Chàng hiệp sĩ CNTT khiếm thị và ước mơ giản dị

Thứ Ba, 11/03/2008, 11:01
Bị khiếm thị từ bé, có ba thứ mà lúc nào Khúc Hải Vân cũng xem là "vật bất ly thân", luôn mang theo bên mình là chiếc điện thoại city phone, cây gậy và vé xe buýt tháng. Tám năm trôi qua, kể từ khi Trung tâm Tin học Tia Sáng của Khúc Hải Vân và Phạm Sơn Hà ra đời cũng là 8 năm Khúc Hải Vân cống hiến không ngừng nghỉ cho cả cộng đồng.

Học cử nhân văn chương để "làm hay hơn" website riêng cho người khiếm thị

Khúc Hải Vân bị khiếm thị từ khi còn nhỏ, thế nhưng, 12 năm liền Vân vẫn là học sinh giỏi của trường. Mà không chỉ học giỏi, ngay từ năm 1998, khi đang học trung học cơ sở, Khúc Hải Vân đã là thành viên của nhóm tình nguyện do Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Khi chiếc máy đánh chữ nổi bị hỏng trước kỳ thi đại học, Vân đã được một người bạn giới thiệu làm quen với máy tính. Lần đầu tiên chạm vào bàn phím, Vân đã hiểu rằng, hai chữ tin học chính là bước ngoặt của cuộc đời mình.

Trượt đại học lần đầu, Vân quyết định dành trọn thời gian 1 năm để tập trung vào tin học. May mắn là trong thời gian này Vân đã gặp được Phạm Sơn Hà - người thầy khiếm thị đầu tiên đưa Khúc Hải Vân đến với CNTT.

Khi cảm thấy mình đã có đủ kiến thức, Vân và Hà đã cùng có ý tưởng thành lập Trung tâm đào tạo tin học dành riêng cho người khiếm thị (NKT). Từ tâm huyết của Hà - Vân và sự giúp đỡ của những người đồng cảm, Trung tâm Tin học Tia Sáng ra đời vào giữa năm 2005, ngay tại nhà riêng của Phạm Sơn Hà, trên phố Nguyễn Thị Minh Khai - Hà Nội.

Gắn bó với CNTT nhưng Vân lại chọn văn chương, một ngành học dường như không mấy liên quan đến lĩnh vực này. Mặc dù đang là sinh viên năm cuối Khoa Ngữ văn - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhưng Khúc Hải Vân vẫn dành thời gian làm thầy giáo ở Trung tâm Tia Sáng.

Từ đó đến nay, Vân đã cùng Phạm Sơn Hà đưa gần 100 học viên khiếm thị tiếp cận với CNTT, điều mà trước đây ngay bản thân Vân đã từng nghĩ rằng đó chỉ là chuyện xa vời. Toàn bộ chi phí học tập Phạm Sơn Hà và Khúc Hải Vân đều gánh hết. Bù lại, để có kinh phí trang trải, cả Sơn Hà và Hải Vân đều phải làm thêm bằng nghề "tay trái".

Sơn Hà vốn có năng khiếu về cơ khí nên đã tổ chức sản xuất chân đàn, các giá để đàn bán lấy tiền đầu tư vào máy móc, giáo trình, điện nước cho học viên. Hải Vân thì đi nhận mối, mời các tổ chức mua báo, ký hợp đồng giao nhận báo để phụ thêm vào với Sơn Hà. Cũng chính Hải Vân và Sơn Hà đã tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học dành cho NKT bằng âm thanh và hiện đang gấp rút hoàn thành việc chuyển đổi bộ giáo trình này sang công nghệ Daisy Book (sách điện tử KTS để dễ tiếp cận cho NKT). 

Xây dựng thị trường sách điện tử và tìm kiếm cơ hội việc làm cho NKT

Không chỉ dạy kiến thức, viết giáo trình về CNTT cho NKT có thể tiếp cận với các ngành học, Khúc Hải Vân còn có "tham vọng" xây dựng một phòng thu có thể đọc các tài liệu bằng âm thanh để NKT có thể học được trực tiếp từ máy tính và nỗ lực xây dựng thị trường sách điện tử cho NKT.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Trung tâm Tin học Tia Sáng hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí để đầu tư cho hệ thống trang thiết bị. Điều an ủi và giúp Khúc Hải Vân có thêm niềm tin để tiếp tục dấn thân vào "con đường khó" như cách nói của một số bạn bè là các ứng dụng mà Trung tâm Tin học Tia Sáng cung cấp hiện nay đa phần đều phù hợp với NKT miền Bắc.

Đó là bộ mã có tác dụng hỗ trợ thêm phím tắt cho NKT gồm phần mềm Word, Excel, quản lý thư điện tử, chat và các trình duyệt cụ thể, cung cấp các ứng dụng mang tính phổ thông để từng bước phổ cập tin học cho NKT.

Với hai phần thưởng cao quý là giải thưởng "Thắp sáng niềm tin" và danh hiệu "Hiệp sỹ CNTT", Khúc Hải Vân đã được rất nhiều bạn trẻ yêu CNTT nhắc đến với một niềm ngưỡng mộ, tự hào.

Tuy nhiên, mong ước riêng tư trong năm mới của Hiệp sỹ CNTT này lại thật giản dị: "Ở Hà Nội hiện nay chưa có một NKT nào dám mang phần mềm ra hàng nét xin cài. Em chỉ mong đến một ngày nào đấy, vào quán nét sẽ được chứng kiến cảnh một số NKT kéo mình vào xem họ cài phần mềm vào máy. Như thế là em đã thấy sướng lắm rồi"

Hoàng Mai
.
.
.