Từ vụ quyên sinh của 5 nữ sinh:

Cẩn thận với lứa tuổi "ô mai mơ"

Thứ Tư, 31/05/2006, 13:35

Đa phần những vụ học sinh tự tử đều bắt nguồn từ  những nguyên nhân “không đâu vào đâu” hết sức dại dột mà người lớn “không thể nào tin nổi”. Nào là do sợ cha mẹ, cô giáo trách phạt, do học lực yếu, gia đình không tôn trọng v.v...

Chúng tôi trở lại Phượng Hoàng (Thanh Hà, Hải Dương) 4 ngày sau cái chết của 5 nữ sinh trường THCS của xã, song trên gương mặt của nhiều người thân các cháu vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Thầy Nguyễn Quang Toản - giáo viên chủ nhiệm lớp 7B - Trường THCS Phượng Hoàng cho chúng tôi biết 5 nữ sinh của lớp do thầy chủ nhiệm đã tự tử gồm có Bùi Thị Thủy, Bùi Thị Nguyên (là hai chị em sinh đôi), Nguyễn Hoàng Hà, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Hồng. Cả 5 em đều sinh năm 1993.

Chấn động làng vải

Sự việc bắt đầu vào khoảng 21h30 ngày 24/5/2006. Trời đã về khuya mà chưa thấy con về, các gia đình cùng người dân các thôn Tứ Cường, Phượng Đầu, Ngoại Đàm... (xã Phượng Hoàng) cùng bổ đi tìm 5 em nữ sinh bị mất tích. Buổi chiều hôm ấy các em vẫn còn lên lớp học bình thường, thậm chí còn tỏ ra vui vẻ. Đến 22h, có người phát hiện ra tại khu vực trạm bơm Ba Lữ có 5 chiếc túi xách, 5 đôi dép cùng hai chiếc xe đạp và được xác định là đồ dùng của 5 nữ sinh.

Khoảng 10h ngày 26/5/2006, một số người chèo đò trên đoạn sông thuộc bến đò Sĩ (tả ngạn sông Thái Bình) thấy 5 cái xác lô nhô trên mặt nước. Họ liền lập tức báo về cho chính quyền cùng các thân nhân. 5 cái xác ấy được xác định là 5 nữ sinh lớp 7B Trường THCS Phượng Hoàng. Các thi thể sát bên nhau bởi được buộc rất chặt bằng bốn chiếc khăn quàng đỏ.

Cái tin ấy đã gây chấn động cả cái xã Phượng Hoàng vốn yên ả, thanh bình. Những tiếng khóc đau đớn, ai oán cất lên, những bước chân rầm rập lo việc hậu sự cho các cháu... Tất cả những công việc chung của xã bị đình trệ. Hội phụ nữ xã chuẩn bị họp phải tạm hoãn. Các học sinh trường tiểu học, THCS của xã (trừ học sinh lớp 7B) được nghỉ học, loa truyền thanh xã liên tục kêu gọi mọi người bình tĩnh... Đến chiều ngày 27/6, một đám tang chung cùng với hàng ngàn người và rất nhiều vòng hoa trắng và nước mắt tiễn đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ảnh: Hà-Thuỷ-Nguyên chụp ngày Tết; Nguyễn Hoàng Hà; Phạm Thị Hồng.

Theo các điều tra viên, người thân và những bức thư “tuyệt mệnh” mà các em để lại, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của 5 em có thể là do một vài em bị bố mẹ quở mắng nên mặc cảm, quẫn trí nghĩ đến cái chết. Một trong số các bức thư có nội dung: “Chào các bạn tập thể lớp 7b, hôm nay là ngày cuối cùng 5 chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi lại là những đứa con bất hiếu nhưng chúng tôi cũng khổ lắm. Đứa 1 do bố mẹ mắng nhiều quá, nhục lắm; đứa 2 do nhà đông em gái nên bị mắng nhiều lắm; đứa 3, 4 do cha mẹ bắt ép nhiều quá nên cũng phải chịu; đứa 5 do bố mẹ mắng nhiều quá. Chúng tôi rất nhớ 7b và mong các bạn hiểu cho chúng tôi”.

Tìm hiểu sâu, chúng tôi biết được rằng 5 em học sinh trên vốn là những thành viên trong nhóm “Tám Lệ” mà do các em tự lập nên (gồm có 8 người và lấy chữ Lệ ghép vào tên mỗi thành viên thành Lệ Nguyên, Lệ Thủy, Lệ Hà, v.v...). Nhóm ấy ngoài 5 em trên, còn có các em Phạm Thị Thủy, Phạm Thị Hạnh và Phạm Thị Biển (lớp trưởng). Nhóm "Tám Lệ" đã từng cắt máu ăn thề “đồng tử - đồng sinh”; “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Với mục đích tốt ban đầu là giúp đỡ nhau học tập, nhóm “Tám Lệ” không hề bị gia đình, thầy cô ngăn trở, thậm chí còn được khuyến khích. Song sau đó, một số thành viên trong nhóm nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng (với những lý do nhiều khi rất trẻ con) với gia đình và nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực.

Theo một nhân chứng kể lại là trước đó có một em trong nhóm đã đi xem bói, thầy phán rằng em sẽ không thể sống đến tuổi 14 (?!). Thế là ý định tự tử được em này đưa ra và thuyết phục các bạn làm theo. Đến gần cái ngày định mệnh, một số em trong nhóm còn nảy ra ý định rất dại dột viết tên của 8 thành viên vào một chiếc khăn rồi sau đó cắt tay lấy máu người nào nếu đồng ý chết chung thì gạch tên mình trong chiếc khăn ấy. Có 5, 6 em đã đồng ý gạch tên song chỉ có 4 người trong số đó tham gia vụ tự tử. Riêng em Nguyễn Hồng Hà không gạch tên trong chiếc khăn song cuối cùng lại cùng chết với nhóm 4 em kia.

Có thể nói kế hoạch tự tử đã được các em chuẩn bị một cách khá “chu đáo”. Buổi chiều hôm ấy, Hồng đến lớp sớm hơn thường lệ (11h đã từ nhà đi trong khi 13h30 mới vào học tiết một). Cả Nguyên, Thủy cũng sang rủ Hà đến trường sớm. Khi đến lớp thì các em đem chia cặp tóc, trâm cài đầu cho các bạn khác, nói với nhau là đi lên cầu thang lần cuối, lên tầng hai lần cuối, đến trường lần cuối... và nhiều em đã khóc.

Trong một mảnh giấy truyền tay nhau mà Cơ quan điều tra thu thập được còn có dòng chữ: “Cố nén khóc đi và nghĩ đến chuyện vui không chúng nó biết bây giờ”. Rồi các em còn dặn nhau: “Phải chạy cho mệt rồi mới ấy được, nếu không là không được đâu...”. Trên thực tế, nhiều người dân sống quanh khu vực trạm bơm xác nhận rằng đến tận 20h ngày 24/5/2006 (tức là khoảng 2 giờ sau khi tan học), họ vẫn nghe thấy tiếng trẻ nô đùa trên bãi. Đến 21h thì những tiếng ấy tắt hẳn.

Những bài học để lại

Cái chết thương tâm của 5 em học sinh trên thực sự khiến tất cả mọi người đều vô cùng bất ngờ. Thầy Nguyễn Công Hội - Hiệu trưởng nhà trường nói với chúng tôi mà mắt ông rưng rưng: “5 em học sinh này đều là con ngoan, trò giỏi của gia đình và nhà trường, chẳng có lý do gì mà các em phải tìm đến cái chết bi thương như vậy”. Quả thật khi xem học bạ của các em, chúng tôi có thể khẳng định được điều này.--PageBreak--

Nguyễn Hoàng Hà 7 năm liền là học sinh giỏi của trường; Thủy, Nguyên, Tâm cũng là học sinh khá. Riêng Hồng  năm lớp 6 là học sinh trung bình thì năm nay đã vươn lên đạt học lực khá. Gia đình của 5 em trên trừ em Hồng ra, còn lại kinh tế đều không quá khó khăn. Song chính các phụ huynh cũng tự nhận rằng có đôi lúc nhắc nhở “quá lời” khi các cháu có biểu hiện chểnh mảng học hành.

Nhóm “Tám Lệ” luôn được thầy yêu, bạn mến vì không những học giỏi, các em còn rất tích cực tham gia các hoạt động lao động ngoại khóa, các buổi biểu diễn văn nghệ... của nhà trường. Nhóm các em vốn ai cũng yêu hoa và được nhận chăm sóc vườn hoa trước cửa phòng thầy hiệu trưởng và cả của trường. Em Nguyễn Văn Thắng - bạn cùng lớp tâm sự với tôi: “Cháu rất mến các bạn ấy. Cháu cũng rất thích khi nghe bạn Hà hát bài “Ru con”, hay và cảm động lắm!”.

Còn Nguyễn Thị Loan thì vừa nói vừa khóc: “Bây giờ mỗi khi đến lớp, nhìn vào 5 chỗ trống mà các bạn bỏ lại, chúng em thấy nhớ các bạn ấy vô cùng. Có cách nào đưa các bạn ấy trở về không hả cô, chú?”. Nghe đến đây, bạn nữ phóng viên đi cùng chúng tôi mắt đã đỏ hoe, phải bước nhanh ra khỏi lớp.

Tuy nhiên, sự việc tự tử tập thể không phải bây giờ mới có. Từ  năm 2005 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tự tử tập thể lẫn cá nhân mà nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi mới lớn.

Nguyễn Ngọc Hà học sinh lớp 7A Trường THCS Cao Xanh - TP Hạ Long quyên sinh vào ngày 25/3/2005. Nguyên do là mẹ Hà không đến gặp giáo viên chủ nhiệm lớp vì khuyết điểm của em đã gây mất trật tự trong giờ học. Vẫn ở TP Hạ Long, ngày 27/4/2005, Nguyễn Phương Nam, SN 1989, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vũ Văn Hiếu đã tự vẫn. Rồi những vụ em Lê Thu Thủy (SN 1984) ở Hà Tĩnh, thí sinh đang ôn thi đại học đã ra cầu Bến Thủy quyên sinh; em Trần Duy Hùng, SN 1987, học sinh lớp Toán 2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã tự vẫn chỉ do điểm thi đại học quá thấp...

Có thể nhận thấy đa phần những vụ học sinh tự tử đều bắt nguồn từ  những nguyên nhân “không đâu vào đâu” hết sức dại dột mà người lớn “không thể nào tin nổi”. Nào là do sợ cha mẹ, cô giáo trách phạt, do học lực yếu, gia đình không tôn trọng v.v... Sự thiếu tâm lý, thiếu sự quan tâm sẻ chia và uốn nắn của những ông bố bà mẹ có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Không chỉ có một cá nhân mà nhiều khi các em còn đưa cả người yêu, bạn bè vào những kế hoạch như thế.     

Có thể kể ra đây vụ Đ.T.T.T. (SN 1990) ở quận Long Biên, Hà Nội và bạn trai là Đ.X.T. (SN 1991) đã tự vẫn tại gia đình. Nguyên do chỉ vì gia đình ngăn cản yêu đương quá sớm, chểnh mảng việc học hành.

Nghiêm trọng hơn là vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh lớp 7A, Trường THCS Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 16/2/2006 tại khu vực trạm bơm Cổ Nhuế. Trong lớp các em là nhóm bạn chơi rất thân với nhau. Nguyên nhân là do học kỳ I năm học 2005-2006, một số bạn trong nhóm có kết quả học tập kém, bị gia đình trách móc, làm các em rất chán nản. Các em đã tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ. Rất may, một số bạn bè của các em và người dân địa phương phát hiện, đưa cả 5 em vào Bệnh viện E cấp cứu.

Trước đó, ngày 7/10/2005, sợ bị  mắng, 3 học sinh 12 tuổi, Trường THCS thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre) uống thuốc ngủ, được nhà trường cùng gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. 3 em này bị giáo viên chủ nhiệm yêu cầu làm bản tự kiểm điểm về kết quả học tập không tốt và buộc phải đưa cho phụ huynh ký tên. Vì suy nghĩ không chín chắn và dại dột, các em không dám mang về cho bố mẹ xem nên rủ nhau tự tử.

Vốn lứa tuổi ô mai là lứa tuổi rất nhạy cảm với những tác động có liên quan về mặt đạo đức, phẩm giá. Nhiều khi chỉ một câu nói tưởng như vô tình nhưng các em lại cho đó là những lời xúc phạm. Bên cạnh đó, tâm sinh lý của các em thường không ổn định và rất dễ bị tổn thương. Nếu các bậc phụ huynh không nắm bắt tâm lý trẻ để kịp thời định hướng, uốn nắn những tâm tư, tình cảm của lứa tuổi này và không kịp thời động viên chia sẻ thì rất có thể sẽ nảy sinh tư tưởng sai lệch, thậm chí cực đoan. Cũng trong lứa tuổi này, việc các em kết thân với nhau thành một nhóm cũng là điều dễ hiểu, song sự nông nổi, bồng bột và tâm lý “nửa trẻ con, nửa người lớn” rất có thể dẫn đến những kết cục không ai mong muốn để thể hiện “tình bạn”
Minh Tiến
.
.
.