Ninh Thuận:

Cần "vắcxin" cho nạn dịch bạo lực học đường

Thứ Bảy, 23/04/2005, 07:10

Các trưòng THPT ở thị xã Phan Rang-Tháp Chàm đều có các băng nhóm học sinh với những cái tên rất kêu: Hoa hồng đen, Nón trắng, Tình đơn phương, Tình phai… Những băng nhóm này học ít chơi nhiều và thích dùng bạo lực để lấy uy và giải quyết các mâu thuẫn. Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sư phạm ở đây.

Những tay anh chị tuổi 13

Tình cờ, trong một lần kiểm tra cặp sách vở của con, cha của Tuấn - một học sinh lớp 8,  Trường Võ Thị Sáu đã hết sức ngạc nhiên khi thấy con mình và cả chục đứa bạn khác có “thẻ hội viên” của cái gọi là băng "Triệt tiêu”, trong đó có dán ảnh đàng hoàng. Hoảng hốt và bối rối, vị phụ huynh có trách nhiệm này đành phải báo ngay sự việc với công an. Suýt nữa ông đã té xỉu khi được công an thông báo lại kết quả điều tra. Học sinh Trường Võ Thị Sáu thường xuyên bị một nhóm thanh thiếu niên hư hỏng bên ngoài chặn đường khống chế, bắt những em con nhà khá giả nộp tiền, nếu không nộp là đánh. Vừa để chống lại, vừa bắt chước nhóm này, Tuấn và 10 học sinh khác cùng trường, cùng khối đã họp nhau lại lập nên băng. Trong điều lệ, chúng ghi mục đích lập băng là để “phá án”, tự nhận trách nhiệm sẽ điều tra, xử lý những vụ mất cắp, đánh lộn hay nói tục, chửi thề của học sinh trong trường. Nhưng thực tế, cứ hết giờ học, 11 thành viên trong băng lại tụ tập la cà quán xá và tích cực "cầm nhầm" những món đồ lặt vặt ai đó để hớ hênh. Cho đến lúc bị công an phát hiện, chúng chưa gây ra vụ việc lớn hay nghiêm trọng nào nhưng cũng chưa kịp phi tang một số chậu bon-sai, xương rồng cảnh mới “chôm” được!

Tháng 10/2003, Công an thị xã cũng đã khám phá ra một băng khác có tên gọi là “băng 307” ở trường này. Băng 307 có tới 62 thành viên, gồm toàn học sinh nữ của hai khối lớp 6 và lớp 7, do một em chuyển trường từ Tp. HCM ra thành lập và chỉ huy, có nội quy, quy ước đàng hoàng. Mỗi em phải nộp 7.000đ để mua một chiếc nón trắng, xem như "đồng phục". Toàn băng chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm do một em phụ trách, mỗi tuần, “họp kiểm điểm” một lần, mỗi thành viên đóng vào quỹ băng 5.000đ, có cả sổ theo dõi thu chi lẫn sổ theo dõi hội viên và nhật ký sinh hoạt. Danh xưng “307” được các cô bé này giải thích ý nghĩa là... "đánh đâu được đấy", nhưng đánh ai, tại sao phải đánh thì các em... chịu chết!

Băng nhóm ở Trường Lê Hồng Phong không hiền lành như thế. Năm 2002, một đối tượng hư hỏng tên là Trịnh Huy Hoàng đã dụ dỗ được 7 học sinh THCS của trường này và một số học sinh THPT của Trường THPT Nguyễn Trãi tham gia vào một băng có tên gọi là “Tình phai”, gồm tất cả 19 thành viên, 5  nữ. Hoạt động, sinh hoạt của băng "Tình phai" rất quái đản, chủ yếu là... ăn trộm xe đạp, chôm đồ nhà đi cầm để ăn vặt. Buổi tối, chúng kéo cả đám ra nghĩa địa ôm nhau ngủ tập thể, cả trai lẫn gái. Ngoài ngủ, chúng còn làm gì khác bậy bạ hay không thì chỉ có... trời và chính chúng mới biết. Sau một thời gian dài hoạt động, băng "Tình phai" bị công an phát hiện, tên Trịnh Huy Hoàng bị bắt đi cải tạo, băng này mới bị giải tán.

Hiện tại, tại Trường THPT Lê Hồng Phong cũng đang có hai băng “Nhicôlai” mới thành lập. Băng “Dép Lào” của một nhóm nam sinh khối lớp 8 chuyên mang dép Lào đi học, mục đích chỉ là thể hiện ý thức phản kháng với quy định mặc đồng phục của trường. Băng "Hoa hồng đen" quy tụ toàn học sinh nữ từ lớp 6 đến lớp 8, do một cô gái ở gần trường, khoảng 20 tuổi tên là Lem thành lập và chỉ huy. Khởi đầu đầy bạo lực, những thành viên mới đều phải đến trước mặt Lem, nhận của “thủ lĩnh” một cái tát như trời giáng vào mặt. Băng "Hoa hồng đen" có khoảng 80 thành viên, dấu hiệu là một bông tai dài tới vai, các trưởng nhóm mang bông tai hai bên. Buổi tối, chúng tập trung trước cổng trường hoặc nhà của "thủ lĩnh" để họp kiểm điểm và nghe phân công nhiệm vụ. Sau đó, chúng đóng tiền, mua bia, thuốc lá, kéo nhau ra sân vận động tỉnh uống và hút. Băng này sẵn sàng kéo nhau đi đánh hội đồng những học sinh nào bị chúng liệt vào hàng “dễ ghét” - thường là cán bộ lớp, cờ đỏ hoặc những học sinh ngoan, học khá, hay được các thầy cô giáo khen ngợi, biểu dương!

Hung hăng nhất có cặp chị em sinh đôi DC, DT (lớp 6/8), VT lớp 7/7, LA lớp 6/7, S lớp 6/7, N lớp 6/10 v.v... Cô bé LA đã từng kéo một nhóm gần chục thành viên xông vào đánh một học sinh nam lớp 8 ngay giữa lớp. Bị em này túm tóc dúi đầu đập xuống mặt bàn, LA ngồi khóc một lúc rồi bất ngờ đứng dậy rút bút đâm thẳng vào mặt “đối thủ”. Chưa hết, cô bé này còn liên tục chặn đường dọa đánh em ĐTMT, lớp phó học tập lớp 6/5, chỉ vì lý do duy nhất là “con nhỏ đó chảnh, thấy mặt nó là ghét!”.

Ngoài ra, thị xã Tháp Chàm này đã và đang tồn tại một loạt băng nhóm khác như "Mũ vàng", "Nón trắng", "Tình đơn phương"... Thậm chí có một nhóm học sinh cá biệt đã tỉnh ngộ, tụ lại với nhau cũng quyết lập thành băng mệnh danh là... "Gác kiếm". Có tên hoặc không tên, mục đích  và hoạt động của các băng nhóm kiểu này chẳng bao giờ có thể coi là tốt đẹp.

Những vụ trọng án

Chỉ vì một xích mích cỏn con, ngày 16/4/2003, Phạm Đình Tiễn, lớp 10A2 Trường THPT bán công Trần Quốc Toản đã dùng búa đánh vào đầu em Lê Đình Phong lớp 10B1 cùng trường khiến em này bị chấn thương sọ não.

Trường hợp Kiều Văn Tiền, SN 1988, học sinh lớp 7 phổ cập ban đêm của Trường Lý Tự Trọng thì lý do chỉ là tại... con dao lúc nào cũng thủ sẵn trong cặp. Ngày 10/10/2003, khi có chuyện cãi nhau với bạn cùng lớp là Võ Đào Chung Hiếu, Tiền đã rút dao ra đâm Hiếu chết tại chỗ. Nguy hiểm hơn nữa, phát hiện ra có kẻ “dám” dắt bạn gái cũ của mình vào quán cà phê, không kìm được cơn ghen ấm ớ,  Trần Xuân Hoàng, một học sinh SN 1985 ở phường Đô Vinh đang ôn thi đại học đã chạy ngay về nhà vác một con dao to bản tới quán đâm chết Võ Duy Phương, không hỏi lấy nửa câu.

Được phết thêm màu sắc băng nhóm, tội ác càng kinh khủng hơn bội phần. Dưới chân tháp Poklong Giarai, chiều ngày 23/7/2003, một cô gái 18 tuổi đã bị một băng 17 tên gồm toàn học sinh, sinh viên đang nghỉ hè khống chế và giở trò hiếp dâm tập thể. Không thể tưởng tượng nổi, trong số những kẻ đốn mạt gây trò đồi bại có cả một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Tháp Chàm. Kịch bản đồi bại ấy được lặp lại bởi 4 đối tượng học sinh khác tại bờ cát sông Dinh vào tối 9/9/2003, với sự tham gia của một tên nhóc tì đang là học sinh lớp 9 của Trường Lê Hồng Phong.

Ngay tại Trường chuyên Chu Văn An, nơi được xem như chốn tụ hội của những học sinh ưu tú nhất của thị xã, tội lỗi vẫn thản nhiên xảy ra mà “không biết” do đâu... Giữa giờ ra chơi ngày 7/12/2003, 4 học sinh Nguyễn Ngọc Dũng (lớp 10B4), Vương Kiều Tú (lớp 10C4), Nguyễn Thái Hoài Chương (lớp 11C2) và Phạm Minh Thi (lớp 11C2) đã ngang nhiên lôi em Hoàng Nam lớp 10A3 vào toalét đánh đập dã man khiến em này bị tổn thương mắt, thị lực chỉ còn 4/10. Bị đuổi học, một tuần sau, Nguyễn Ngọc Dũng lại cả gan dẫn theo hai tên côn đồ xông vào trường cũng ngay giữa giờ chơi. Bị bác bảo vệ Đoàn Văn Bê ngăn cản, chúng xúm vào hành hung bác đến ngất xỉu.

Đỉnh điểm của sự dã man tàn bạo đã len vào chốn học đường là vụ sát hại em Lê Châu Anh, học sinh lớp 10B2. Châu Anh cũng từng là một học sinh ngỗ ngược, từng tham gia băng nhóm chuyên giở trò càn quấy. Một thời gian ngắn trước khi xảy ra vụ việc, em đã tỉnh ngộ, ly khai băng nhóm và bắt đầu chuyên chú học hành. Cách đó ít hôm, Châu Anh đã xin cô giáo chủ nhiệm cho mượn bảng điểm học kỳ 1, tự kiểm tra xem mình thiếu điểm những môn nào để có kế hoạch phấn đấu trong kỳ thi học kỳ 2. Không ai phân công, Châu Anh đã tự động một mình đi trồng lại và chăm sóc những bồn hoa của lớp, nhằm giành lại những điểm thi đua mà lớp đã bị mất bởi những hành vi vô kỷ luật trước đó của mình. Trót gây xích mích với Q, một tên bạn cùng lớp, cùng có thời chung băng nhóm, Châu Anh đã chủ động gặp Q và nhóm này xin lỗi, giảng hòa. Thế nhưng chúng vẫn không tha. Chiều ngày 19/4/2004, khi đang chở một bạn gái cùng lớp đi học hướng nghiệp, em đã bị Nguyễn Vĩnh Hưng, học sinh lớp 10B3 Trường Trần Quốc Toản cùng 4 tên khác dùng dao, mã tấu ép vào bờ tường đâm chém. Gục ngã, Châu Anh còn bị những tên sát nhân trẻ tuổi vác đá đập lên đầu cho đến chết...--PageBreak--

Biện chứng về bạo lực

Bạo lực học đường ở Phan Rang cứ như thể một thứ dịch bệnh, bùng phát và lây lan rất nhanh mà vẫn chưa tìm ra thứ "vắcxin" phòng chống có hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân. Sự tác động của phim ảnh, truyện tranh bạo lực hay những games đấm đá tàn bạo vốn nhan nhản và không thể kiểm soát trong những tiệm Internet là điều không ai chối cãi. Nhưng trước hết, nguyên nhân chính vẫn là nhận thức lệch lạc của học sinh hiện nay về ý niệm "người hùng".

Nghịch ngợm, hiếu thắng và nông nổi, học trò thời nào cũng giống nhau. Thời trước, cùng lắm những bức xúc học trò cũng chỉ dẫn đến những lời thách đấu tay đôi. Hậu quả nghiêm trọng nhất cũng chỉ là vài ba vết trầy xước, vừa đủ cho thầy cô giáo và các bậc phụ huynh có cơ hội chứng tỏ quyền uy và kỷ luật của mình. Nay thì khác. Không còn hơn thua, chỉ còn ý thức “trả thù”. Không còn tồn tại sự vượt trội của năng lực cá nhân, mọi vấn đề đều thiên về cách giải quyết bằng bạo lực băng nhóm

Hầu hết những em học sinh phạm tội đều xuất thân từ những gia đình mà sự quan tâm, dạy bảo của cha mẹ, anh chị đều lỏng lẻo, hời hợt và bạo lực được xem như một chứng di căn. Ba anh em Thái Thanh Gươm, Thái Thanh Hiền, Thái Thanh Hiếu ở phường Đạo Long sống với ông bà ngoại, thiếu hẳn sự chăm sóc, vỗ về của cha mẹ. Chúng đã nhanh chóng hóa thành ba con ngựa chứng không cương.

Gươm vừa mới được tha về từ cơ sở giáo dục. Hiền SN 1990, mới học đến lớp 7 ở Trường Võ Thị Sáu đã bị đuổi vì vô kỷ luật. Đêm 17/3/2003, Hiền tham gia vào vụ xô xát đâm chết người tại tiệm Internet Khôi Nguyên, bị công an bắt. Một tuần sau, ngày 23/3/2005, anh ruột Hiền là Hiếu cũng phải vào nhà giam vì chém đứt bàn chân của Dũng “mọi”, một tên giang hồ nhí xuất thân là học sinh Trường Chu Văn An đã bị đuổi học...

Khi biết tin con mình phạm tội cùng đồng bọn sát hại em Lê Châu Anh, bị công an bắt, mẹ của hung thủ Nguyễn Vĩnh Hưng không hề tỏ ra đau xót hay ăn năn. Ngược lại, bà ta đã đến trước cổng Trường Trần Quốc Toản chửi bới om sòm, quy cho nhà trường cái “tội” là “đã đuổi học con bà nên nó mới đi giết người, mới bị bắt!”. Với trường hợp này, bình luận chỉ tổ tốn công.

Theo Trung tá Phạm Huyền Ngọc, Trưởng Công an thị xã, vào lúc cao điểm, có trường 30% nam sinh đến lớp mang theo dao trong cặp. Biết, nhưng công an không thể tự nhiên vào trường khám xét cặp sách của học sinh. Thầy cô giáo cũng biết nhưng không làm, vì sợ lộ ra thực trạng là bị kỷ luật. Trường cũng không làm, học sinh có đánh nhau, chém nhau cũng không báo cáo vì sợ mất thi đua. Bệnh thành tích đang phủ lên những hành vi tội lỗi một bức màn che giấu.

Học sinh các trường đều có thể kể vanh vách bạn nào thuộc băng nào, nhóm nào. Cố nhiên, thầy cô giáo của các em không thể không biết. Biết, nhưng không ai làm gì cả. Nói một cách không ngoa, ở thị xã Phan Rang, Tháp Chàm, "hội chứng" thầy cô "ngại" va chạm với học trò của chính mình là điều có thật. Trước cổng Trường Võ Thị Sáu, học sinh THCS vẫn vô tư ăn quà vặt, vô tư văng tục chửi thề, trong khi nhiều giáo viên vẫn vô tư đi lướt qua chúng nhưng “mũ ni che tai”, không hề có một câu nhắc nhở. Bảo vệ trường nọ thấy học sinh chuẩn bị hung khí để đánh nhau, thay vì can thiệp, họ lại quát: "Muốn đánh nhau, chém nhau đi ra ngoài mà làm”. Không hiểu nổi, đó là cách ngăn chặn hay khuyến khích bạo lực?

Tại Trường chuyên Chu Văn An, Nguyễn Ngọc Dũng và hai tên côn đồ đánh bảo vệ trọng thương, Ban giám hiệu vẫn “bình chân như vại”,  để mặc cho hung thủ ung dung thoát ra ngoài. Mẩu tin trên báo Tuổi trẻ về vụ giết hại em Lê Châu Anh được dán lên bản tin như một lời cảnh báo, chính thầy hiệu trưởng đã tự tay xé bỏ vì e ngại sẽ gây phản cảm...

Học sinh khó lòng tìm được cảm giác an tâm, được bảo vệ ngay trong ngôi trường của mình. Đó chính là nguyên nhân để các băng nhóm có cơ hội tồn tại. Nhận thức non nớt của tuổi học trò dễ đánh đồng giữa việc tham gia băng nhóm với việc tìm cảm giác được bảo vệ an toàn thành một. Nếu là trước đó chỉ một thời gian ngắn, hẳn cậu bé Châu Anh đã không dễ gì để cho đám côn đồ bao vây thanh toán khi chỉ đơn thương độc mã, bởi em đã được bạn bè báo trước về mối nguy hiểm đang chờ đợi. Cơ hồ, nỗi đau về một cái chết càng bị khoét sâu thêm khi dư luận học trò vẫn cứ cho rằng, nếu không đoạn tuyệt băng nhóm, Châu Anh đã không chết!

Có lẽ, trách nhiệm chính trong việc để gia tăng bạo lực học đường ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm nằm chủ yếu ở phía nhà trường. Dù không muốn, chúng tôi cũng thấy cần phải nhấn mạnh một điều, trách nhiệm của những người thầy không chỉ đơn thuần là truyền bá kiến thức. Bởi lẽ, khó có thể hy vọng học sinh sẽ lĩnh hội được những kiến thức được truyền giảng, khi mà ngoài việc chuẩn bị bài vở, trước giờ đến lớp, các em còn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với những va chạm đầy bạo lực. Xin mạo muội đặt câu hỏi: Không biết bao giờ, ở thị xã bé nhỏ này, công tác giáo dục mới thôi không bị hiểu một cách nôm na chỉ là một buổi học có 5 tiết và mỗi tiết được quy định đồng đều, bất di bất dịch là 45 phút!

Hồng Lam- Vương Thuần
.
.
.