Chị vẫn gói mùa đông

Thứ Ba, 28/01/2014, 17:17
Sông Thạch Hãn tôi đi ngược chiều gió thổi chỉ để tới thăm chị bạn Thu Hường, rồi ghé qua chợ Do, mua một chai nhỏ dầu hỏa đem về cho chị thắp đèn. Chị, người thiếu phụ chỉ khói hương cho người yêu từ thuở còn phù hiệu binh nhì. Anh D đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, trên dòng Thạch Hãn đã 40 năm. Nghĩa là hơn 40 mươi mùa đông chị gói ghém nỗi đau và đơn độc của mình.

Những ngày lễ tết, chị đi chùa, đi Thánh địa La Vang. Chị cầu nguyện cho anh và xin phật độ cho mình một thứ. Đó là sức khỏe, ít đau ốm để còn đi chợ cá, đong gạo ăn qua ngày. Trận bão vừa xảy  ra trong năm, nhiều nhà chẳng còn gì trong nhà. Thuyền vỡ, mái nhà bay đâu mất. Mùa cá cơm năm nay cũng ít đi.

Ngày tết chị mua cá về làm mắm ruốc cho đỡ buồn tay. Cái túi nilon cũ kỹ hơi nhàu nhĩ mà gói tới ba lần túi nilon. Chị khoe tài sản của chị có mỗi thứ này. Thứ gì thế. Tò mò tôi hỏi. Chị cho em xem. Trời ạ,thì ra  những lá thư ngả màu vàng theo năm tháng, những ái ố hỉ nộ như chẳng động đến được dòng chữ này. Cũng chỉ là ngôn từ trên dòng chữ, em yêu, em yêu dấu, em yêu thương của anh. Có một lá thư anh viết, nếu cuộc chiến này, anh không trở về, anh muốn em đi lấy chồng, và em phải được hạnh phúc. Nhưng chị đã chờ anh, đã hương khói cho anh và chị ở vậy. Một mình.

Chị sống một mình gần Thánh địa La Vang, chị đến thánh địa La vang nghe thánh ca du dương. Du dương. Chị không xin chúa điều gì. Chỉ nghe thánh ca cho đỡ buồn và thấy thanh thản là mùa xuân ở trong lòng mình. Với chị nhớ anh không riêng  gì tháng 7, không riêng gì tháng 12, hay ngày áp tết, chị vẫn cùng má Hiển đi rang gạo, và mua muối đi lên nghĩa trang thắp hương cho các liệt sỹ vô danh.

Có ngày ra sông lặng lẽ thả hoa bên Thạch Hãn, chờ một bóng hình cũ, một cái nhìn đắm đuối hư vô, ảo mờ đã lâu lắm, ngày còn tóc đen mây trắng, ngày anh ấy còn là binh nhì. Và mãi là binh nhì vô danh. Anh không có mộ. Nhiều chiến sỹ ta không có mộ. Họ đã dâng hiến thanh xuân cho Tổ quốc, và chị Thu Hường chỉ là một thiếu phụ ẩn danh trong hàng ngàn thiếu phụ của đất nước Việt Nam tình nguyện hai lần hy sinh cho tình yêu và cho cuộc sống đơn thân của mình. Tài sản của chị Thu Hường, và của rất nhiều vợ liệt sỹ khác ở vùng thôn quê hẻo lánh. Gia tài của họ là chiếc túi nilon, gói rất kỹ những lá thư ố vàng, bao lần thấm nước mắt, không đếm được. Và nước mắt đã tự khô trên dòng chữ cứng cáp hay viết nghiêng kia. Không nhớ được.

Sông Thạch Hãn - dòng sông đã đi vào thơ ca và huyền thoại.

Kỷ niệm về người lính, những thiếu phụ ở khắp nước Việt này có gì ngoài chiếc ba lô, để lưu giữ, một số những kỷ vật bằng sắt may ra còn lại sau cuộc chiến thì dễ treo, như hăng gô, ca men dùng uống nước, dao găm, còn duy nhất những lá thư thì  lưu giữ trong cách chỉ gói ghém trong túi ni lon…

Những người phụ nữ ở Quảng Trị hay ở Gio linh Vĩnh Linh, hay sống ở vùng quê Nghệ An hay Hà Tĩnh, tôi hay bắt gặp họ gói thư trong túi nilon buộc bằng sợi len hay sợi dây chun, kỹ càng và nâng niu như báu vật của đời mình. Họ bảo tàng những lá thư trong trái tim họ và họ bảo tàng những lá thư trong gối, gối đầu giường hay trên ban thờ. Họ giấu vào bồ thóc hay cho ống tre treo trên nóc nhà. Tết hay nhân ngày lễ, hay buổi  tối buồn bã đem ra đọc cho khuây.

Có một con suối, hay một lạch nước trong vắt chạy qua đường đến Thánh địa La vang tôi thấy những ngôi nhà trồng toàn cúc vạn thọ, một đứa trẻ nói với tôi, khi xưa cha cháu thích hoa  cúc vạn thọ, khi đó mạ cháu nói cháu mới ba tháng tuổi. Trên tấm bằng tổ quốc ghi công mạ cháu luôn đặt một bó hoa cúc vạn tho rất tươi. Ngày tết thì mạ dâng cho cha thường xuyên.

Người Quảng Trị, mảnh đất như cái thắt lưng của đất nước này, mảnh đất chịu nhiều bom nhất, cả những mất mát hi sinh, con người phía sau cuộc chiến ấy, ngay cả gió bão và mùa thu hoặch biển cũng đối mặt với sóng. Năm nay nhiều nhà dân ăn tết trong đạm bạc. Có nhà lo đóng thuyền, có nhà lo lợp lại mái, có nhà lo đồ dùng học hành cho con cái họ. Ở chợ Do hay chợ cá Cửa Tùng cũng đón sóng yên biển lặng. Nhưng thành cổ Quảng Trị vẫn đầy hoa tươi và cơm gạo dâng lễ cho các anh. Ở thành phố, vẫn còn có người lính thành đạt, họ không quên sự dâng hiến thanh xuân của đồng đội, và họ tri ân lặng lẽ như các anh hy sinh lặng lẽ.

Chị Hường nói còn nhiều chị em phụ nữ nuôi con một mình, giờ con cái đã lớn khôn, có nhà con cái đi học ra nước ngoài, người có phận làm mẹ  cũng vẫn đơn thân vậy thôi. Con khôn thành đạt, chúng ở bên trời tây cả, có hỏi thăm mẹ cũng qua điện thoại thôi. Có người vợ trước khi mất vì bệnh ung thư còn khư khư cất bên mình lá  thư tình của chồng và thư thăm hỏi của đứa con sống bên Úc. Giá như có một người chép sử mà ghi lại những phận người phụ nữ sau cuộc chiến tranh, sẽ còn bao nhiêu mối tình tuyệt đẹp bị vùi lấp dưới bãi cát vàng ở biển Cửa Tùng hay biển Cửa Việt?

Còn bao nhiêu tình yêu vô danh giấu dưới cát vàng, giấu dưới sóng cát kia? Có một ngày tôi đi với chị bên những con thuyền tròn lật úp trên sóng, ngày tết thuyền cũng ngủ trên cát như thuyền trở về nhà.

Những ngư dân biển không về sau bão. Những phụ nữ đơn côi chống chọi với cơm áo cho các con thơ. Họ đối mặt với gió giông và biển cả. Họ đến chùa chỉ ngồi thiền im lặng. Những ngôi chùa rất lớn ở Quảng Trị, đều có một phong cách văn hóa rất đặc biệt. Chùa sạch sẽ, và nơi dâng hương không nhiều mâm cao cỗ đầy như ở miền bắc. Mà rất thanh tịnh. Hoa thơm và quả tươi, rất ít vật chất. Đời sống tinh thần, giá trị sống được dâng phật ở phần hồn. Rất tinh tế, rất thanh bình.

Bạn có thể ngồi im lặng trước phật hằng ngày, hằng buổi, không ai làm phiền ai. Lễ phép và tôn kính nhau.

Có thiếu phụ vào chùa quét lá, có thiếu phụ vào Thánh địa La vang dâng nước thánh, họ có niềm tin vào chúa và niềm tin vào Phật giáo. Họ bước qua những mối tình trong chiến tranh và cả trong thời hòa bình, chỉ để học một điều bình thản bước qua. Họ biết gói ghém mùa đông của đời mình và biết nhìn mặt trời trong biển ấm nắng của mùa xuân, những giọt nắng lập xuân dâng trên biển rất muộn vào lúc đứng bóng người

Hoàng Việt Hằng
.
.
.