Cha tôi, tú tài Nhựt

Thứ Năm, 01/09/2005, 17:03

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Vĩnh Long và đã anh dũng hy sinh một năm sau đó. Ông là Anh hùng LLVTND Lê Văn Nhựt mà người dân quen gọi là tú tài Nhựt -  người con ưu tú miệt vườn Vĩnh Long, người anh cả của lực lượng CAND Vĩnh Long.

Để đến được nhà cụ tú tài Nhựt, tôi phải "nhảy" phà vượt dòng Cổ Chiên. Mùa này, cù lao An Bình xanh mượt mà cây trái. Tiếp tôi là ông Lê Huy, 69 tuổi - con trai lớn của cụ tú tài Nhựt. Ông đưa tôi ra nơi yên nghỉ của cụ Nhựt và cụ bà, cùng người em trai hy sinh năm 1968, rồi tự hào kể chuyện về cha mình: "Năm 1918, khi cha tôi 14 tuổi, ông nội tôi dùng đò chở ba tôi tới Mỹ Tho, đi xe lên Sài Gòn để lên tàu sang Pháp du học tại trường Đại học Bordeaux. Thời bấy giờ, theo tôi được biết, người ta chỉ vác giạ vay lúa chứ chẳng mấy ai vác giạ vay chữ, nhưng ông bà nội tôi không nghĩ thế. Khi còn sống, mẹ tôi kể, để nuôi cha tôi học, ông bà nội tôi phải liên tục bán ruộng vườn. Những ngày lưu lại Pháp, cha tôi thấm thía cảnh người lao động trên đất nước tiếng là giàu có cũng bị đối xử tệ bạc chẳng khác quê mình - điều mà trước kia ông không ngờ tới. Thông qua Lao Nông - một tờ báo tiến bộ của Pháp bấy giờ, cha tôi biết được phong trào đấu tranh chống thuế, chống áp bức ở khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc. Ông càng lo lắng hơn khi biết được rằng, sau những cuộc biểu tình ấy là dân ta bị bắn giết, tù đày, dân càng nghèo khó, đói khổ hơn...".

Một ngày giữa năm 1930, sau khi về chịu tang cha, có người hối thúc tú tài Nhựt nên trở lại Pháp tiếp tục việc học, để chỉ còn một năm nữa, cầm tấm bằng tiến sĩ y khoa, cuộc sống về sau sẽ huy hoàng hơn. Ông chỉ gật đầu, cảm ơn mà không nói một lời nào. Thực ra trước đó, qua một vài lần tiếp xúc với người em (con cậu thứ năm) Nguyễn Văn Thiệt (là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long), chàng thanh niên 26 tuổi Lê Văn Nhựt đã lựa chọn lối đi riêng cho mình: Đó là con đường cách mạng. Để từ chối khéo những lời mời mọc của viên chủ tỉnh, ông sang Cần Thơ vừa dạy Anh ngữ vừa hoạt động cách mạng. Trong thời gian này, ông thật bất ngờ và vui mừng khi gặp lại người bạn thân thiết học tại Trường Đại học thành phố Aixen Provence Nguyễn Hữu Thọ khi ông về nước năm 1932, thực tập tại Vĩnh long. Cả hai thường bàn việc nước cũng như bình luận nhiều sự kiện thời sự của báo chí bấy giờ.

Ông Lê Văn Nhựt là bạn thân thiết của luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc còn du học ở Pháp. Tháng 6/1930, khi sắp cầm bằng tiến sĩ y khoa Đại học Bordeaux thì chàng thanh niên 26 tuổi này phải bỏ ngang chuyện học để về chịu tang cha. Hay tin này, tên Tỉnh trưởng Vĩnh Long Chevanie và giám mục Ngô Đình Thục đến mời ông "hợp tác", nhưng không thuyết phục được vì trong trái tim nhiệt huyết của ông đã chọn hướng - con đường cách mạng.

Ngày 25/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, tú tài Nhựt - một đảng viên trẻ được phân công làm Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc. Trần Văn Lợn - một thầy giáo giỏi võ nghệ, giỏi thể thao từng bị bắt làm lính tập, được phân công làm Trưởng ban Quân sự. Sau ngày Vĩnh Long bị Pháp tái chiếm (29/10/1945), tú tài Nhựt hoạt động tích cực trong công tác trừ gian, ông cho lực lượng xung kích phối hợp với lực lượng vũ trang tổ chức đốn cây, cản ngăn tàu địch trên sông Long Hồ và vùng ven thị xã. Tại các trận đánh ở cầu Lầu, cầu Ông Me, Đất Méo, ngã tư Long Hồ, đồn Bình Hòa Phước, trận tiêu diệt tên Quận trưởng Châu Thành Huỳnh Hữu Nghĩa… do ông tổ chức, bọn địch bị tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, chuyện chẳng may đã đến với ông. Đó là vào một ngày đầu tháng 2/1946, sau khi ngồi ghe vượt dòng Cổ Chiên sang Tiền Giang trị bệnh trở về, ông đã bị tên Robe Nghiêm - tên đồn trưởng Bình Hòa Phước suýt bị ông tiêu diệt trước đó, đã nuôi chí phục thù và cho quân phục kích bắt ông. Suốt mấy tuần với đủ mọi phương thức tra tấn không khuất phục được trái tim kiên trung của người cộng sản, bọn chúng chuyển ông về Khám Lớn Sài Gòn.

Ông Huy kể: "Năm đó tôi 10 tuổi nên nhớ rồi. Má tôi và tôi có lên Sài Gòn thăm cha tôi một vài lần. Thật không thể tưởng tượng nổi sự hà khắc, vô nhân đạo của bọn thực dân và tay sai. Mình mẩy cha tôi tím bầm, gầy mòn. Những đòn roi liên tiếp làm thân thể ba tôi rỉ máu. Chúng lại dùng roi điện gí vào người cho thêm những vết thương rồi buộc ba tôi mặc áo vào. Khi những vết máu đông khô cứng lại, chúng lột áo ra. Chúng hí hửng với trò gọi là lột da ếch này lắm...".

Ông Lê Huy, con trai lớn của cụ tú tài Nhựt.

Ông Huy xúc động kể tiếp: “Những nét chữ run run, thân quen được ghi trong một tờ giấy nhỏ, nhàu nát dường như đầy nước mắt này, mãi 15 ngày sau khi cha tôi bị bọn Pháp đưa về Vàm Cái Bát (xã Chánh Hội, huyện Măng Thít, Vĩnh Long) thủ tiêu ngày 18/10/1946, má tôi mới nhận được. Lễ truy điệu cha tôi được các chú Thiệt, chú Lợn cùng nhiều đồng chí khác tổ chức vào một đêm trên bờ sông Long Hồ. Tất cả đều hạ quyết tâm sẽ phát động đồng đội quyết chiến đấu trả thù cho cha tôi. Má tôi đau đớn tột cùng, nhưng vẹn thề câu thuỷ chung nên đã quyết lấy tên chồng gá vào tên mình: Nguyễn Thị Mai thành Nguyễn Thị Nhựt. Bà quyết nuôi chúng tôi theo nguyện ước của cha tôi trước khi hy sinh".

Trung tá Nguyễn Kháng Dũng, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an Vĩnh Long, cho biết: Có một chi tiết mà người dân Cái Nhum vẫn hay kể lại với giọng hết sức căm thù là sau khi thủ tiêu cụ tú tài Nhựt, dập xác ngoài gốc cây sắn, một ông cụ gần đó biết được đã hiến chiếc hòm "thủ thân" của mình tẩm liệm, chôn cất đàng hoàng cho người cộng sản trung kiên. Phát hiện được điều này, bọn giặc Pháp đã bắn chết cụ già.

Tôi thắp nén nhang cho cụ tú tài Nhựt và cụ bà cùng liệt sĩ Lê Văn Khôi - em trai ông Huy trong tiếng thông reo rì rào rồi chia tay cù lao xanh màu lá, nổi lên giữa dòng Cổ Chiên hiền hòa. Cám ơn vùng đất phù sa An Bình đã sinh ra một người con ưu tú cho quê hương, cho đất nước, cho lực lượng CAND.

Thái Bình
.
.
.