Câu chuyện cảm động về những trái tim hồng ở biển Tây

Thứ Năm, 15/09/2005, 13:24
Những ngày đầu tháng chín, đất biển Kiên Giang mưa rả rích. Tuy nhiên, các thành viên của Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Kiên Giang vẫn chạy đôn, chạy đáo chuẩn bị cho các em thiếu nhi kém may mắn so với bạn bè cùng trang lứa có được niềm vui và tiếng cười trong trẻo dưới ánh trăng rằm Trung thu.

Trong chuyến công tác cùng đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã trích từ Quỹ XHTT chuyển cho Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam 50 triệu đồng. Nhận số tiền của Báo CAND do Thượng tá Trần Kim Thẩm - Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam trực tiếp trao, một số thành viên của Hội thật sự xúc động. Xiết chặt tay chúng tôi, cô Tư Lệ, Phó ban Bảo trợ nghẹn ngào nào: "Mấy con tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam Kiên Giang 50 triệu đồng, nhưng ý nghĩa thì không thể đo được…".

Nỗi đau da cam 

Theo chị Nguyễn Thị Bích Liên - Ủy viên Thường vụ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, kiêm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cho biết: Chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam dù đã trên 30 năm qua nhưng hậu quả của nó hết sức nặng nề, đặc biệt là với con người Việt Nam.

Tại vùng đất Kiên Giang này, có hơn 10.000 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó, gần 2.000 trẻ em cần được giúp đỡ dưới mọi hình thức. Nhiều gia đình và nạn nhân gặp khó khăn, cần có sự bảo trợ để họ vươn lên với cuộc sống cộng đồng". Chị Liên cung cấp thêm số liệu thống kê mới nhất mà không giấu được nỗi đau: "Đã có 576 người bị nhiễm chất độc da cam chết. Còn hơn 8.000 người chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên…".

Cô Tư Lệ vốn là dân Mỏ Cày - cái nôi của phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, nhưng duyên nợ đã đưa cô về đây, rồi "nặng lòng" với những hoàn cảnh đáng thương. Khi còn là Bí thư Huyện ủy An Biên và trước lúc cô về hưu là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, bàn chân cô đã rất nhiều lần quay lại những chiến trường ác liệt năm nào. Và cô đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến di chứng của chiến tranh hóa học còn để lại trên vùng đất cặp biển Tây của Tổ quốc này.

Trong chuyến kết hợp cùng MTTQ tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tổ chức chuyến thăm, tặng quà và cấp thuốc miễn phí cho trên 500 lượt đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam của các huyện Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận, không riêng gì cô mà cả đoàn đều lặng người, nuốt nước mắt vào lòng khi chứng kiến  nhiều trường hợp phải nằm bất động dưới xuồng, không thể đưa lên bờ được.

Chuyện cảm động về những trái tim hồng...

Trong Hội đồng Quản lý quỹ, có chị Diệu Trâm. Năm nay 40 tuổi, nhưng chị đã bắt đầu làm từ thiện cách đây 15 năm. Chị kể, nguyên nhân chị đến với những người bất hạnh: Gia đình tôi có nhiều người công tác trong ngành Y. Từ hồi nhỏ, tôi sống ở trong khuôn viên bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Vào năm 1990, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh lập Tổ từ thiện, thấy tôi hay giúp người, có khiếu ăn nói nên lãnh đạo bệnh viện giao cho tôi làm thư ký. Ban đầu, chỉ gói gọn giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ở Khoa lao. Thấy người nghèo khó ở khoa nào cũng nhiều, tôi kiến nghị nên mở rộng hoạt động từ thiện sang các khoa khác. Thấy hoạt động này quá thiết thực, năm 1994, Giám đốc bệnh viện cho lập hẳn bếp ăn từ thiện.

Một lần, chị tìm đến địa chỉ của một nạn nhân chất độc da cam ở Hòn Đất. Chị thấy: "Nhà nghèo ngoài cả sự tưởng tượng của mình. Năm đứa con, cha bị bệnh mất sớm. Không chịu đựng nổi trước thực tế này, tôi bỏ ra 8 triệu đồng, xin người anh trai và một người bạn 4 triệu nữa, góp lại xây cho gia đình này căn nhà". Và thật đáng trân trọng, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, bằng cả tấm lòng của mình, chị đã vận động tiền, quà, vật chất trị giá trên 4,360 tỷ đồng, trong đó, riêng bản thân chị đóng góp 281 triệu đồng. Tấm lòng của chị được Hội Chữ thập đỏ, UBND tỉnh và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, khen ngợi.   

Chia tay với đại diện Báo CAND, trong ánh mắt họ, chúng tôi cảm nhận sự mong mỏi được tiếp tục sẻ chia - sẻ chia bằng tình cảm của trái tim hồng nhân ái, thương yêu đồng loại..

Thái Bình
.
.
.