Cần một cái "phanh" cho nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn điện thoại di động

Thứ Ba, 21/03/2006, 13:10

"Tự làm, tự quản lý" là thực trạng đáng báo động trên lĩnh vực dịch vụ nhắn tin ĐTDĐ. Do vậy các nhà cung cấp dịch vụ liên tục đưa ra nhiều dạng tin nhắn để thu hút khách, kể cả tin thiếu lành mạnh, đi ngược với văn hóa dân tộc mà không phải nhận một sự điều chỉnh nào.

Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC với một loạt thương hiệu đã trở nên quen thuộc trên thị trường như Darlink, Alofun, Netmode, LuckyWin…. Công ty Quang Minh DEC, VDC với dịch vụ MyMobile, FPT sắp trình làng dịch vụ nhạc chuông, một số tờ báo cũng đang tiến hành mua một vài đầu số 1900 để đưa ra các dịch vụ và trò chơi.

Đó là những nhà cung cấp dịch vụ nội dung (tin nhắn tải nhạc chuông, hình ảnh, trò chơi…) mới phát triển và được giới trẻ liên tục cập nhật. Nắm bắt nhu cầu thị trường Việt Nam, một số đối tác nước ngoài như Shabox, Yahoo hay MSN đang khảo sát thị trường nước ta để có kế hoạch đầu tư khai thác.

Ông Đàm Đức Anh, Giám đốc Trung tâm e-CHIP Mobile, người phát ngôn Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC cho biết, ngày 1/1/2004, VASC chính thức cung cấp dịch vụ thông tin giải trí thương mại trên mạng viễn thông và hiện là nhà cung cấp dẫn đầu thị trường này với 45% thị phần. Hiện nay, trên mạng Vinaphone cũng có tới 10 doanh nghiệp hợp tác cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng.

Theo thông tin của chúng tôi, Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ quản lý các dịch vụ cơ bản như điện thoại cố định, ĐTDĐ, Internet… còn những dịch vụ giá trị gia tăng khác lại do các doanh nghiệp viễn thông quản lý. Để được cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông phải ký hợp đồng với các nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ như Vinaphone, MobiFone…

Ông Phạm Quang Hảo, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ viễn thông (Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) cho biết: "Tại Việt Nam, mô hình này chính thức được VNPT áp dụng từ tháng 9/2005. Theo cơ chế VNPT và theo hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp nội dung thì VNPT/Vinaphone chỉ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và đường kết nối cho các đơn vị  kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin, chịu trách nhiệm tính cước và chi trả phí nội dung… Việc phát triển nội dung, tổ chức kinh doanh - quảng cáo là do các doanh nghiệp cung cấp nội dung chịu trách nhiệm và chịu chi phí". Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung tự làm, tự quản lý!

Những nội dung tin nhắn đều không phải kiểm duyệt khi đến với khách hàng.

Khi được hỏi về những nội dung tin nhắn gây phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, ông Hảo khẳng định: "Đối với đối tác cung cấp nội dung, trong trường hợp vi phạm quy định pháp luật, chúng tôi có thể chấm dứt hợp đồng". Tuy nhiên, bất cập cũng xảy ra tại đây khi ông Đàm Đức Anh công nhận, hiện chưa có quy định cụ thể về giấy phép xuất bản (phát hành) nội dung cho ĐTDĐ. Bởi vậy, nội dung cho ĐTDĐ được hiểu là một dịch vụ thông tin và giải trí hướng đến số đông người tiêu dùng, được coi như một dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ add-on) đối với các loại hình thông tin điện tử hiện có.

Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin cũng cho rằng, đây là một lĩnh vực mới nên các nhà quản lý vẫn cảm thấy lúng túng khi xem xét, giám sát việc này. Việc cấp phép hoạt động cho các nhà cung cấp là của Bộ Bưu chính Viễn thông nhưng việc kiểm duyệt nội dung lại thuộc về ngành Văn hóa. Hiện tại, chưa có một văn bản quy định trách nhiệm quản lý lĩnh vực này một cách rõ ràng để tránh bị chồng chéo.

Sắp tới, Bộ Văn hóa - Thông tin sẽ chủ động đề xuất và làm việc với những bên có liên quan để từng bước khắc phục tình trạng những tin nhắn phản cảm, thiếu văn hóa và ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người dân Việt Nam. Ông Đàm Đức Anh cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn có những quy định cụ thể về pháp lý đối với nội dung cho ĐTDĐ. Có thế, loại hình này mới phát triển đúng hướng, chuyên nghiệp và được đón nhận đúng mục đích và vai trò tích cực đối với xã hội.

Thực tế hiện nay, khi kinh doanh, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã lợi dụng kẽ hở này để vô tư đưa ra những nội dung thu hút khách mà không quan tâm đến việc nó ảnh hưởng ra sao đối với xã hội. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực liên lạc, tìm gặp cơ quan quản lý, cấp phép cho loại hình dịch vụ này là Vụ Viễn thông (Bộ Bưu chính Viễn thông) nhưng đều bị từ chối. Có vẻ như cơ quan quản lý đang né tránh vấn đề nhạy cảm này

Việt Hà - Hồng Hạnh
.
.
.