Cẩn thận với những gã hàng xóm "yêu râu xanh"

Thứ Ba, 08/05/2007, 12:19
Theo một điều tra, phần lớn các "yêu râu xanh" là người hàng xóm của các bé gái (54,8%), tiếp theo là người không quen biết (35,5%) sau đó là bạn cùng trang lứa, cùng học, cùng tuổi (12,9%) và cuối cùng là người trong gia đình bé gái (9,7%).

Trong thời gian qua, số vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) ngày càng gia tăng và có tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp hơn. Điều đáng lo ngại là thủ phạm của có thể thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, trong khi đó ý thức quản lý, giáo dục con cái của các bậc làm cha làm mẹ về vấn đề XHTDTE vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

60 tuổi vẫn là "yêu râu xanh"

Bản án 14 năm tù giam với tội danh Hiếp dâm trẻ em ngày 25/6/2006 của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt bị cáo B. là một vụ việc khiến nhiều người phải giật mình. Điều khiến dư luận phẫn nộ là con "yêu râu xanh" đã lên chức ông vì tuổi cũng… ngoài 60, trong khi đó nạn nhân là cháu A. (SN 1996) mới chỉ đáng tuổi cháu của y.

Chuyện bắt đầu xảy ra khi anh N. - bố cháu A., đưa gia đình sau một thời gian dài xa quê kiếm kế sinh nhai trở về quê nhà và ở nhờ nhà ông B. Cháu A. đã bị ông B. ép giao cấu tất cả 6 lần từ tháng 3 đến tháng 5/2006.

Trong khoảng thời gian đó, gia đình cháu đều không hay biết gì do ông B. đã dọa nạt cháu nếu để lộ sẽ không cho gia đình ở nhờ nữa. Chuyện chỉ vỡ lở khi cháu A. sang nhà chú họ và kể mọi chuyện trong tâm trạng lo sợ và hoảng loạn.

Bản án dành cho con "yêu râu xanh" thật đích đáng nhưng liệu những ngày tháng còn lại, cháu A. sẽ sống như thế nào với nỗi ám ảnh sợ hãi về những ngày tháng đã qua?

Cũng trong thời gian gần đây, dư luận vẫn còn xôn xao về vụ vận động viên Wushu Trần Xuân Ánh phạm tội Hiếp dâm trẻ em. Trần Xuân Ánh vốn là một vận động viên thể thao triển vọng, có thành tích cao trong lĩnh vực thể thao của nước nhà và châu lục. Tuy nhiên, chỉ vì ham muốn tầm thường trong một phút không biết kiềm chế, Trần Xuân Ánh đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục với cháu Trần Thị Huyền A. (SN 1994).

Qua hai vụ việc trên, có thể thấy rằng nạn XHTDTE không có một nhóm đối tượng nào nhất định. Theo một điều tra, phần lớn các "yêu râu xanh" là người hàng xóm của các bé gái (54,8%), tiếp theo là người không quen biết (35,5%) sau đó là bạn cùng trang lứa, cùng học, cùng tuổi (12,9%) và cuối cùng là người trong gia đình bé gái (9,7%).

Thiếu sự quản lý từ các bậc phụ huynh

Ông Nguyễn Trọng An - Vụ phó Vụ Trẻ em, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em (UB DSGĐ&TE) cho biết: Số vụ XHTDTE trong những năm qua vẫn tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, chưa tạo ra dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi này, công tác quản lý kiểm tra, kiểm duyệt đối với các cơ sở dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn, các văn hoá phẩm chưa thật chặt chẽ, việc xử phạt tội phạm XHTDTE chưa kịp thời… nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức quản lý, giáo dục con cái của các bậc phụ huynh chưa thực sự đầy đủ. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá thờ ơ, thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý với các em.

Câu chuyện của cháu Hoàng Thị H., 13 tuổi là một ví dụ điển hình. H. vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, lại mải miết làm ăn, H. thiếu đi sự giáo dục những điều cần thiết của tuổi mới lớn. Vì vậy, trước những lời đường mật của gã trai làng tên Đ., H. đã tự nguyện trao thân cho y.

Đến lúc gia đình biết chuyện thì đã quá muộn, cái thai trong bụng H. lớn dần… Kết cục, Đ. nhận bản án 5 năm tù giam, còn gia đình phải đưa cháu H. đi giải quyết hậu quả ở cái tuổi 13.

Bên cạnh đó, cũng không ít phụ huynh sau khi xảy ra vụ việc đã không dám tố cáo, giấu kín do sợ mang tiếng, mặc cảm cho các em nhưng trên thực tế đây là hành động tiếp tay cho những "yêu râu xanh", để chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật sau khi phạm tội.

Vẫn còn đó nỗi lo

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), trong năm 2006 đã phát hiện 434 vụ XHTDTE. Trong hai năm (2004-2006), đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em của UBDSGĐ&TE nhận được 1.264 cuộc điện thoại liên quan đến vấn đề XHTDTE, gần 500 vụ XHTDTE được toà án các cấp trong cả nước đưa ra xét xử. Trên thực tế, con số có thể còn cao hơn nhiều.

Xâm hại tình dục để lại những hậu quả khôn lường. Các em sẽ bị tổn thương bộ phận sinh dục, dễ mắc các bệnh qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn… Đặc biệt là về tinh thần, rất nhiều em gái trở nên sợ hãi, trầm cảm, sống mặc cảm không muốn giao tiếp với bên ngoài. Nó giống như một vết xước trong tâm hồn, không bao giờ có thể lành lại, trở thành nỗi ám ảnh mặc cảm trong suốt cuộc đời các em…

Để ngăn ngừa và phòng chống nạn XHTDTE, Bộ LĐTB&XH đã thực hiện đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục giai đoạn 2004-2010 với hoạt động quan trọng là hỗ trợ cho trẻ về tài chính, sức khỏe và cải thiện tinh thần cho nạn nhân, giúp các em vượt qua khó khăn hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ có 4 đề án, trong đó Bộ Công an có đề án IV đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

UBDSGĐ&TE cũng đã kết hợp cùng với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng, từ đó đưa vào triển khai chiến dịch truyền thông phòng chống lạm dụng trẻ em năm 2006, đặc biệt là chương trình xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, xây dựng các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em, đào tạo, tập huấn mạng lưới cán bộ bảo vệ trẻ em…

Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc nạn XHTDTE, điều quan trọng nhất vẫn là cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái của các bậc làm cha làm mẹ ngay từ bây giờ để các em biết đề phòng, ngăn chặn, tố cáo những hành vi xâm hại tình dục

Nguyễn Hương
.
.
.