Chấm dứt lụy đò sau nhiều năm mong mỏi một cây cầu

Thứ Hai, 13/07/2015, 11:55
Cách đây chừng 2 năm về trước, để đến với thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi phải đi ít nhất 2 chuyến đò ngang vượt qua thượng nguồn sông Hương mới đến được nơi. Cũng vì cách trở sông nước nên cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn; bà con chủ yếu làm nghề trồng rừng, đánh bắt thủy sản trên sông Hương, số ít còn lại làm thuê cho các bãi khai thác cát.

Có dịp tâm sự với ông Võ Đức Hải (46 tuổi, ở thôn La Khê Trẹm), một phu trầm giải nghệ về làm nghề đưa đò ở khu vực này mới thấu hiểu cảnh khốn khổ của người dân khi quanh năm đều phải… “lụy đò”.

Ông Hải kể lại: “Sau một thời gian dài làm phu trầm, năm 2005, vợ chồng tui lên La Khê Trẹm lập nghiệp với công việc trồng rừng và chèo đò đưa khách sang sông. Để đến được rừng hoặc người dân muốn sang bờ bên kia thì chỉ có cách... ngồi đò. Lúc đó khổ quá nên bà con luôn mong mỏi có một cây cầu bắc qua sông”.

Cầu Hữu Trạch nối đôi bờ thượng nguồn sông Hương.

Ông Nguyễn Văn Tiến (56 tuổi, trú thôn Hòa An, xã Hương Thọ), suốt 10 năm trời ròng rã làm người đưa đò chở khách sang sông ở bến đò Đá Hàn, cũng bày tỏ nhiều niềm vui khi chiếc cầu Hữu Trạch mới được xây dựng. Ông Tiến cho biết, mỗi năm vào mùa mưa bão, người dân các thôn La Khê Trẹm, Thạch Hàn, Kim Ngọc, Định Môn, Sơn Thọ, Liên Bằng, Hòa An... của xã Hương Thọ đều thấp thỏm đứng ngồi không yên trước cảnh chiếc đò tròng trành chở các em học sinh và xe đạp băng qua giữa dòng nước chảy xiết. Nhiều người cũng vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên bất chấp ngồi lên đò ngang để vượt sông vận chuyển hàng hóa, trái cây... đưa về TP Huế bán rồi đổi lấy lương thực, thực phẩm.

Đặc biệt, do trắc trở đò giang, thương lái không chịu lên thu mua mủ cao su, hoặc ép giá nên hàng trăm hộ dân trồng rừng cao su trên địa bàn, bình quân từ 2-3ha/1 hộ đã dần bỏ rừng cao su để chuyển sang làm nghề khác... vì không bán được mủ.

Ông Hồ Chí Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho hay, thấu hiểu được cảnh khó khăn của người dân sống ở các thôn trên địa bàn bị sông nước ngăn cách, phải lấy đò ngang làm phương tiện đi lại nên năm 2012, địa phương tham mưu lên các cấp để xin được xây dựng cây cầu. Đến tháng 1-2015, cầu Hữu Trạch có kinh phí gần 50 tỷ đồng đã xây dựng hoàn thiện với chiều dài 153m, rộng 7m.

“Cầu Hữu Trạch nối đôi bờ thượng nguồn sông Hương giúp địa phương giảm bớt gánh nặng và áp lực về ATGT đường thủy, nhất là vào mùa mưa bão, khi 1.213 hộ dân ở 10 thôn trên địa bàn không còn phải “lụy đò” như trước. Đường sá đi lại dễ dàng, xã sẽ vận động người dân ở thôn La Khê Trẹm, Liên Bằng,... tập trung trồng rừng cao su tiểu điền trở lại để phát triển kinh tế gia đình”, ông Thịnh khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.