Cầu treo bị bão phá hỏng, dân qua lại trong mối nguy tiềm ẩn

Chủ Nhật, 08/10/2017, 06:59
Từ lâu, cầu treo xã Liên Trạch là công trình duy nhất để người dân hai bên bờ sông Son ở xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình lưu thông qua lại. Nhưng hơn mười ngày qua, cầu treo Liên Trạch bị bão số 10 phá hư hỏng nặng. Hàng ngàn người dân nơi đây vẫn bất chấp hiểm nguy để qua cầu, hoặc đành phó mặc tính mạng bản thân trên những chiếc đò ngang chòng chành mới đưa vào hoạt động.

Ngày 6-10, có mặt ở cầu treo xã Liên Trạch, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến những em học sinh cố tình chui qua cảnh báo nguy hiểm để qua cầu treo Liên Trạch đến trường học phía bên kia bờ sông.

Sau vài tiếng đồng hồ bão số 10 quét qua, phần thân cầu treo Liên Trạch bị gió bão xô ra khỏi mố cầu. 17 dây néo ở đoạn giữa cầu bị đứt, dây chằng gió bị dứt 3 múi hàn và trên 15 múi bị uốn cong, hệ thống dầm cầu ở phía đông (thôn Phú Kinh) bị lệch ra khỏi mố và trụ cầu hoàn toàn. Đoạn thân cầu treo lơ lửng như chỉ chờ có cơn gió mạnh là chực rơi xuống lòng sông Son.

Điểm nối hai phần thân cầu chỉ còn là dây treo phía trên, muốn qua bên kia phần cầu, người lưu thông phải leo trèo, bám víu vào phần mố cầu bên kia. Chỉ một động tác sơ suất nhỏ cũng có thể rơi người xuống lòng sông đang cuồn cuộn chảy sau bão. Để tránh hiểm nguy, cấm người đi lại trên cầu, chính quyền địa phương đã dùng một số vật dụng làm rào chắn, đồng thời treo biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng do muốn lưu thông nhanh, không ít người dân nơi đây, đặc biệt là các em nhỏ vẫn cố tình lưu thông qua cầu.

“Biết qua cầu là nguy hiểm nhưng đi dưới đò còn sợ hơn, chú nhìn xuống mà coi”, theo lời nói và tay chỉ của em Trần Đình Nam, học sinh ở Liên Trạch, chúng tôi xuống bờ sông và cảm thấy sợ hãi khi chiếc đò ngang nơi đây cập bến.

Các công trình trọng điểm của xã Liên Trạch như trường học, trạm xã, chợ, UBND xã… đều nằm bên kia sông Son. Hàng ngày, hàng ngàn người dân ở các thôn của xã Liên Trạch như Phú Kinh, Phú Hữu, Liên Sơn, Liên Thủy… muốn đi lại giao thương, đi học, làm giấy tờ đều dựa vào cầu treo Liên Trạch để qua sông.

Khi cầu bị bão làm hư hỏng nặng, xã Liên Trạch đã cấp tốc lập một bến đò ngang để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Bến đò chỉ có một con đò, và hầu như chưa được trang bị các dụng cụ cứu sinh an toàn, nhưng hàng ngày con đò chòng chành như chiếc lá nơi đây phải chở nhiều lượt với hàng ngàn người qua sông.

Do sợ đến lớp không kịp giờ học, nên rất nhiều học sinh chen chân nhau trên một chuyến đò. Trên người không hề mặc một chiếc áo phao, hay cầm phao cứu sinh. Để qua bên kia sông tới trường ở Liên Trạch có khoảng 150 em bậc THPT, 200 học sinh bậc THCS, tiểu học và mầm non.

Nhiều người dân và các cháu nhỏ đang bất chấp hiểm nguy để qua chiếc cầu đã bị bão làm hư hỏng nặng.

Chị Hà ở bên kia sông đứng chờ con đi học về cho biết, mỗi ngày chị và nhiều người khác ở đây phải 4 lần vượt sông cùng con để đến trường. Trước đây, khi cầu treo chưa bị bão làm hỏng, các cháu tự dắt tay nhau đi học, nhưng giờ qua đò nên người lớn toàn phải đi kèm. Biết là thêm người thì đò nặng thêm, tốn kém thêm nhưng phụ huynh lại lo sợ con lên đò hiếu động xô đẩy nhau rơi xuống sông…

Gần 1 tiếng đồng hồ đứng ghi nhận ở bến đò nơi đây, chúng tôi thấy, nhiều người dân, và cả học sinh đứng chờ đò lâu quá nên lại quay lên cầu treo Liên Trạch liều mình đi qua cầu.

Được biết, cầu treo ở xã Liên Trạch bắc qua sông Son được tổ chức ICCO tài trợ, thi công đưa vào sử dụng từ năm 1999 với tổng chiều dài 136m, rộng 2m; kết cấu bằng hệ thống dây treo, hạn sử dụng 10 năm. Mặc dù đã hết hạn sử dụng nhưng năm 2014, cây cầu này đã được tu sửa với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hoạt động lại từ đó đến nay.

Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương liên quan sớm có giải pháp để bảo vệ an toàn cho hàng ngàn người dân khi lưu thông qua sông Son ở Liên Trạch, Quảng Bình. Tránh tình trạng, mất bò mới lo làm chuồng khi hàng ngày người dân nơi đây vẫn đánh cược với rủi ro để lưu thông.

Sông Lam - Thanh Bình
.
.
.