Chuyện an ninh tại Hội nghị cấp cao Á-Phi, Jakarta

Thứ Tư, 22/04/2015, 16:33
Cảnh sát Indonesia người nào cũng “đô”, ăn vận trong trang phục đồ hộp màu đen, mặt nạ chống độc, có giáp chống đạn, súng tiểu liên và dùi cui điện dài cả mét. Nhìn tướng mạo ấy nhiều người… khiếp vía, ấy thế nhưng họ cũng thật thân thiện. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, một sĩ quan cảnh sát nắm chặt tay và nói “friendly”. Hành động tự nhiên mà thân thiện ấy của sĩ quan cảnh sát Jakarta khiến tôi cảm thấy như ai “thả” vào mình mạch cảm xúc mà ta thường gọi đó là sự trân trọng.
>> Indonesia thân thiện chào đón quan khách dự Hội nghị cấp cao Á-Phi

Những nghi lễ chào đón vốn là “hình nền” tỏ rõ sự thân thiện, mến khách của nước chủ nhà được tổ chức rất chu đáo từ mấy ngày nay, ngay từ sân bay đến các khách sạn có quan khách ở.

Hai bên đường dẫn vào trung tâm hội nghị sáng 22/4, hàng nghìn em học sinh và giáo viên ở Jakarta ăn mặc lịch sự, nhiều người trùm khăn kín đầu theo phong tục truyền thống, cùng vẫy cờ của Indonesia và cờ của các nước dự hội nghị, hát các bài ca chào mừng. Tất cả rộn ràng những tràng pháo tay mỗi khi các đoàn xe đi qua.

Cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra trên phố.

Tất nhiên, hội nghị tầm cỡ liên châu lục như Hội nghị Á-Phi thì công tác an ninh luôn được nước chủ nhà đặt lên hàng đầu.

Trước khi đến Jakarta, tôi cũng nghe những chuyện về khủng bố ở nước này và lật lại mạng internet xem đôi ba vụ. Tuy nhiên, quan khách đến Indonesia dự hội nghị lần này hẳn không quá quan ngại điều đó bởi nước chủ nhà đã áp dụng các biện pháp an ninh thắt chặt, bảo vệ một cách tuyệt đối.

Indonesia đã huy động trên 10 nghìn cảnh sát bố trí vòng trong, vòng ngoài. Tất cả đều đã được tập huấn kỹ càng nhiều tháng nay, họ có mặt theo các phương án chốt giữ an ninh tại sân bay, khách sạn, trung tâm hội nghị và những điểm quan trọng khác.

Quan sát tại lối ra vào cổng phía ngoài trung tâm hội nghị được lắp đặt bệ kiểm tra an ninh dành cho xe ô tô. Các xe khi đi qua bệ kiểm tra này phải giảm tốc độ và lướt nhẹ, khi không nghe tiếng “tinh tinh” là yên tâm chạy thẳng vào phía trong.

Cảnh sát đeo dùi cui điện, súng tiểu liên hộ tống đoàn xe quan khách các nước dự hội nghị.

Khi nhóm báo chí chúng tôi đến hội nghị còn cách giờ khai mạc gần 2 tiếng đồng hồ nhưng cửa kiểm soát an ninh đã có hàng trăm phóng viên báo đài các nước đứng xếp hàng chờ lượt.

Ngoài việc kiểm tra hành lý và người, để chống hành động kẻ nào đó có ý làm thẻ giả hòng tìm cách lẻn vào hội nghị nên khi qua cửa kiểm tra an ninh, thẻ cá nhân được soi bằng máy, tựa như kiểm tra tiền thật, tiền giả.

Tôi áp cái thẻ phóng viên kiểu như thẻ ATM mà cơ quan an ninh nước này cấp vào máy đọc, nghe “tít tít”, nhân viên an ninh gật đầu ra hiệu đi vào cửa. Giả dụ như có ai đó cố ý làm thẻ giả, đặt thẻ vào mà máy đọc cứ trơ ra không “nói năng” gì, chắc kẻ đó sẽ bị giữ lại kiểm tra ngay lập tức.

Phóng viên CAND cùng sĩ quan cảnh sát Jakarta.

Đứng ngó một lúc, tôi không thấy thẻ nào “im miệng” cả, thế nghĩa là an ninh cũng nhàn hơn khi không phải làm các bước phức tạp khác. Ngay như ở khách sạn cũng vậy, hành khách lên xuống bất kỳ lúc nào cũng đều phải qua cửa kiểm tra an ninh một cách chặt chẽ.

Ở Việt Nam, từng dự diễn tập bảo vệ an ninh các hội nghị quốc tế, tôi cũng đã định hình được “sơ sơ” dăm ba điều về công tác an ninh mà nước chủ nhà thực hiện.

Ngồi bên cánh gà hành lang khu trung tâm hội nghị, tôi nghe tiếng trực thăng vù vù trên cao. Trời Jakarta tháng tư trong veo như tô điểm vẻ đẹp những chú “cánh chuồn” bay lượn trên nền xanh mây trắng, tuần tiễu bầu trời khu vực diễn ra hội nghị, có lúc cách ngọn xà cừ cổ thụ khu trung tâm tầm có trăm mét.

Nhìn “cánh chuồn” khoe mình trong nắng rực, ấy chưa bàn đến vẻ đẹp trên nền xanh Jakarta mà chính nó tạo sự yên tâm cho những người ở phía dưới. Còn ở phía xa, tại các chốt, được biết cũng đã có các thiết bị, vũ khí cần thiết và xe đặc chủng nằm lặng yên bên những hốc cây, khu khuôn viên.

Phía trước cổng, hai chú cảnh khuyển cũng gác cùng gia chủ là hai sĩ quan cảnh sát từ sáng sớm. Ấy vậy nhưng xem chừng cả buổi sáng với hàng trăm lượt ra vào mà cảnh khuyển vẫn nhàn việc, không tìm thấy dấu hiệu gì khả nghi để trổ tài nghiệp vụ!

Ở bên khu để xe mô tô, các tốp cảnh sát cũng thường trực, cả cảnh khuyển cũng buộc chân ngồi phục bên bờ rào, mắt đảo tứ hướng.

Xem nghi lễ đón, rước và bảo đảm an ninh cho thấy, Indonesia đã chuẩn bị rất chu đáo cho hội nghị cấp cao lần này. Tất cả các đoàn khách đều được đưa, dẫn trong dàn “xế hộp” đời mới, bóng loáng, mỗi đoàn đều có xe cảnh sát dẫn đường, các xe quan khách và xe cảnh sát hộ tống ở giữa.

Cảnh sát đi mô tô hộ tống trong trang phục màu đen, mũ bảo hiểm kín đầu, mặt bịt khẩu trang chống khói độc, quần áo đóng hộp tựa như cảnh sát cơ động bên ta.

Mỗi đoàn đều có bốn người đi trên hai xe mô tô hộ tống bảo vệ như vậy, người trước điều khiển, người ngồi sau tay ẵm khẩu tiểu liên, hông đeo dùi cui điện dài cả mét, giả như có điều gì bất trắc, họ sẽ bật nhanh như điện xẹt ở bất cứ đoạn đường nào theo phương án tác chiến đã vạch.

Họ cưỡi trên chiếc xe đặc chủng nhưng nhìn màu xe không đồ sộ, hầm hố như mấy tay xe đua, thậm chí nhìn kỹ thì những chiếc xe này cũng từa tựa cái “min khù khờ”, chỉ có điều bánh xe to đậm hơn nhiều và rồ ga cũng rất bốc.

Trông vẻ ngoài của cảnh sát Jakarta bộ “dữ dằn”, uy nghi thế hẳn làm những “mỵ nương” yếu bóng vía phải nép mình lo ngại. Tuy vậy, đó là cái uy cần thiết bề ngoài, còn cảnh sát Jakarta cũng rất thân thiện. Họ nở nụ cười đon đả và vẫy tay khi các vị khách ngồi trong ô tô hạ kính xuống nói câu chào buổi sáng.

Lúc đầu, tôi cũng rụt rè cầm máy ảnh đứng xa xa, bấm máy khép nép vì nhỡ làm điều gì họ không vừa ý thì có mà… chạy đằng giời!. Nhưng tôi đã nghĩ nhầm. Chả là khi tôi có ý chụp ảnh cùng, một sĩ quan cảnh sát bất ngờ chuyển từ trạng thái nghiêm nghị, anh hạ chiếc dùi cui điện dài trên mét xuống thấp rồi hỏi “xuất xứ” của nhà báo. Anh ta ồ lên tiếng rõ to rồi nắm chặt tay tôi gật đầu nói “friendly” khi biết tôi đến từ Việt Nam, lại là “nhà báo Công an Việt Nam” và ra hiệu cho mấy cảnh sát ở gần đó nữa lại chụp ảnh cùng.

ành động tự nhiên mà thân thiện ấy của sĩ quan cảnh sát Jakarta khiến tôi cảm thấy như ai “thả” vào mình mạch cảm xúc mà ta thường gọi đó là sự trân trọng. Đấy, hội nghị thì thật là lớn lao, có bao điều để nghĩ, để nhớ, để viết. Mà tôi nghĩ những chi tiết như thế dù nhỏ thôi cũng đáng nhớ lắm chứ.

Điều nữa, tôi để ý thấy khi đi qua bất cứ phố xá nào ở Thủ đô Jakarta, xe dẫn đoàn quan khách là nguyên thủ các nước chỉ có thể nháy đèn xin đường chứ tuyệt nhiên không bật còi hụ, dù nhiều đoạn đường người xe đông chặt như nêm.

Khi tôi hỏi điều này với một sĩ quan cảnh sát, anh ta nói đó là quy định để tránh gây tiếng ồn và sự phô trương không cần thiết. Trong khi ở nhiều khu phố, cảnh sát Jakarta ung dung cưỡi ngựa tuần tra trong trang phục rằn ri…

Đăng Trường
.
.
.