Tây Ninh:

Cần xử lý nghiêm vụ chiếm hàng trăm hécta đất

Thứ Năm, 17/08/2006, 08:28

Các cơ quan chức năng ở Tây Ninh đã làm rõ việc Phòng Địa chính huyện Tân Châu (nay là Phòng Tài nguyên - Môi trường) xét đề nghị và được UBND huyện Tân Châu ký quyết định cấp GCNQSDĐ cho 96 người với diện tích 525,1ha hoàn toàn sai với Luật Đất đai 1993 và Luật sửa đổi Luật Đất đai 1998.

Việc Giám đốc Lâm trường Tân Châu ký hợp đồng (ngày 12/6/1993) cho Nhà máy Đường Nước Trong mượn đất trồng mía trong 20 năm là hoàn toàn sai trái. Chuyện sử dụng đất lại buông lỏng hoàn toàn cho ông Trần Hoàn Kiếm, nguyên Trưởng ban Đời sống Nhà máy Đường Nước Trong khai phá và chuyển đổi sai mục đích.

Theo hồ sơ của Công ty Mía đường Tây Ninh, vụ mía 1994-1995 chỉ có 49 cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Đường Nước Trong nhận 215,8ha để trồng mía nhưng không có hợp đồng giao nhận đất. Còn 123,2ha cũng được trồng mía niên vụ 1994-1995, thì Công ty Mía đường Tây Ninh và ông Trần Hoàn Kiếm không thể cung cấp được hồ sơ đã giao cho những ai sản xuất.

Thanh tra tỉnh Tây Ninh có kết luận và kiến nghị (ngày 15/8/1995) về phần đất mượn: "…Nhà máy thu hồi toàn bộ đất đai, tài sản, lãi, tiền vốn và phương tiện phục vụ cho Ban Đời sống mà nhà máy đã ưu đãi với nhiều hình thức khác nhau… riêng những người đang trực tiếp sản xuất trên đất sẽ trực tiếp ký hợp đồng với nhà máy theo quy định chung". Mặc dù Ban Đời sống đã được giải thể nhưng Ban Giám đốc Nhà máy Đường Nước Trong vẫn để các cá nhân tiếp tục sử dụng đất.

Không thể không đặt dấu hỏi vì sao 96 cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất có nguồn gốc của Nhà nước lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) một cách quá dễ dàng như vậy. Việc 690ha đất công trở thành của tư nhân, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện Tân Châu không làm tròn nhiệm vụ quản lý. Các đơn vị, cá nhân khác cũng không thể chối bỏ trách nhiệm là: Ban Giám đốc Nhà máy Đường Nước Trong, UBND xã Tân Hà, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Châu và ông Trần Hoàn Kiếm.

Các cơ quan chức năng ở Tây Ninh đã làm rõ việc Phòng Địa chính huyện Tân Châu (nay là Phòng Tài nguyên - Môi trường) xét đề nghị và được UBND huyện Tân Châu ký quyết định cấp GCNQSDĐ cho 96 người với diện tích 525,1ha hoàn toàn sai với Luật Đất đai 1993 và Luật sửa đổi Luật Đất đai 1998. Đã thế, GCNQSDĐ được cấp cùng ngày 1/6/1999 và không ghi địa chỉ rõ ràng, mà chỉ ghi nơi cư trú là huyện, thị xã.

Ngày 25/11/1997, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 392/QĐ-UB giao 1.936ha (690ha trên nằm trong diện tích này) đất nông, lâm nghiệp ngoài dự án rừng phòng hộ biên giới môi trường Chàng Riệc cho UBND huyện Tân Châu quản lý, khoanh vùng để chăm sóc, bảo dưỡng, không được chặt phá và chuyển mục đích đối với những khu đất còn rừng và lập kế hoạch giao đất cho nhân dân để ổn định sản xuất lâu dài đối với những khu đất trống. Thế mà không ai thực hiện văn bản có giá trị pháp lý này một cách nghiêm túc, người dân cần đất sản xuất thì không có, kẻ thì thả sức lộng hành với hàng trăm hécta?

Hy vọng vụ chiếm 690ha đất Nhà nước ở Tiểu khu 41, xã Tân Hà, huyện Tân Châu sẽ được xử lý đến nơi, đến chốn

Nhóm PVĐT
.
.
.