Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Cháu con đang tiếp bước cha anh

Thứ Năm, 19/03/2015, 09:00
Chị Đỗ Thị Hoán, là con dâu cả của liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi và bà Phạm Thị Vàng (94 tuổi), đã kể cho chúng tôi nghe về gia đình chị. Niềm vui lớn nhất với chị bây giờ là gia đình sum họp đầm ấm, chăm sóc mẹ chồng, là chỗ dựa cho các con, tiếp nối truyền thống gia đình. Năm 2014, cụ Phạm Thị Vàng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Và trong tâm khảm của các con, các cháu cụ Phạm Thị Vàng, họ rất đỗi tự hào về người cha, người ông thân yêu – liệt sĩ Công an Nguyễn Bá Lợi. Liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo ven dòng sông Đáy hiền hòa. Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Bá Lợi đã xung phong vào đội thanh niên cứu quốc, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi.

Năm 1945, Nguyễn Bá Lợi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, Đội trưởng điệp báo phụ trách địa bàn Bình Lục - Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông là Trưởng Ban bảo vệ chính trị, Phó Trưởng ty Công an tỉnh Hà Nam.

Cuối năm 1965, ông được điều động làm Phó Trưởng ty Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 10/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn quyết liệt nhất, ông tình nguyện vào chiến trường miền Nam.

Đêm ấy, ông về thăm nhà, sửa lại ngôi nhà cho vợ con vừa bị bom Mỹ đánh sập, thăm hỏi bà con lối xóm và những người thân trong gia đình. Ông ôm con gái út 3 tuổi, hôn lên má con mà mắt đỏ hoe. Sau bữa cơm tối, ông ngập ngừng nói với vợ: “Đêm nay anh sẽ đi B, lát nữa có xe tới đón”. Người vợ ngồi lặng lẽ bên chồng mà nước mắt cứ thế rơi. Nửa đêm tiễn ông ra đến đầu đường cái thì có xe ôtô cài đầy lá ngụy trang đỗ lại. Ông bước lên xe và những cái vẫy tay cứ xa dần…

Có ngờ đâu, đó là giây phút biệt ly mãi mãi. Kể từ ngày ấy, bao nhiêu vất vả, lo toan đổ dồn cả lên đôi vai gầy của người vợ. 6 đứa con lít nhít do một tay bà chăm bẵm. Cứ mỗi lần nhận được thư ông gửi về từ chiến trường là cả nhà vui lắm. Lá thư đề ngày 10/9/1969, ông viết: “Chúc mẹ con cùng mọi người luôn mạnh khỏe, sản xuất nhiều lương thực góp phần đánh thắng giặc Mỹ để Nam – Bắc thống nhất, vợ chồng cha con sum họp…”. Đọc thư, vợ và con ông ước gì ngày đó chóng đến.

Thế rồi thư ông thưa dần. Ban ngày, người mẹ bận nuôi đàn con dại, bận bịu với công tác xã hội. Ban đêm, vì lo lắng cho chồng, bà khóc thầm ướt đầm cả gối. Tiếp đó, người con trai cả của bà cũng tòng quân lên đường đánh giặc. Ở nhà, đứa con thứ hai tuy còn nhỏ đã phải thay cha, thay anh là chỗ dựa cho mẹ và các em…

Còn nhớ một buổi chiều đau buồn nhất, khi ba mẹ con vừa gánh củi ra khỏi bìa rừng thì trời đã nhá nhem tối, chuẩn bị bước xuống phà qua sông về nhà thì có người nói: “Ông Lợi hy sinh rồi”. Mấy mẹ con vứt phịch gánh củi xuống chân, lao về nhà. Cả nhà đã chật ních người, ai đó bảo là cán bộ Trung ương và tỉnh về báo tử ông Lợi.

Nỗi buồn đau của gia đình bà Vàng về sự hy sinh của ông Nguyễn Bá Lợi chưa nguôi ngoai thì tin sét đánh lại tiếp nối. Anh Nguyễn Quốc Hải là con trai cả của ông bà cũng hy sinh năm 1970 ở mặt trận phía Nam. Thật khó có thể tả hết nỗi đau của người vợ, người mẹ vừa chịu nỗi đau mất chồng, nay lại nghe tin mất đứa con trai yêu quý. Bà Vàng khóc cạn nước mắt mà vẫn phải gắng sức để nuôi dạy các con khôn lớn. 

Năm 1995, trong ngày kỷ niệm miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Công an tổ chức gặp mặt các cán bộ Công an miền Bắc chi viện Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh, có một cán bộ từng bảo vệ Trung ương cục báo cáo với Ban Tổ chức, thông báo đặc điểm nhân dạng của liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi, quê ở Hà Nam, để các đồng đội cùng công tác chiến đấu với ông biết được.

Thật may mắn, một người biết mộ ông là Thiếu tá Đặng Văn Điện, nguyên thư ký của đồng chí Nguyễn Tài, Trưởng ban An ninh T4, quê ở Phú Thọ.

Ông Điện cho biết: Năm 1967, đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Công an vào miền Nam sau tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Ông Nguyễn Bá Lợi được điều về An ninh T4 (An ninh Sài Gòn-Gia Định), là một trong mạng lưới tình báo do đồng chí Nguyễn Tài chỉ huy hoạt động trong nội đô Sài Gòn.

Chị Hoán cho biết, các con của liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi đã được đồng đội của ông kể về sự hy sinh anh dũng người cha thân yêu. Đó là, Tết Canh Tuất năm 1970, ông từ Sài Gòn ra gặp đồng chí Nguyễn Tài để nhận nhiệm vụ và học một số bài học nghiệp vụ tại Văn phòng An ninh T4, cơ sở ấp 3, Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Khoảng 8h ngày 11/2/1970, đại đội biệt kích ngụy chủ yếu là số chiêu hồi đã bất ngờ tập kích vào căn cứ. Phát hiện đã bị lộ, ông vừa kịp đẩy nắp hầm để y tá Hồng chạy thoát. Ông ở lại chiến đấu và đánh lạc hướng chúng thì bọn địch ập tới. Chúng bắn vào hầm, đồng chí Nguyễn Bá Lợi và một số cán bộ An ninh T4 đã hy sinh, được nhân dân an táng tại ấp 3, xã Phước Thạnh.

Năm 1985, Công an TP Hồ Chí Minh đã quy tập mộ 7 liệt sĩ An ninh T4 về nghĩa trang thành phố, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi. Tìm tới đó, cả 6 liệt sĩ kia đều đúng họ tên quê quán, nhưng khi tìm tới vị trí cho rằng của liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi thì mang tên Huỳnh Văn Lợi, quê ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Được sự giúp đỡ chu đáo tận tình của Bộ Công an và các đồng đội của ông nên ngôi mộ đó được xác định là của liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi. Vậy là sau hơn 30 năm, ông mới được trả lại tên. Năm 2003, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi về quê hương sau hơn 30 năm xa cách. Tổ quốc đã ghi công và tặng thưởng cho ông 5 huân chương cao quý.

Bây giờ, bước tiếp con đường cách mạng mà ông đã đi, các con, các cháu ông hầu hết đều là những chiến sĩ Công an đang ngày đêm giữ gìn bình yên cuộc sống. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng vẫn đùm bọc thương yêu nhau. Bốn thế hệ, nhiều gia đình cùng sống dưới một mái nhà, yêu thương chăm sóc cụ Phạm Thị Vàng (vợ liệt sĩ Nguyễn Bá Lợi) nay đã già yếu. Đó là truyền thống quý báu của một gia đình Việt tiêu biểu…

Phương Mai
.
.
.