Nhà cách mạng tiền bối, liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc:

Chí lớn, lòng son, trọn đời vì Tổ quốc

Thứ Bảy, 28/07/2012, 13:02
Ngắm từ bên ngoài, nhà số 152 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn giữ được nét cổ kính của những ngôi nhà xây từ đầu thế kỉ XX, với những hình khối, hoa văn trang trí tinh xảo pha trộn lối kiến trúc Pháp - Việt. Đây cũng là một di tích lịch sử, nơi Nguyễn Phong Sắc, nhà cách mạng tiền bối, linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, sinh ra, lớn lên và hoạt động thời kỳ cuối những năm 1920.

Người con ưu tú của Hà Nội

Đã thành truyền thống, vào dịp 27/7 hằng năm, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) lại tới thăm gia đình nhà cách mạng tiền bối của Đảng mà ngôi trường vinh dự được mang tên. Năm nay, tròn 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đoàn đại biểu nhà trường do cô Lại Thị Nguyệt Hằng, Phó Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn, thành kính đến địa chỉ quen thuộc 152 Bạch Mai, dâng hương tưởng nhớ nhà cách mạng tên tuổi.

Sau khi đưa khách lên gác thắp hương, bà Nguyễn Thị Hiền (76 tuổi, người con dâu duy nhất của đồng chí Nguyễn Phong Sắc) cùng thầy và trò nhà trường quây quần ôn lại những kỉ niệm về người chiến sĩ Cộng sản tiền bối đã hi sinh hơn 7 thập kỉ trước. Trên căn gác tầng hai, có bàn thờ Nguyễn Phong Sắc và một số hiện vật như chiếc mâm đồng cổ, một tủ sách cũ mà sinh thời ông thường sử dụng.

Lần giở tư liệu, bà Hiền cùng thầy trò nhà trường không khỏi xúc động trước những kỷ vật, trong đó có ảnh các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh… chụp cùng gia đình khi đến thắp hương tưởng nhớ người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết từ thuở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, cho đến quá trình xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Văn Sắc) sinh ngày 1/2/1902 ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Phúc, thành viên của phong trào Đông Kinh nghĩa thục và là một trong những người trực tiếp tham gia vụ “Hà thành đầu độc” nổi tiếng năm 1908, khiến 200 binh lính, sĩ quan Pháp bị nhiễm độc. Mặc dù kế hoạch ban đầu đã đạt được, song những người yêu nước không thực hiện được ý đồ phối hợp với nghĩa quân của Đề Thám đánh úp thành Hà Nội.

Lập tức, quân Pháp đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy và bắt hầu hết những người liên quan. Một số người bị xử chém như đội Bình, đội Cốc, đội Nhân; những người khác trong đó có Nguyễn Đình Phúc bị đưa ra đày tại Côn Đảo. 

Cha đi tù, mẹ tần tảo lo mưu sinh bằng nghề làm hàng mã nhưng Nguyễn Phong Sắc vẫn được gia đình chăm lo việc học hành. Là người có tư chất thông minh, sau khi học xong trường làng, Nguyễn Phong Sắc thi đậu trường Trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi nổi tiếng ở Bắc kỳ suốt nửa đầu thế kỷ XX).

Năm 1924, Nguyễn Phong Sắc đỗ thủ khoa bậc Thành chung và được nhận học bổng du học bên Pháp. Tuy nhiên, ông đã từ chối và xin vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương.

Từ công việc này, Nguyễn Phong Sắc thấu hiểu chính sách bóc lột của thực dân Pháp qua các loại thuế khoá. Thừa hưởng tinh thần yêu nước của người cha, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu năm 1927.

Bà Nguyễn Thị Hiền (ngồi giữa) và thầy trò Trường THCS Nguyễn Phong Sắc.

Cũng thời gian này, ông bỏ việc ở Sở Tài chính với mức lương 100 đồng Đông Dương (đủ nuôi cả gia đình sống sung túc), bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp…

Linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Chính thức bắt đầu cuộc đời cách mạng, Nguyễn Phong Sắc tích cực tham gia chủ trương “vô sản hoá”, thâm nhập đời sống thợ thuyền để xây dựng, tổ chức phong trào đấu tranh. Căn nhà 152 Bạch Mai trở thành nơi hội họp, tài sản gia đình được bán dần để chi phí in ấn tài liệu và nuôi cán bộ.

Đầu tháng 3/1929, cùng với Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những người đầu tiên thành lập tổ chức Cộng sản ở trong nước, tại nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội).

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tháng 6/1929, Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời. 

Ngày 21/7/1929, hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Bắc Ninh phân công Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư lâm thời Xứ uỷ Trung kỳ. Cùng với Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc lên đường vào miền Trung để lãnh đạo phong trào. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã tổ chức được lực lượng và cho ra đời chi bộ Cộng sản đầu tiên ở TP Vinh (Nghệ An).

Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ do Nguyễn Phong Sắc đứng đầu, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc tập dượt đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám, đã bùng nổ. Ngày 1/5/1930, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy nổi dậy; tháng 6/1930, cuộc đình công lần thứ hai diễn ra với quy mô lớn.

Tháng 9/1930, phong trào đấu tranh lan sang tỉnh Hà Tĩnh, hàng loạt cuộc biểu tình liên tục nổ ra và lan rộng thành một cao trào yêu nước.

Ngày 12/9/1930, cuộc nổi dậy của nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) bị thực dân Pháp đàn áp bằng máy bay ném bom, làm 217 người chết; phong trào đấu tranh cách mạng càng sôi sục. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Phong Sắc trở thành ủy viên thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực dân Pháp điên cuồng truy lùng, bức hại các chiến sĩ cách mạng.

Tháng 4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú sa vào tay mật thám. Giữa năm 1931, toàn bộ Xứ ủy Trung kỳ bị bắt. Ngày 3/5/1931, do bị chỉ điểm, Nguyễn Phong Sắc bị bắt tại Hà Nội, sau đó bị địch thủ tiêu ở Nghệ An…

Ngày 17/5/1981, trong lần đến thăm gia đình người bạn chiến đấu thân thiết của mình, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã kể lại với con cháu của Nguyễn Phong Sắc: “…Những năm 1927 – 1928, bố cháu làm ở Sở Phi-năng, sau ra dạy học ở Trường Thăng Long, còn bác làm ở ga Hàng Cỏ - Sở Hỏa xa Hà Nội. Lúc đó, bố cháu và bác đều hoạt động trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Bác đã mấy lần làm việc với bố cháu ở Hà Nội, Hải Phòng, trong Xứ uỷ Bắc kỳ. Bác còn nhớ, bố cháu hơn bác 7 tuổi. Bác cũng biết bố cháu hồi đó ở Bạch Mai nhưng không biết rõ nhà...

Bố cháu có tinh thần chiến đấu rất hăng hái, kiên quyết cách mạng, tác phong quần chúng giản dị, ngày đêm hăng say làm việc, hi sinh quên mình vì nhiệm vụ cách mạng. Khi Đảng ta thành lập, bố cháu tiếp tục được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách Trung kỳ. Bố cháu đã đi khắp xứ Trung kỳ, xây dựng, tổ chức cơ sở Đảng, phát động quần chúng, sau đó gây cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Trên đường ra Bắc công tác, bố cháu bị địch bắt ở Hà Nội. Sau một thời gian giam cầm và tra tấn nhưng không thu được kết quả gì, mật thám Pháp đã đưa bố cháu vào Vinh và lén lút ám hại. Bố cháu đã hi sinh anh dũng vào cuối tháng 5/1931”.

Cũng với tình cảm quý mến, kính trọng nhà cách mạng tiền bối, ngày 26/5/1987, nguyên Tổng Bí thư, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh đã lưu bút vào sổ vàng của gia đình: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, đã dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Mong các cháu nối chí cha, ông, noi gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc, phát huy truyền thống gia đình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho”

Trần Duy Hiển
.
.
.