Cảnh báo tai nạn bỏng ở trẻ em

Thứ Ba, 22/03/2011, 09:50
Chỉ tính từ ngày 7/3 đến ngày 16/3, Khoa Bỏng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã có tới 16 trường hợp là trẻ nhỏ phải nằm viện điều trị do bị bỏng nước sôi, bàn là, máy sưởi…, tập trung chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, lứa tuổi mà trẻ chưa nhận thức hết được những tai nạn về bỏng gây ra cho mình.

"Gần đây, không hôm nào là không có trẻ nhỏ bị bỏng với mức độ khác nhau phải nhập viện cấp cứu, chẩn trị cả. Nhiều trường hợp do không được cấp cứu kịp thời đã để lại di chứng suốt đời…" - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết. Thực tế này thêm một lần nữa cảnh báo các gia đình cần chú trọng hơn nữa trong việc trông coi trẻ nhỏ.

Có dịp đến Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vào thời điểm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh sầu não của nhiều gia đình có con em bị bỏng, phải nhập viện cấp cứu, chẩn trị. Bên ngoài dãy hành lang - của khu điều trị, từ phòng 308 - 311, chiều ngày cuối tuần, tôi chứng kiến không ít bà mẹ đang phải bồng bế, nựng đứa con thơ đang quấn băng gạc kín cơ thể khóc thét từng tiếng. Đáng chú ý, trong số này, có lẽ thương cảm nhất vẫn là gia đình chị Ng, nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội).

Các bác sĩ thăm khám một trường hợp bệnh nhi phải nằm viện điều trị.

Vừa bế con, chị vừa cho biết: "Con tôi, cháu H. mới 11 tháng tuổi mà đã phải nhập viện với những thương tích thế này đây chú ạ". Nhìn bàn tay, chân phải cháu bé bị băng gạc kín mít, tôi cũng như những người lui tới đây đều thấy thương cảm. Theo các bác sĩ Khoa Bỏng đang trực tại nơi đây thì cháu H. bị bỏng nước sôi độ II -III với diện tích 5% cơ thể. Tiến vào phòng điều trị tích cực của khoa, tôi tiếp tục được biết, ngoài cháu H., các bác sĩ nơi đây cũng đang phải cấp cứu, điều trị cho cháu Kiều N.A., 13 tháng tuổi, nhà ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa (Hà Nội). Theo người nhà của cháu cho biết thì trước đó, khi đang nô đùa, cháu đã va phải bình nước sôi trên bàn.

Không chỉ bỏng do nước sôi, nhiều trường hợp trẻ nhỏ còn gặp nạn do nghịch bàn là, những dụng cụ sưởi ấm… Theo thống kê của Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, trong tổng số các ca bỏng đang nằm điều trị, cấp cứu tại khoa, có tới 40% là trẻ nhỏ. Lứa tuổi tập trung chủ yếu dưới 2 tuổi. Điều đáng nói, chỉ riêng ngày 13/3, có tới 4 cháu bé bị bỏng nặng nhập viện cùng một lúc với diện tích trên 4% cơ thể.

Như trường hợp cháu Nguyễn Lê V., 9 tháng tuổi, nhà ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bỏng hai đầu gối, hai bàn tay độ I - II - III diện tích 4% cơ thể. Nguyên nhân trước đó, cháu V đang bò thì va phải phích nước sôi để trên bàn gây đổ vào người.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, chỉ tính từ ngày 7/3 đến ngày 16/3, Khoa Bỏng đã có tới 16 trường hợp là trẻ nhỏ phải nằm viện điều trị do trước đó bị bỏng nhiệt do nước sôi, bàn là, máy sưởi… gây ra. Lứa tuổi mà trẻ bị bỏng phải nhập viện trong những ngày qua chủ yếu tập trung dưới 3 tuổi, lứa tuổi mà trẻ chưa nhận thức hết được những tai nạn về bỏng gây ra cho mình.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, nguyên nhân khiến số ca trẻ nhập viện do bỏng gây ra có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, đó chính là sự hiếu động, tò mò, thấy vật dụng (phích nước, bàn là nóng…) trước mắt là bò tới nghịch, đẩy. Và rồi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn. Thời điểm mà trẻ gặp nạn nhiều nhất đó chính là vào giờ nấu ăn, các phụ huynh chuẩn bị đi làm. Vào quãng thời gian này, bậc làm cha, làm mẹ thường bất cẩn, không chú ý, dõi theo mọi hoạt động của trẻ.

Cũng theo các bác sĩ chuyên Khoa Bỏng, di chứng do bỏng để lại cho trẻ rất khôn lường như: lên sẹo gây mất thẩm mỹ, co rúm các cơ… thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nếu như bị bỏng nặng, không được cấp cứu kịp thời.

Tai nạn có thể phòng và tránh được nếu mỗi gia đình, mỗi người làm cha, làm mẹ chú ý hơn trong việc sắp xếp, bài trí các vật dụng trong gia đình có nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Không để trẻ nô đùa gần khu vực đun nấu, bén lửa. Có như vậy thời gian tới đây ta không còn phải chứng kiến những hình ảnh thương tâm do bỏng nhiệt gây ra cho trẻ nữa.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, khi phát hiện trẻ bị bỏng cần sơ cứu trẻ như sau:

1. Khi trẻ bị bỏng, phải nhanh chóng dùng nước lạnh để rửa vết thương. Nếu vết bỏng ở tay, chân thì xối nước lạnh vào vùng đó. Mục đích nhằm làm giảm sự đau đớn, phù nề tiết dịch từ vết thương này.

2. Nhanh chóng bỏ quần áo ở vùng bị bỏng ra. Không để quần áo dính vào vết thương tránh gây ra những trầy xước.

3. Dùng băng, gạc mỏng hoặc vải mỏng sạch băng hờ bên ngoài vùng bỏng. Không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị không đúng chỉ định. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng nước mắm, kem đánh răng bôi vào chỗ bỏng, vì như vậy rất dễ gây nhiễm trùng.

4. Đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa bỏng nơi gần nhất để cấp cứu, chẩn trị.

Trần Huy
.
.
.