Kỷ niệm 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014)

Chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy

Thứ Hai, 28/04/2014, 14:07
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy TW thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; đồng thời chuẩn y đề nghị lấy tên chiến dịch tấn công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Để chuẩn bị chiến dịch, Thành ủy Sài Gòn giao cho Ban An ninh T4 năm nhiệm vụ: Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo trong Thành ủy; bảo vệ an toàn các kho gạo trong TP, đảm bảo 15 ngày đầu sau khi tiếp quản có đủ gạo cung cấp cho dân, các lực lượng quân, dân, chánh, Đảng; chiếm lĩnh và bảo vệ tốt các tài liệu, hồ sơ của Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy (thường gọi là Tổng nha cảnh sát) và Nha cảnh sát Đô Thành; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chiếm Ty cảnh sát Gia Định, các cơ sở hạ tầng của ngụy quyền; đảm bảo trật tự xã hội, nhất là trật tự giao thông trong TP ngay sau khi tiếp quản.

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, lực lượng An ninh T4 được chia làm 3 cánh: một cánh do đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc), chỉ huy có nhiệm chiếm lĩnh Nha cảnh sát Đô Thành; cánh thứ 2 do đồng chí Bùi Quang Hảo (Hai Mỏ), chỉ huy có nhiệm vụ chiếm lĩnh Ty cảnh sát Gia Định và cánh thứ 3 do đồng chí Thái Doãn Mẫn (Tám Nam) chỉ huy được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy. Chúng tôi nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh mục tiêu Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy, lần này là lần thứ hai. Lúc này tình hình đã thay đổi, hơn một nửa miền Nam đã được giải phóng, quân đội ta đã áp sát Sài Gòn và quần chúng đang sục sôi cách mạng, tinh thần quân ngụy Sài Gòn đang rệu rã, chạy dài.

Sau khi nhận nhiệm vụ và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí, lương thực, ngày 14/4/1975 chúng tôi xuất phát từ xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) đến xã Tân Nhật (huyện Bình Chánh) và ém quân ở đây. Ngày 20/4/1975, chúng tôi bắt đầu triển khai nắm tình hình Sài Gòn hằng ngày và liên lạc với lực lượng quân đội được giao nhiệm vụ chiếm Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy để chiếm lĩnh, quản lý và bảo vệ mục tiêu.

Ngày 26/4/1975, chúng tôi nhận được lệnh: chiều 29/4/1975 vượt quốc lộ 1 đến xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) tiếp cận với lực lượng mũi nhọn tiến quân vào Sài Gòn. Tuy nhiên, đêm 29/4/1975 liên lạc dẫn đường báo cáo là địch phục kích ở quốc lộ 1 không qua được, phải dừng lại, ngày hôm sau (30/4/1975) mới triển khai được. Chúng tôi rất sốt ruột vì tình hình khẩn trương không thể nào chần chờ; đồng thời cơ sở ở xã Tân Nhật báo tin là máy bay ta đã đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, ở Sài Gòn địch rối loạn tan rã, binh lính địch một số lớn đồn bót ở ngoại ô đã bỏ chạy; ngay tại xã Tân Nhật, bọn lính dân vệ và tề xã bỏ đồn chạy trốn.

Đồng chí Thái Doãn Mẫn và các đồng đội đang ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vào lúc 5h sáng 30/4/1975, chúng tôi cho liên lạc ra khu vực Chợ Đệm, Bình Điền (huyện Bình Chánh) nắm tình hình địch; đồng thời cho cơ sở vào Sài Gòn nắm diễn biến; từ báo cáo của cơ sở chúng tôi mới quyết định có vượt quốc lộ 1 vào sáng 30/4/1975 hay không. Nếu tình hình cho phép thì thực hiện ngay phương án 2 là địch rối loạn bỏ chạy, lượng an ninh được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ  kết hợp với lực lượng tại chỗ, chiếm lĩnh mục tiêu sớm nhất và bảo toàn lực lượng.

Khoảng 8h sáng 30/4/1975, giao liên báo tin là địch ở Chợ Đệm, Bình điền bỏ chạy, quần chúng và cơ sở ở khu vực Phú Lâm đã kéo cờ của giải phóng. Trước tình hình này, chúng tôi tính toán, nếu thuận lợi ta đi thẳng vào Phú Lâm để kết hợp với cơ sở tiến vào mục tiêu đã định không đợi đến tối 30/4/1975 mới vượt qua quốc lộ 1 để phối hợp với lực lượng quân đội đang đóng ở xã Hưng Long. Chúng tôi quyết định tiến quân, ra tới Bình Điền sát quốc lộ 1 vào lúc 9h30  ngày 30/4/1975. Tại đây, cờ giải phóng tung bay, chúng tôi bắt đài phát thanh Sài Gòn, biết tin Dương Văn Minh hạ lệnh cho binh lính ngụy hãy buông súng, chờ lệnh.

Gần 11h ngày 30/4/1975, chúng tôi lấy 1 xe vận tải GMC và 1 xe Jeep của địch bỏ lại, cắm cờ lên xe, đi thẳng vào mục tiêu càng nhanh càng tốt, nếu có phản ứng của địch thì phải chiến đấu. Xe trước có hỏa lực mạnh cách xe sau khoảng 100m, tất cả phải sẵn sàng chiến đấu, xe đi tốc độ không nhanh. Khi đến Phú Lâm, chúng tôi thấy cờ giải phóng đã tung bay trước một số nhà dân và họ reo hò chào mừng chúng tôi. Xúc động quá, chúng tôi cho xe chạy chậm lại, vẫy tay chào và cho trinh sát hỏi thêm tình hình. Tất cả bà con đều trả lời: “Sài Gòn giải phóng rồi”. Cánh quân chúng tôi tiếp tục tiến đến mục tiêu đã định mà không gặp một trở ngại nào, lúc đó kim đồng hồ chỉ: 13h ngày 30/4/1975.

Được sự hướng dẫn của một nhân viên cảnh sát đặc biệt (cơ sở nội tuyến của An ninh T4), chúng tôi phân công lực lượng bảo vệ các khu vực trọng điểm; không cho phép bất kỳ ai được ra vào nếu không có lệnh của chỉ huy: kho lưu trữ hồ sơ của cảnh sát đặc biệt là nơi chứa những tài liệu bí mật cấp quốc gia do địch để lại (danh sách, hồ sơ của toàn bộ lực lượng cảnh sát đặc biệt và mạng lưới cơ sở của địch); khu thông tin liên lạc của địch; kho vũ khí, đạn dược, các phương tiện kỹ thuật và xe cộ. Ngoài ra phân công một tổ thường xuyên tuần tra bên trong Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy.

Lúc 15h ngày 30/4/1975, chúng tôi gặp một số cơ sở ở Bàn Cờ  để bàn việc tiếp tế lương thực, nước uống cho lực lượng vào tiếp quản. Chúng tôi rất cảm động vì chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, bà con và cơ sở  đã chở đến nhiều thức ăn: cơm, bánh mì, nước ngọt, nước uống đủ cho chúng tôi sử dụng trong ngày và đêm 30/4/1975.

Theo quy định của Ủy ban Quân quản TP, 7h sáng 1/5/1975, từng tốp 5-7 người là sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên cảnh sát của Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy đến xin đăng ký trình diện, có người đem cả vũ khí đến nộp. Chúng tôi tổ chức cho họ đăng ký và trao biên nhận cho từng người, ai đăng ký xong thì ra về, chờ khi có lệnh sẽ đến trình diện để đi học.

Sáng 2/5/1975, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an vào đến Sài Gòn. Khi đến Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy, nghe chúng tôi báo cáo sơ bộ về việc chiếm mục tiêu này, đồng chí Trần Quốc Hoàn khen ngợi: “Các cậu giỏi lắm, thế là ta chiếm được một kho báu quý giá mà địch để lại, nó là vô giá, điều mà tôi mơ ước từ lâu”.

Chiều 2/5/1975, đoàn Ban An ninh TW Cục miền Nam do đồng chí Ngô Quang Nghĩa, Chánh văn phòng chỉ huy vào tiếp thu Bộ Tư lệnh cảnh sát Quốc gia ngụy. Sau khi bàn giao công việc ở đây cho Ban An ninh TW Cục miền Nam, tôi được lệnh của Thành ủy, Ủy ban Quân quản TP trở về nhận nhiệm vụ mới

(Theo lời kể của đồng chí Thái Doãn Mẫn, nguyên Phó ban An ninh T4, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh)
Công Trường
.
.
.