Việc quản lý, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt ở Tây Trà - Quảng Ngãi:

"Cha chung không ai khóc"

Thứ Hai, 16/03/2009, 14:59
Chỉ một đoạn ống dẫn dài chưa đầy 10m bị bể mà công trình nước sinh hoạt (CTNSH) trị giá hơn nửa tỉ đồng ở xã Trà Nham phải nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" suốt gần 1 năm. Với cách quản lý như vậy, cùng với thiếu sự duy tu và bảo dưỡng thì không có gì khó hiểu khi hàng loạt công trình thuỷ lợi (CTTL), nước sinh hoạt (NSH) ở Tây Trà bị "yểu thọ"...

Xây thì nhiều, bảo dưỡng thì không

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Tây Trà có tất cả 38 công trình thuỷ lợi, cung cấp nước tưới cho khoảng 120ha lúa và hàng chục ha cây màu khác. Nhờ vậy năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

Cùng với thuỷ lợi, từ năm 2005-2008, riêng nguồn vốn của Chương trình 134 đã có 33 công trình nước sinh hoạt cũng được xây dựng, tổng kinh phí trên 7,68 tỉ đồng, với số dự kiến hưởng thụ là 1.324 hộ. Trong số đó 28 công trình đã hoàn thành.

Cách đây không lâu, khi đoàn kiểm tra của huyện đến xã Trà Nham thì phát hiện CTNSH Suối Háp, thôn Trà Cương mới được đưa vào sử dụng đầu năm 2008, với tổng kinh phí gần 580 triệu đồng đã bị bỏ hoang gần một năm nay chỉ vì bể một đoạn ống chưa đầy 10m. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi 14/38 CTTL hiện đã bị hỏng một phần.

Bên cạnh đó số khai thác bằng 50% so với thiết kế là 17 công trình và không có cái nào được khai thác 100% công suất. 7/18 CTNSH tập trung và 100% CTNSH phân tán bị hỏng hoàn toàn.

Ông Phan Thanh Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT Tây Trà thẳng thắn: Để xảy ra tình trạng trên, Phòng cũng có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên cần nói rõ rằng ngoại trừ năm 2008 được cấp khoảng 470 triệu đồng thì trước đó, kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng các CTTL không được cấp. Mặt khác Phòng chỉ quản lý về mặt nhà nước, còn chính quyền các xã mới là nơi trực tiếp khai thác, quản lý. Tuy nhiên do trình độ năng lực của cán bộ xã bị hạn chế, cho nên nhiều công trình chưa phát huy được hiệu quả; tuổi thọ kém. 

Đã có giải pháp?

Ông Nguyễn Ngọc Lư, đại diện Công ty CP ĐT-XD TNXP Đà Nẵng tại Quảng Ngãi đã đề xuất với chính quyền Tây Trà phương án quản lý bằng hình thức HTX công ích, hoạt động theo Luật HTX.

Theo đó trong giai đoạn I cùng với đảm nhận quản lý, khai thác các CTTL, NSH ở xã Trà Trung; HTX còn có một bộ phận kinh doanh: Ươm cây, trồng rừng, vận chuyển hàng trợ cấp.... để tạo thêm nguồn thu. Nguồn vốn hoạt động sẽ do các thành viên HTX đóng góp. Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu định hướng huyện giao, HTX sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động, kinh doanh.

Nói về đề án trên, ông Phan Thanh Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT bày tỏ: Với điều kiện thực tế hiện nay của địa phương thì mô hình này khá thích hợp. Và nếu được tổ chức thực hiện tốt không những khắc phục được những hạn chế trên, nâng cao hiệu quả trong việc khai thác các CTTL, NSH trên địa bàn mà còn góp phần đẩy mạnh giao thương, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển trồng trọt.

Vì vậy mà Phòng NN&PTNT huyện cũng đã có đề xuất cho lãnh đạo huyện Tây Trà xem xét. Hy vọng việc thành lập mô hình quản lý trên sẽ chấm dứt được cách quản lý các CTTL, NSH theo kiểu " sống chết mặc bay"

Công Nguyễn
.
.
.