Cảnh vệ ta ở nước ngoài

Thứ Năm, 06/03/2008, 08:32
Đoàn đàm phán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) tại Hội nghị Pari về Việt Nam (1968-1973) có Tổ cảnh vệ thuộc Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Trong phòng làm việc của các đồng chí ở Pari treo bảng "Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân". Lần đầu tiên công tác dài ngày ở một nước phương Tây hoàn toàn mới lạ và phức tạp, các chiến sĩ cảnh vệ ta đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ như thế nào?

LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, nhà báo lão thành Hồng Hà (nguyên Bí thư TW Đảng) đã gửi cho Báo CAND bài viết về lực lượng Cảnh vệ ta ở nước ngoài đã thấm nhuần và thực hiện 6 điều dạy của Bác như thế nào trong quá trình bảo vệ an toàn tuyệt đối phái đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Pari 1968 - 1973. Báo CAND xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tháng 5/1968, trong khi chúng tôi đến Bộ Ngoại giao làm thủ tục đi công tác ở Pari, thì anh Nguyễn Văn Xoàn, tức Năm Xoàn, Cục phó Cục Cảnh vệ, đến gặp Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn để nhận nhiệm vụ. Đồng chí Bộ trưởng giao việc cho anh Năm Xoàn: Tổ cảnh vệ có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Đoàn đàm phán ta, bảo vệ tốt chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật các tài liệu quan trọng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh của nước Cộng hòa Pháp, dựa vào Đảng Cộng sản Pháp và bà con Việt kiều ở Pháp.

Anh Năm Xoàn đi Pari mang tên gọi Phan Nam, Đại tá phụ trách bảo vệ Đoàn đại biểu nước VNDCCH tại Hội nghị Pari về Việt Nam. Lúc đầu, Đoàn đàm phán ta ở tại khách sạn Lutêxia bốn sao, trên phố Raxpai giữa Pari, một con phố của nhiều nhà tư bản lớn và quan chức cao cấp Pháp. Hàng trăm phóng viên quốc tế "phục kích" ở các cầu thang khách sạn để phỏng vấn Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH.

Các cảnh vệ ta phát hiện được thiết bị nghe trộm tại nơi đoàn ở, bèn đề nghị mọi người trong đoàn không nói chuyện công tác ở khách sạn, nếu cần trao đổi ý kiến thì viết ra giấy rồi huỷ đi.

May mắn là chỉ ít ngày sau, Đảng Cộng sản Pháp nhường cho đoàn ta toàn bộ Trường Chính trị "Mốit Tôrê" của Đảng ở thị xã Soadi lơ Roa, ngoại ô Pari, làm cơ quan và nơi ăn ở của toàn đoàn. Đây là một khu vực riêng biệt, rộng rãi, rất thuận tiện cho việc bảo vệ.

Đảng Cộng sản Pháp còn giao cho đoàn ta sử dụng 10 cán bộ bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ, hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Anh Phan Nam bàn việc phối hợp công tác với anh Rôbe, phụ trách đội bảo vệ Pháp.

Chính quyền Pari cử một đội Cảnh sát canh gác bên ngoài cổng cơ quan suốt ngày đêm và một đội môtô Cảnh sát túc trực thường xuyên, sẵn sàng đi hộ tống các xe ôtô của lãnh đạo đoàn.

Anh Khiêm, cán bộ kỹ thuật của Bộ Công an, đi các siêu thị Pari mua vật liệu về xây dựng phòng họp đặc biệt của đoàn, nơi thảo luận các công việc tối mật của đoàn đàm phán. Phòng họp gắn những thiết bị hiện đại ngăn mọi âm thanh không lọt ra ngoài, chống các máy móc từ trường, tia hồng ngoại, tia lade và các dây hữu tuyến thâm nhập vào phòng nghe trộm. Chúng tôi gọi đấy là "Phòng hạnh phúc".

Viên Giám đốc Cảnh sát Pari mời anh Phan Nam đi kiểm tra nơi đoàn ta họp với đoàn Mỹ ở Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Clêbe. Anh Phan Nam trả lời rất tin ở Cảnh sát Pari, không cần đi kiểm tra. Viên giám đốc Cảnh sát Pháp rất cảm ơn sự lịch thiệp và sự tin cậy đó của Cảnh vệ Việt Nam, rồi đề nghị hằng tuần có sự hội ý giữa hai lực lượng Cảnh vệ Pháp, Việt Nam để rút kinh nghiệm.

Mỗi buổi sáng, trước khi lãnh đạo đoàn ta lên đường đi họp, đi làm việc, Cảnh vệ ta cùng bảo vệ của Đảng Cộng sản Pháp và Cảnh sát Pháp cùng làm việc trên tấm bản đồ Pari, xác định đường xe ôtô chạy, những điểm dừng, chọn một hành trình hợp lý nhất để đội xe môtô Cảnh sát Pháp hộ tống bảo đảm đưa lãnh đạo đoàn ta đến nơi an toàn và không chậm một phút.

Khi trở về cơ quan, Cảnh vệ ta mời các Cảnh sát Pháp đi hộ tống vào cơ quan uống nước, ăn bánh, nghỉ ngơi, nghe nhạc Việt Nam.

Pari có hàng vạn Việt kiều. Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp có chi hội ở 25 tỉnh, thành phố trên toàn nước Pháp. Bà con Việt kiều nhiệt tình giúp đỡ Cảnh vệ ta trong việc cung cấp thông tin, tình hình, bảo vệ đoàn đàm phán, bảo vệ các cuộc mít tinh có lãnh đạo đoàn dự, bảo vệ đoàn nghệ thuật nước ta sang Pháp biểu diễn, góp ý kiến về việc thuê nhà, sửa nhà, mua xe… bảo đảm an toàn và tiết kiệm.

Pari lúc đó còn có một số Việt kiều theo chính quyền ngụy Sài Gòn, luôn có những hành động côn đồ, lưu manh chống lại đoàn ta và những Việt kiều yêu nước.

Buổi đầu tiên có Đoàn đàm phán VNDCCH và Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đến họp ở phố Clêbe, bọn chúng mang theo gậy gộc, thanh sắt gây xô xát với Việt kiều yêu nước đứng hoan hô hai đoàn đàm phán ta. Chúng bị Cảnh sát Pháp bắt đi. Còn Cảnh vệ ta đã bảo vệ an toàn hai Đoàn đàm phán ta đi vào Trung tâm Hội nghị quốc tế.

Khi có những cuộc họp bí mật giữa đoàn ta và đoàn Mỹ ở Pari, nhất là giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Nhà Trắng H.Kitxinhgiơ, Tổ Cảnh vệ ta làm việc rất vất vả để giữ bí mật nơi họp. Trước cổng cơ quan đoàn ta luôn có hàng chục nhà báo đứng chờ, nếu thấy xe của lãnh đạo đoàn ta đi ra là bám đuổi theo ngay. Cảnh vệ ta phối hợp với các đồng chí lái xe Pháp, đã có nhiều sáng kiến hay đánh lạc hướng các nhà báo quốc tế, bảo đảm các đồng chí lãnh đạo đoàn đi họp an toàn và địa điểm họp không bị lộ.

Hội nghị Pari về Việt Nam có hai hình thức họp, công khai và bí mật. Cảnh vệ ta bao giờ cũng phải đến tận địa điểm họp để quan sát, kiểm tra phòng họp, bàn với ban tổ chức về các vấn đề bàn họp, ghế ngồi, đèn điện, giờ giấc làm việc, nơi nghỉ để phòng ngừa các thế lực thù địch phá hoại hoặc tìm cách hạ uy thế đoàn ta hoặc đánh cắp tài liệu mật của đoàn.

Những dịp ta mở các cuộc tiến công quân sự lớn ở Sài Gòn và miền Nam Việt Nam,  việc bảo vệ đoàn ta càng được thực hiện chặt chẽ hơn giữa Pari. Cảnh vệ ta và Cảnh sát Pháp đã phối hợp giải tán được những đoàn người đóng giả tù binh Mỹ và vợ con tù binh Mỹ đến biểu tình trước cổng cơ quan đoàn ta.

Một lần, đoàn ta đi dự mít tinh ở trung tâm Pari trở về cơ quan giữa nửa đêm. Xe ôtô đang chạy trên đại lộ Soadi lơ Roa vắng người, phía trước chiếc môtô Cảnh sát Pháp dẫn đường lao nhanh vượt cả đèn đỏ, thì bỗng nhiên một chiếc ôtô từ con đường ngang có đèn xanh vụt ra, đâm vào viên cảnh sát lái môtô dẫn đường. Viên Cảnh sát nằm sõng soài trên đường, chiếc áo da đẫm máu bị xé toác. Các Cảnh vệ ta phối hợp với Cảnh sát Pháp đưa nạn nhân vào bệnh viện và ngày hôm sau đến gia đình viên Cảnh sát tử nạn chia buồn.

Vợ viên Cảnh sát cảm ơn sự chu đáo của Cảnh vệ Việt Nam và thấy được an ủi một phần vì người chồng hy sinh đã góp phần nhỏ mọn vào việc tìm kiếm hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

Các đồng chí Cảnh vệ còn lo bảo vệ các cán bộ của đoàn trong sinh hoạt, bảo vệ các máy móc, điện đài liên lạc với trong nước, bảo vệ các tài liệu, sổ tay công tác và giữ đúng kỷ luật phát ngôn.

Suốt mấy năm trời, các đồng chí Cảnh vệ, trong đó có đồng chí Ích khéo tay nhất, đã cắt tóc cho toàn đoàn, kể cả các đồng chí lãnh đạo đoàn, không phải đi cắt tóc ở ngoài phố Pari.

Hội nghị Pari về Việt Nam kết thúc vào tháng 1/1973 nhưng còn Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp sau đó một tháng, với gần 1.000 người thuộc 13 đoàn đại biểu quốc tế, để ra một Định ước quốc tế nhằm công nhận và ủng hộ Hiệp định Pari về Việt Nam. 1.500 Cảnh sát Pháp đến bảo vệ Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Tổ Cảnh vệ ta cũng làm việc ngày đêm để bảo vệ hai đoàn đàm phán của nước ta.

Kết thúc mọi công việc ở Pari, lãnh đạo đoàn đàm phán ta biểu dương thành tích, công lao của các chiến sĩ Cảnh vệ: "Trên đất Pháp, ròng rã 5 năm trời, các đồng chí đã thực hiện tốt sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong hoàn cảnh công tác ở nước ngoài, đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn đàm phán ta, các tài liệu tối mật, các kế hoạch đấu tranh của ta, giữ được tuyệt đối bí mật nội dung thông tin liên lạc của đoàn ta ở Pari với Hà Nội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta ở Hội nghị Pari về Việt Nam"

Hồng Hà
.
.
.