Chạy khai sinh cho… xe máy

Thứ Sáu, 31/12/2004, 16:35

Đêm mưa rét. Đã bắt đầu một ngày mới nhưng đoạn đường trước cửa trụ sở đăng ký xe máy số 2 (611 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân) vẫn có vài chục người tập trung. Thời tiết đại hàn không làm cho người ta mất kiên nhẫn vì chỉ còn 1 ngày họ sẽ không thể đăng ký cho chiếc xe của mình.

Quyết định ban hành ngày 21/12/2004 của UBND thành phố Hà Nội về việc tạm dừng đăng ký xe máy tại 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ sau ngày 1/1/2005 thực sự đã tạo nên cơ hội làm ăn của giới buôn bán xe máy nội thành, đồng thời cũng là vấn đề đang được quan tâm của người dân sinh sống trong các quận kể trên. Trong những ngày cuối năm này, bên cạnh bao lo toan trong cuộc sống, người ta còn phải "cõng" thêm một nỗi lo: Lo không làm được “khai sinh” cho chiếc xe của mình để có thể ung dung hành trình trên từng cây số…

Đi đăng ký xe… đêm

Anh Hoàng Minh Đức (ở Trung Hoà - Cầu Giấy) là một trong những người có mặt tại trụ sở đăng ký xe số 2 từ buổi chiều hôm trước. Hầu hết những người trong số họ đều đã có mặt tại điểm đăng ký xe này trước đó gần 1 tuần. Thời gian hết hạn đăng ký đã cận kề, ban ngày đến thì không thể chờ đợi được, họ đành phải xếp hàng từ chiều tối hôm trước để đến sáng hôm sau có thể làm thủ tục đăng ký cho chiếc xe của mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, từ khi Quyết định tạm dừng đăng ký xe được ban hành ngày 21/12/2004, mỗi ngày có khoảng trên dưới 700 xe được đăng ký.

Chúng tôi có mặt tại điểm đăng ký xe số 2 vào lúc 12 giờ đêm, con phố vắng tanh, duy có những người ngồi đợi vẫn đang sôi nổi với những câu chuyện trên trời dưới bể để giết thời gian. Và cuối cùng câu chuyện cũng lại tập trung về vấn đề xe cộ. Ông Trần Anh Tuấn (ở Cầu Giấy) cho biết khi Quyết định của UBND thành phố ban hành, ông đã chạy vạy vay mượn tiền để mua được một chiếc xe WAVE: "Gia đình tôi 4 người mà mới có 2 chiếc xe. Vẫn phải mua thêm để sử dụng, bây giờ không mua thì sau này không thể đăng ký xe được nữa".

Đêm 28, rạng sáng 29/12/2004, người ta đến xếp hàng chờ đăng ký xe đông nghìn nghịt. 3 giờ sáng mà xe cộ đã tràn cả xuống lòng đường. Đêm 29, trời rét nên lượng người vắng hơn. Vài chục người ăn, nằm tại chỗ. Rét quá thì khoác thêm mảnh áo mưa cho đỡ lạnh. Đám cò sau một thời gian ế ẩm đang được dịp hoành hành. Không còn xếp hàng chờ đăng ký cho khách nữa, "cò" bây giờ chuyển sang bán tờ khai. Nếu như trước đó vài ngày, giá tờ khai được rao bán chỉ khoảng 20-50 ngàn đồng nhưng cho tới sáng 30/12, tờ khai bán ra với giá 1 triệu đồng với điều kiện phải là người quen biết. Còn nếu không thì… đứng mà chờ.

Giá xe tăng theo ngày

Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người dân, các cửa hàng đại lý xe máy nằm tại các khu phố Bà Triệu, Nguyễn Lương Bằng, phố Huế… tấp nập người mua. Các loại xe có giá tương đối "bình dân" quãng từ 20 - 40 triệu đồng hiện đang được coi là đắt khách nhất đã được cửa hàng tăng giá cao hơn giá cũ ít nhất 1 triệu đồng. Còn các loại xe có giá vài ngàn USD như DYLAN, @ cũng được phát giá cao hơn giá cũ ít nhất 100 USD.

Chỉ cách đây vài ngày, các cửa hàng còn kiêm luôn việc đăng ký xe cho khách song cho tới ngày 28/12/2004 thì hầu hết các đại lý đều lắc đầu "chịu chết". Loại trừ một số cửa hàng có "mối" riêng chấp nhận đăng ký xe giùm nhưng chi phí mà khách hàng phải bỏ ra ít nhất là 1,5 triệu tới 3 triệu đồng cho mỗi chiếc xe tuỳ loại.

Đã có không ít đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông của Thủ đô được đưa ra và việc dừng đăng ký xe tại 3 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Tây Hồ bắt đầu thực hiện từ 1/1/2005 có lẽ cũng nhằm mục đích đó. Thiết nghĩ, đối với hệ thống đường sá của Thủ đô hiện nay thì đó cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài là cần quy hoạch đồng bộ về hệ thống giao thông đô thị Hà Nội để đồng thời phát triển các phương tiện giao thông công cộng khác thay thế cho xe máy. Còn hiện tại, người dân nên vì lợi ích chung mà ủng hộ quyết định của thành phố

Mai Tâm Hiếu
.
.
.