Môi trường biển miền Trung đang bị đe dọa

Cấp bách cứu môi trường biển

Thứ Tư, 24/06/2009, 09:25
Trước sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, thiết nghĩ rằng, các tỉnh miền Trung có bờ biển cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần thường xuyên phát động những chiến dịch làm sạch bãi biển với hành động thiết thực và cụ thể để mỗi người dân đều tình nguyện tham gia.

>> Khi nước biển ô nhiễm

Vịnh biển Nha Trang là một trong số vịnh biển được công nhận đẹp nhất thế giới. Với diện tích hơn 500km2, vịnh có 19 hòn đảo tạo ra những "lá chắn" sóng gió để vùng vịnh bốn mùa êm ả, trong đó lớn nhất là đảo Hòn Tre gồm 3.250ha, nhỏ nhất là Hòn Nọc ước chừng 4ha.

Ngoài ra nơi đây còn có tiềm năng du lịch sinh thái biển tuyệt vời. Đặc biệt, trên hai đảo Hòn Mun, Hòn Nọc còn có loài chim yến hội tụ ở đây tạo ra đặc sản yến sào được ví như "vàng trắng" ở vùng đất rừng trầm, biển yến. Giữa năm 2001, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và cũng là khu bảo tồn biển (BTB) đầu tiên ở Việt Nam được hình thành trên diện tích 160km2...

Ban quản lý (BQL) Khu BTB vịnh Nha Trang đã phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hải dương học và Đại học Nha Trang tiến hành nhiều cuộc khảo sát đánh giá đa dạng sinh học trong vùng vịnh để tính toán giải pháp bảo tồn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vịnh biển Nha Trang phải gánh chịu không ít tác động xấu về môi trường và hiện trạng khai thác tiềm năng dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong vùng nước.

Huy động thanh niên thu gom rác thải ở cửa sông và bờ biển Nha Trang.

Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc BQL khu BTB vịnh Nha Trang, nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng vịnh phát sinh từ nhiều nguồn. Chất thải từ các ruộng đồng, khu dân cư và các cơ sở công nghiệp, chế biến thủy sản và chất thải sinh hoạt ở các khu dân cư theo nguồn nước đổ vào vịnh biển từ cửa sông Cái ở phường Xương Huân, sông Tắc ở phường Vĩnh Trường và 5 cống thoát nước thải...

Ngoài ra, với số lượng hàng trăm tàu thuyền neo đậu, đánh bắt hải sản và hoạt động trên các tuyến du lịch biển đảo đưa đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, lượng dầu nhớt thải, rác thải luôn là nỗi lo thường trực của những người làm công tác bảo tồn vịnh biển.

Mặt khác, dưới đáy vịnh ở vùng ven bờ là hiện trạng lắng đọng trầm tích bởi chất thải từ các cầu cảng, công trình xây dựng nhà ở, khách sạn, đường giao thông và những đợt nạo vét hạ lưu sông Cái, sông Quán Trường và cảng Nha Trang.

Thêm một mối đe dọa môi trường vịnh biển là tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch hoặc thiếu quy hoạch chi tiết. Do mất cân bằng sinh thái trong vùng nước bởi nhiều tác động xấu về môi trường, nên những năm gần đây rạn san hô ở vịnh biển Nha Trang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt bởi sao biển gai tấn công…

Trước tình hình đó, để tăng cường các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cảnh quan vịnh biển Nha Trang, ngăn chặn và giảm thiểu những tác động xấu gây ô nhiễm từ các nguồn rác, từ giữa tháng 10/2007, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt phương án đồng thời giao cho BQL Khu BTB vịnh Nha Trang thu gom, vận chuyển rác thải trong vùng vịnh.

Và sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, hơn 1.000 tấn rác thải, trong đó có 80% lượng rác thải từ các lồng bè tôm cá đã được thu gom, xử lý. Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đầu tư 132,7 triệu đồng để trang bị 21 thùng rác, 4 xe đẩy rác đặt ở địa bàn dân cư trên đảo Bích Đầm, Hòn Một, Đầm Bấy và Vũng Ngán, mỗi nơi xây lắp 1 hầm xử lý rác bằng phương pháp đốt phân hủy.

Để tạo thói quen cần thiết cho người dân, BQL Khu BTB vịnh Nha Trang và chính quyền phường Vĩnh Nguyên không chỉ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh môi trường mà còn tập huấn cho người dân ở đảo và lao động trên các lồng bè tôm cá phân loại rác trước khi đưa tới điểm tập kết.

Ngoài ra, BQL Khu BTB vịnh Nha Trang còn phải thuê 14 lao động thu gom, bốc xếp rác ở đảo và cầu cảng phía đất liền. Bên cạnh,  BQL Khu BTB vịnh Nha Trang còn vận động ngư dân thu gom rác trôi nổi trên biển, lặn bắt sao biển gai tiêu hủy để bảo vệ rạn san hô. Đặc biệt, với sự phối hợp hỗ trợ tích cực từ các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, ngăn chặn triệt để việc đánh cá bằng chất nổ và các phương tiện xung điện...

Hướng đến xây dựng một thành phố môi trường, Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp quản lý môi trường hữu hiệu hơn. Điển hình là phong trào "Ngày chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp" được các tổ dân phố, nhất là các khu dân cư chạy dọc theo bờ biển duy trì và mọi người dân đều tự nguyện tham gia. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và sinh hoạt cũng được chú trọng, vì đây chính là biện pháp buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó sẽ tạo cho họ có ý thức cao về bảo vệ môi trường…

Và đâu chỉ riêng Nha Trang hay Đà Nẵng, trước sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, thiết nghĩ rằng, các tỉnh miền Trung có bờ biển cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần thường xuyên phát động những chiến dịch làm sạch bãi biển với hành động thiết thực và cụ thể để mỗi người dân đều tình nguyện tham gia.

Chẳng hạn, như ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), người dân và du khách đến hòn đảo này đều tuân thủ khẩu hiệu: "Nói không với túi nilon"… Có làm được như thế mới có thể duy trì cảnh quan và nét đẹp hoang sơ vốn có từ ngàn đời của bãi biển miền Trung...

Nhóm PV miền Trung
.
.
.