Câu chuyện cảm động về cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân

Thứ Hai, 16/11/2015, 08:06
Nghĩa trang 21/10 nằm yên bình bên con đường chính của xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nghĩa trang được gọi là “lớp học vĩnh hằng” bởi đây là nơi yên nghỉ cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh đã ra đi trong giờ học oan nghiệt ngày 21/10/1966 dưới trận bom của đế quốc Mỹ. Gần nửa thế kỷ đi qua, câu chuyện của cô giáo Xuân và các học trò vẫn vẹn nguyên trong lòng người dân quê.

Sắp đến ngày 20/11, học sinh Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Thụy Dân lại háo hức tri ân các thầy cô, trong đó có một cô giáo đặc biệt sống mãi với tuổi 24 mà các em đều nhớ và trân trọng. Đó là cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân. Có lẽ, Trường THCS Thụy Dân là một ngôi trường đặc biệt khi có một cô giáo ngã xuống ở tuổi 24. Tuổi nghề lúc đó mới chỉ có 4 năm mà đến nay vẫn được nhà trường, các thầy cô và các em học sinh nhắc đến như là một người giáo viên đang đứng lớp.

Di ảnh cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân.

Chúng tôi gặp ông Đặng Xuân Đình, người trực tiếp trông coi và hương hoa cho nghĩa trang. Ông cũng là bảo vệ của Trường THCS xã Thụy Dân – ngôi trường mà cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân năm xưa công tác. Ông có một tập tài liệu - đó là những bài báo ông sưu tầm viết về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh lớp 7 năm ấy. Tìm tòi trên những trang tài liệu cùng với một vài nhân chứng tôi được biết, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân vốn không phải người làng Thụy Dân. Quê cô ở Diêm Điền – một thị trấn ven biển của huyện Thái Thụy. Ngày đó, đi ra khỏi làng mình đã gọi là “thoát ly” nên Thụy Dân đối với cô, theo nghĩa nào đó cũng là nơi “đất khách quê người”. Nhưng đến giờ, người dân Thụy Dân vẫn tự hào về một cô giáo của xã mình đã anh dũng hy sinh. Có ai là người mong có danh hiệu liệt sĩ? Nếu không có chiến tranh, nếu không có sự hy sinh thì nào ai khắc lên bia mộ dòng chữ tri ân “Liệt sĩ”? Thụy Dân là mảnh đất yên bình, trong chiến tranh leo thang, không phải mục tiêu bắn phá của Mỹ. Vậy nhưng, ngôi làng nhỏ ấy vẫn phải chịu một nỗi đau kinh hoàng. Bom hơi của Mỹ đã cướp đi sinh mệnh của cô giáo đang mang thai đứa con thứ hai và 30 mầm xanh tương lai của đất nước. Người dân kể lại rằng, khi đến hầm trú ẩn của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và các em học sinh, vẫn còn nguyên hình ảnh cô đang ôm hai học sinh nhỏ nhất vào lòng, những em khác nép mình bên cạnh.

Tập tài liệu của ông Đình là toàn bộ những bài báo từ năm 1966 đến nay. Tôi nhận thấy một điều đặc biệt, đó là trong những năm còn chiến tranh, bài báo viết về sự kiện này hoàn toàn chỉ nói về tội ác của chiến tranh, lên án hành động dã man của đế quốc Mỹ. Nhưng khi nghĩa trang 21/10 được xây dựng, người ta lại viết nhiều về cô và sự học ở Thụy Dân. 

Những ngày này về Thụy Dân, hỏi đến cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân chẳng mấy ai kể Mỹ ác thế nào, cô Xuân và các em học sinh hy sinh ra sao mà người ta chỉ hay kể rằng, năm nay Trường THCS Thụy Dân báo công cô bằng những thành tích gì? Bàn xem mảnh ruộng ngăn nghĩa trang và trường học kia có bỏ đi được không để nghĩa trang và trường học ở một khu thống nhất. Di ảnh cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân được thờ trong phòng truyền thống của nhà trường. Học sinh và người dân trong làng vẫn thường lui tới, thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ tới cô. Dần dần người ta quên đi cô là người con của miền biển Diêm Điền, cũng không nói cô là người của làng Thụy Dân mà người ta nghĩ cô là người giáo viên nhân dân, người giáo viên “say nghề” không quản hy sinh, gian khó để bảo vệ các em học sinh. 

Về thăm Trường THCS Thụy Dân, ai cũng vậy, cũng đều lên phòng truyền thống, thắp nén tâm nhang, nghĩ về cô, về một câu chuyện cảm động sống mãi với thời gian. Học sinh Trường THCS Thụy Dân phấn đấu học tập cho cả phần của các anh chị đã hy sinh năm đó. Tôi nghĩ đó là điều cô Xuân mong đợi nhất.

Đặng Thúy – Nguyễn Quỳnh
.
.
.