Cảng biển Việt Nam lúng túng vì ô nhiễm môi trường

Thứ Bảy, 26/08/2006, 08:56

Với lợi thế bờ biển dài trên 3.200km, Việt Nam có điều kiện thuận tiện cho việc phát triển cảng biển. Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn thể nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên và môi trường (ISGE) năm 2006, nhiều ý kiến cho rằng cảng biển Việt Nam vẫn thiếu tính bền vững bởi những thách thức về ô nhiễm môi trường biển.

Trong quy hoạch tổng thể, hệ thống cảng biển Việt Nam tập trung vào 3 cụm cảng lớn Bắc - Trung - Nam và được chia thành các nhóm chính sau: nhóm cảng phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình); nhóm cảng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh); nhóm cảng Trung Trung Bộ (Quảng Bình - Quảng Ngãi); nhóm cảng Nam Trung Bộ  (Bình Định - Bình Thuận); nhóm cảng biển TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long và nhóm cảng biển Côn Đảo. Hiện, cả nước có 266 cầu cảng hoạt động với tổng chiều dài trên 35.000m và hàng triệu m2 kho, bãi chứa hàng.

Những năm gần đây, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân 14%/năm trong khi hệ thống cảng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thông thương ngày càng tăng, ước tính khoảng 140 triệu tấn năm 2005, trên 200 triệu tấn vào năm 2010 và gần 400 triệu tấn vào năm 2020. Chính bởi vậy, mục tiêu của quy hoạch là mở rộng, nâng cấp và xây dựng một số cảng tổng hợp quốc gia, hình thành các đầu mối giao thông nhằm phát triển toàn diện các vùng kinh tế trọng điểm.

Với quy hoạch phát triển trên có thể khẳng định rằng, hệ thống cảng biển Việt Nam đã khá toàn diện, góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển lên một tầm cao mới và ngày càng khẳng định vị trí, ưu thế kinh tế biển Việt Nam đối với khu vực và thế giới...

Tại Hội nghị toàn thể nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên môi trường (ISGE) năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm cho công tác quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường.

Sở dĩ nhóm hỗ trợ quốc tế đặt vấn đề chiến lược trên là bởi Việt Nam là nước đang phát triển cảng biển một cách mạnh mẽ với quy hoạch khá toàn diện, song công tác bảo vệ môi trường biển vẫn là một trong số các nước có chương trình nghèo nàn. Có thể nói tất cả các cảng Việt Nam đang phải chịu sức ép vô cùng lớn từ sự gia tăng nồng độ các chất trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hoạt chất độc hại.

Cùng với đó, các chất ô nhiễm từ các vùng ven bờ (sông và cảng) ngày càng đậm đặc bởi sự suy thoái hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rồi nữa là sự xuất hiện, tích tụ các chất gây ô nhiễm trong các thực phẩm lấy từ biển và rác thải sinh hoạt. Thống kê của các nhà nghiên cứu biển cho thấy: hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển Việt Nam có đến cả vạn tấn - từ việc xây dựng cảng, nạo vét luồng, xếp dỡ hàng hoá, hoạt động các phương tiện thuỷ, nhà máy đóng tàu, phá dỡ tàu cũ, sự cố tràn dầu từ việc thăm dò, khai thác tài nguyên biển v.v...

Khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện. Nhưng thể chế hoá thành những quy định nghiêm ngặt bảo vệ môi trường biển xem như vẫn còn ở phía trước.

Trước thềm hội nhập WTO, ngành Quản lý hàng hải đã đề ra 10 biện pháp để từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường sông, biển. Điều đó có thể là chưa đủ nếu các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành chức năng không "vào cuộc" bằng tinh thần không khoan nhượng với mọi hành vi gây ô nhiễm biển...

Mạnh Hừng
.
.
.