Cần một kết thúc có hậu cho người phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc

Thứ Năm, 07/08/2008, 22:31

Ở Can Lộc, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Thế Chương từng được coi là “dũng sĩ số 2” sau Vương Đình Nhỏ về rà phá bom, mìn. Giờ đây, người “dũng sĩ” ấy nằm co ro gần như bất động với một bàn chân sưng tấy trên giường. Mấy chục năm đã qua, mang trong mình di chứng của chiến tranh nhưng ông Chương chưa được hưởng chế độ đãi ngộ nào.

Để làm một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, có những người đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại mảnh đất này, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong bất tử. Có những người đã may mắn lành lặn trở về. Và cũng có những người phải mang trên mình những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần và sự éo le đầy thương cảm.

"Dũng sỹ" phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc năm xưa

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Chương ở xã Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh vào những ngày cuối tháng 7. Nắng hầm hập tới hơn 38 độ nên dù đứng trong nhà ông Chương mồ hôi chúng tôi vẫn vã ra. Một căn nhà nhỏ trống huơ, trống hoác chẳng có tài sản gì đáng giá.

Ông Chương - người được đồng đội và bà con ở vùng Thượng Lộc xem là "dũng sỹ số 2" sau Vương Đình Nhỏ về rà phá bom, mìn đang nằm co ro gần như bất động, với một bàn chân bị thương sưng tấy trên giường.

Có lẽ, nếu như không có những tài liệu đã ngả màu thời gian mà người thân còn lưu giữ được - trong đó có bút tích của nguyên Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách đảm bảo giao thông Hà Tĩnh trong những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70 thì câu chuyện về người chiến sỹ phá bom năm xưa sẽ thật khó khăn. Bởi đối với người đàn ông đang ngồi trước mắt chúng tôi, ký ức chỉ là những vệt sương khói thật xa mờ. Phải vất vả lắm người nhà mới giúp ông ngồi dậy để nhận món quà 2 triệu đồng của Báo CAND trao tặng.

Chỉ cần nhắc đến tên ông Nguyễn Thế Chương người dân trong vùng hầu như ai cũng biết. Với việc đã vô hiệu hóa hàng trăm quả bom, mìn ông đã hai lần được vinh dự tặng thưởng Huân chương Chiến công và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Năm 1963 lúc vừa bước sang tuổi 16, Nguyễn Thế Chương được nhận vào làm công nhân hạt 4, thuộc Phòng giao thông huyện Can Lộc. Không lâu sau anh được cấp trên cử đi học lớp rà phá bom, mìn nổ chậm của Ty Giao thông Hà Tĩnh tổ chức. Lớp học này có một "thầy giáo" nổi tiếng đó là dũng sỹ phá bom Vương Đình Nhỏ. Chính "thầy Nhỏ" là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm rà phá bom, mìn cho Nguyễn Thế Chương.

Sau khóa học, anh được điều về Đội rà phá bom, mìn tại bến đò Hạ Vàng thuộc xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới vào giữa năm 1966, anh lại được điều về Ngã ba Đồng Lộc - đây cũng là thời điểm chiến tranh đi vào giai đoạn ác liệt nhất trên toàn miền Bắc, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh Khu 4 cũ.

Ngã ba Đồng Lộc thời điểm ấy đã trở thành "tọa độ lửa", ngày đêm bị bom đạn kẻ thù cày xới. Nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt căng thẳng và thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy rình rập, nhưng được làm việc bên người thầy là Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Thế Chương rất vững tâm và không nề hà bất cứ việc gì.

Chỉ tính riêng tại Ngã ba Đồng Lộc, anh và đồng đội đã vô hiệu hóa thành công hàng ngàn quả bon, mìn, góp phần thông xe ra tiền tuyến... Năm 1974, Nguyễn Thế Chương được cử đi học lái máy ủi để tiếp tục và nhận nhiệm vụ tại công trường Hữu Nghị đường Tám Việt - Lào ở Bô Ly Khăm Xay.

Tuy nhiên, thời điểm này do quá căng thẳng vì phải thường xuyên đối mặt với tử thần trong nhiều năm lăn lộn rà phá bom mìn, nên sau chiến tranh tai ông Chương bị điếc. Đặc biệt sức khỏe giảm hẳn và dần dần có dấu hiệu thần kinh không ổn định... Năm 1978, trong lúc đang lái máy ủi ông đã bỏ cơ quan, gia đình đi lang thang và bắt đầu một đoạn đường đầy éo le, nghiệt ngã.

Cần một kết thúc có hậu cho ông Nguyễn Thế Chương

Mòn mỏi chờ chồng, chờ cha trong vô vọng, bà Võ Thị Xuân vợ ông cùng hai con gái đã rời quê theo dòng người di cư tự do vào Tây Nguyên làm ăn sinh sống. Vợ con ông đâu ngờ rằng sau nhiều năm biệt tăm không tin tức, năm 2004 gia đình và người dân Thượng Lộc bất ngờ khi thấy ông được đưa trở về quê trên một chiếc xe của Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị.

Hóa ra thời điểm đó, tỉnh Quảng Trị có chủ trương thu gom tất cả những người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn mang trả về quê hương bản quán. Ông Chương là một trong số những đối tượng đó.

Không chỉ trở về một mình mà khi tỉnh Quảng Trị trả ông Chương về quê còn "kèm theo" một người phụ nữ lạ hoắc cùng 3 đứa con, một trai, hai gái. Đó là kết quả của mối tình cùng cảnh ngộ trong những năm tháng ông Chương lang thang kiếm sống và gặp người phụ nữ ấy. Bà là Nguyễn Thị Nguyện, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa.

Trong câu chuyện với chúng tôi tại UBND xã, ông Nguyễn Viết Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: Ngay sau khi trở về quê hương, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cấp cho ông 300m2 đất để làm chỗ nương thân. Hai tháng sau, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật quản lý bay, Sân bay Gia Lâm, Hà Nội và chính quyền địa phương, bà con chòm xóm cũng đã đóng góp tiền, vật liệu xây dựng cho gia đình ông một ngôi nhà tình thương. Tuy nhiên người vợ ốm yếu, ba đứa con đều không biết chữ còn ông Chương thì thỉnh thoảng lại lên cơn, đi lang thang.

Khi chúng tôi hỏi ông Nguyễn Thế Lương, người em ruột của ông Chương vì sao không làm thủ tục đề nghị  giải quyết để ông Chương được hưởng chế độ thì được biết: Vào năm 1997, ông Chương có về quê một lần. Thời điểm đó gia đình đã trực tiếp gặp nhiều đồng đội, đồng chí công tác cùng ông Chương và tất cả đều chứng nhận quá trình công tác cũng như sự dũng cảm, thành tích xuất sắc của người đội phó phá bom Nguyễn Thế Chương.

Sau khi làm thủ tục gia đình đã nộp hồ sơ cho Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh và yên tâm... chờ đợi. Thật không may sau một thời gian mỏi mòn chờ đợi, cũng là thời điểm đường dây làm thương binh giả ở tỉnh Hà Tĩnh bị phát hiện, làm rõ. "Thương binh giả đả thương binh thật". Sau vụ việc đó cho đến nay chẳng thấy ai đoái hoài gì đến bộ hồ sơ của ông Chương nữa.

Trong số những tài liệu, hồ sơ mà gia đình đã thu thập được, có một tài liệu rất có giá trị như chúng tôi đề cập ở trên. Đó là chứng nhận của ông Trần Quang Đạt, Nguyên Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách đảm bảo an toàn giao thông Hà Tĩnh trong những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70 (hiện nay ông Đạt đã mất).

Ông Đạt đã viết một lá thư đề ngày 18/4/1998 gửi  các ban, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có đoạn: "Đề nghị các đồng chí xem xét, nhanh chóng giải quyết chế độ cho anh Chương để đỡ khó khăn cho gia đình, vợ con và xứng đáng với người có công, đừng để kéo dài sự thiệt thòi".

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các ngành các cấp đã dành nhiều sự chăm lo cho công tác đền ơn, đáp nghĩa. Chính vì vậy, việc tìm một kết thúc có hậu cho "dũng sỹ" phá bom Nguyễn Thế Chương - người đã góp sức mình làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại không chỉ là lương tâm, mà còn là trách nhiệm đối với những người đã xả thân vì Tổ quốc

Xuân Luận - Xuân Báu
.
.
.