Xung quanh rộ lên việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm:

Chỉ nên coi đây là biện pháp hỗ trợ cần kết hợp với khoa học

Thứ Sáu, 15/07/2011, 11:00
Dư luận nhiều ngày qua dành quan tâm tới hai trường hợp hài cốt liệt sĩ ở Hoà Bình và Bắc Ninh sau khi được thân nhân liệt sĩ tìm kiếm đưa về địa phương nhưng vẫn còn nghi ngờ, chưa đủ các cơ sở chứng minh hài cốt đúng là liệt sĩ hay không. Sự việc này đang khiến các cơ quan chức năng địa phương lúng túng trong việc xử lý. Việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm thêm một lần lại làm nóng dư luận với nhiều quan điểm trái chiều.

Ngày 14/7, chúng tôi đã có buổi làm việc với Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH để tìm hiểu xung quanh vấn đề này. Cục Người có công cũng đang phải thảo luận và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh về trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến ở xã Giã Đông (Thuận Thành-Bắc Ninh) khi vấn đề chôn cất và công nhận liệt sĩ ở đây vấp phải câu chuyện khá hy hữu là chính con gái liệt sĩ lại không công nhận đây là hài cốt của cha mình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Chính sách, Cục Người có công thì đối với những trường hợp mộ liệt sĩ còn có tranh chấp, hoặc chưa rõ thì việc tiến hành giám định gen (AND) là phương pháp tối ưu để hoá giải. Nhưng trong thực tế thì rất hiếm gia đình thân nhân liệt sĩ đồng ý làm thủ tục này vì đa phần đều có tâm lý để người đã khuất được “yên ổn”.

Liên quan đến câu chuyện đang được nhiều người quan tâm này, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trao đổi với PV Báo CAND xung quanh đề án này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết.

PV: Gần đây, tại nhiều địa phương đã nở rộ các Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh: Theo báo cáo của các địa phương đã có nhiều cơ sở tự phát hoạt động trong lĩnh vực ngoại cảm, để tìm kiếm xác định hài cốt liệt sĩ. Hoạt động của các trung tâm này tạo ra những luồng dư luận trái chiều nhau tại địa phương, có người ủng hộ, có người phê phán. Đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương. Thậm chí có cơ sở có dấu hiệu trục lợi, thu tiền cao của thân nhân liệt sĩ không hợp lý.

Đặc biệt một số thân nhân sau khi “áp vong” có biểu hiện tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống gia đình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm chứng được tính chính xác trong việc tìm kiếm, qui tập mộ liệt sĩ thông qua các cơ sở này.

Tôi không phủ nhận mặt tích cực của việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ qua phương pháp ngoại cảm, chỉ nên coi đây là một trong những biện pháp hỗ trợ cho công tác tìm kiếm hài cốt, cần phải kết hợp với phương pháp khoa học và vật chứng khác.

PV: Vậy với những đối tượng lợi dụng việc này để trục lợi thì sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh: Những ai lợi dụng danh nghĩa tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để lừa đảo tiền của thân nhân liệt sĩ thì cần có biện pháp xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm. Nếu lừa đảo có tổ chức phải khởi tố theo qui định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Bùi Hồng Lĩnh trong lễ truy điệu liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia.

PV: Khi thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm kiếm mộ liệt sĩ kết hợp với phương pháp ngoại cảm, xin Thứ trưởng cho biết, họ có thể nhờ cậy đến Trung tâm có uy tín nào?

Thứ trưởng Bùi Hỗng Lĩnh: Theo qui định tại Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/1/2007 của Chính phủ, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tìm kiếm, phát hiện và cung cấp thông tin về mộ, hài cốt liệt sĩ. Do vậy, nhà ngoại cảm thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người hay nhà ngoại cảm khác nếu biết thông tin về mộ liệt sĩ thì báo UBND tỉnh hay cơ quan quân sự địa phương hoặc Bộ Quốc phòng để có trách nhiệm xác minh, kết luận và tiến hành qui tập nếu là hài cốt liệt sĩ. 

PV: Được biết, để chuẩn bị xây dựng Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện thí điểm để đánh giá tính khả thi trước khi trình Chính phủ. Xin Thứ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tiến hành thí điểm như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh: Từ năm 2011-2013, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện làm thí điểm, mỗi năm làm mẫu khoảng 1.000 mẫu giám định gen để đưa vào ngân hàng gen trước khi có mẫu đối ứng. Trước mắt làm thí điểm giám định gen (AND) ở nghĩa trang liệt sĩ Hữu nghị Việt-Lào ở Anh Sơn-Nghệ An. Trước mắt làm mẫu ở nghĩa trang Anh Sơn, và làm thêm đối với những trường hợp mộ còn đang tranh chấp, hoặc mộ mới được qui tập về được lấy mẫu để đưa vào giám định gen đưa vào ngân hàng gen.

PV: Các gia đình thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm mộ liệt sĩ có thể liên hệ với cơ quan nào để được trợ giúp?

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh: Gia đình liệt sĩ có nhu cầu có thể liên hệ với cơ quan quản lý của liệt sĩ trước khi hy sinh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoặc Cục Chính sách Bộ Quốc phòng

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.