Chàng trai khuyết tật trở thành phiên dịch cho người câm

Thứ Bảy, 03/11/2007, 15:32
18 tuổi, cao chưa đầy mét, hình dáng khác thường, nhưng làm việc thì rất chăm chỉ, đầy trách nhiệm. Đặc biệt, với biệt tài phán đoán, Trần Xuân Lâm, nhân viên của Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm và phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh, còn phiên dịch cho người câm mỗi khi họ cần.

Ngày sinh… đẫm nước mắt

Bố Lâm là chiến sỹ quân đội chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Ông ra quân được một năm thì mẹ Lâm mang bầu hi vọng có đứa con trai, ngày chờ đợi đến trong sự hồi hộp của gia đình.

Nhưng vào buổi sáng tháng 6/1976 ấy, mẹ Lâm vừa sinh con đã bị choáng ngất ngay sau đó vì cái hình thù méo mó, khác thường của đứa trẻ, đó chính là Lâm.

Bà con hàng xóm, họ hàng thường đến cảm thông chia sẻ nhưng mẹ Lâm đã khóc cạn nước mắt vì thương chồng, thương đứa con vừa sinh ra đã bị tật nguyền. Lúc đó, bố Lâm mới hiểu ra là do ông đã nhiễm phải chất độc da cam khiến con mình sinh ra phải như thế.

Nhà Lâm ở miền quê Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh nghèo khó, người dân cần cù lao động chất phác nhưng quanh năm vẫn lam lũ đói nghèo. Gia đình Lâm khó khăn nhiều lắm nhưng bố mẹ vẫn dành tình thương chăm sóc, dạy dỗ Lâm khôn lớn và tạo mọi điều kiện đưa Lâm đến trường.

Những ngày đầu tiên bước vào cổng trường, hàng trăm cặp mắt bạn bè đổ dồn về phía Lâm, họ tò mò nhìn hình dáng khác thường của Lâm, nhiều lần Lâm phải trốn vào góc lớp để khóc.

Việc thầy cô động viên an ủi tận tình giúp đỡ đã tạo cho Lâm sức mạnh, niềm tin và ý chí: Chỉ có học tập thật tốt mới giúp ích được cho mình và bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế là Lâm lao vào học tập say mê, ngày ngày Lâm được một người bạn thân là Nguyễn Xuân Báu cõng đi bộ 3km đến lớp đều đặn trong suốt các năm học từ lớp 1 đến lớp 9.

Nhưng đến trung học phổ thông thì Lâm phải nhờ đến các bạn Nguyễn Xuân Duyệt, Nguyễn Xuân Bình (bạn học cùng lớp) chở đi về suốt quá trình từ lớp 10 đến lớp 12. Dẫu trường cách xa 5km, đường sá nông thôn, vất vả nhất là đi học vào mùa mưa bão nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người cộng với sự cố gắng và nghị lực của bản thân, Lâm đã tốt nghiệp phổ thông trung học.

Tuy nhiên do hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn đã chặn mất con đường thi vào đại học của anh.

Trở thành phiên dịch cho người câm

Không vào được đại học, Lâm tìm cách đi học nghề và may mắn anh gặp được bác Hoàng Sỹ Thu (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm và phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh).

Biết được sự khó khăn của Lâm, bác Thu đã nhận Lâm vào trung tâm và cho Lâm cơ hội để tiếp tục việc học tập của mình. Không phụ lòng tin, Lâm lao vào học tập, nghề tin học văn phòng tuy không khó lắm nhưng với người ban đầu tiếp xúc quả không phải đơn giản, song Lâm đã thành công.

Tốt nghiệp khóa I vào loại khá, Lâm được trung tâm gửi đi học tại Trường Kỹ nghệ II của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi đi học về, Lâm trở thành hướng dẫn viên của Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm và phục hồi chức năng cho người tàn tật Hà Tĩnh.

Với biệt tài phán đoán và hiểu được những điều người câm diễn đạt, anh vừa làm chức năng hướng dẫn vừa sẵn sàng phiên dịch những điều người câm cần đề xuất với cán bộ trung tâm hoặc khi họ ngồi tâm sự với mọi người… Điều đó đã giúp cho trung tâm có điều kiện để quan tâm hơn đến việc giúp đỡ người câm trong học tập, làm việc và cuộc sống.

Gặp Lâm, tôi hỏi yếu tố nào đã giúp anh có biệt tài ấy, Lâm bộc bạch: "Có gì đâu, em chỉ quan sát thật kỹ cách diễn đạt của từng người, những động tác hay ánh mắt nhìn của họ là em hiểu họ đang cần gì, đang muốn trao đổi điều gì với em hoặc những người xung quanh, làm nhiều lần thành quen"...

Lâm còn cho biết: Đã nhiều năm nay, tiếp xúc với rất nhiều người câm vào học ở trung tâm này, anh cố gắng tìm hiểu thêm thế giới của người câm, họ thường bộc lộ tình cảm như thế nào? Có người thì bằng hành động, có người bằng ánh mắt nhưng cũng có người biểu lộ tâm sự vừa bằng hành động vừa mấp máy môi.

Dẫu như thế nào Lâm đều cố gắng hiểu được nguyện vọng của họ để truyền đạt lại với mọi người, với cán bộ giảng dạy… Và mỗi lần dịch xong, thấy người câm gật đầu hoặc ôm chầm lấy mình là Lâm cảm thấy vui vì dẫu sao mình cũng đã làm được việc có ý nghĩa, làm cầu nối cho những người câm và người bình thường hiểu nhau hơn.

"Mình đã bị tật nguyền nhưng còn đi lại và nói năng được, còn người câm, họ không biết nói, mình giúp họ truyền đạt được ý nguyện và điều cần nói với mọi người. Những lần làm người phiên dịch đã giúp em có thêm kinh nghiệm hơn để giúp người câm sống hòa nhập với mọi người trong gia đình người khuyết tật và trong cộng đồng" - Lâm tâm sự

Văn Đình
.
.
.