Ty Cảnh sát ngụy ở số 15 Trần Cao Vân; chiếm căn cứ cảnh sát sắc phục đóng ở đường Duy Tân; chiếm trung tâm thẩm vấn Mỹ, ngụy đóng ở đường Lê Quý Đôn và nhà lao tạm... mở đường cho Quân đoàn 2, Thành đội và một cánh quân từ tỉnh Quảng Trị tiến vào Huế vào chiều hôm sau.

Ngày 26/3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đã được Trung đoàn Phú Xuân (Quân khu Trị Thiên) cắm trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu Thừa Thiên- Huế được giải phóng hoàn toàn.

Ghi nhận thành tích và chiến công của lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho Tiểu đoàn trinh sát vũ trang TP Huế cùng 9 đồng chí, trong đó có Hoàng Thức Bảo, Trần Phong, Nguyễn Đình Xướng...

Anh Khoa
.
.
.