Sau sự cố tàu Mỹ Đình:

Cần lập trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phía Bắc

Thứ Năm, 13/01/2005, 10:09
Sự cố tàu Mỹ Đình đâm phải đá ngầm gần đảo Cát Bà 6 ngày 20/12/2004 vẫn đang trong quá trình khắc phục. Sự chậm trễ này một phần do khu vực miền Bắc chưa có trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu.

Trong sự cố này, nếu vỡ két dầu trong tàu Mỹ Đình thì hậu quả xảy ra sẽ vô cùng nghiêm trọng. Hiện quanh đảo Cát Bà có hơn 2.000 lồng bè nuôi thủy sản được đầu tư mỗi lồng từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, mỗi năm cho sản lượng trên dưới 1.000 tấn cá.

Điều khiến mọi người lo lắng hơn, đó là về những giá trị khó có thể tính ra được bằng tiền. Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là nơi bảo tồn các nguồn gen động, thực vật. Ngoài ra Cát Bà còn mang chức năng một trung tâm du lịch cấp quốc gia.

Nếu sự cố tràn dầu xảy ra thì hẳn không chỉ riêng Cát Bà gánh chịu hậu quả mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ vùng biển Đồ Sơn, Hạ Long v.v…

Lúng túng trong giải quyết

Ngay khi nhận được thông tin về sự cố của tàu Mỹ Đình, song song với việc cấp báo đến Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và UBND thành phố Hải Phòng, Cảng vụ Hải Phòng đã huy động mọi phương tiện, thiết bị hiện có để ứng cứu tàu Mỹ Đình.

Trưa 20/12/2004, tàu Thanh Trung 09 chở 900 mét phao quây đã rời vị trí neo đậu trong vịnh Lan Hạ (Cát Bà) đến hiện trường. Tiếc rằng đây là phao cỡ nhỏ, chỉ có thể ngăn chặn dầu loang trên sông khi gió nhẹ (dưới cấp 2).

Tuy nhiên, khi trong khoang tàu vẫn còn 200 tấn dầu thì nguy cơ tràn dầu vẫn luôn hiện hữu, rất có thể đáy tàu sẽ bị vỡ thêm và bị vỡ két dầu. Chính vì điều lo ngại này nên ngay trưa 21/12, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thống nhất với lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu chủ tàu phải hút hết dầu ra khỏi tàu trước khi tổ chức trục vớt. Tuy nhiên, mệnh lệnh này không được chủ tàu chấp hành.

Theo đề xuất của Cảng vụ, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ định Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ (VISAL) - doanh nghiệp có trụ sở tại Tp.HCM (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) tổ chức việc hút dầu.

Trong khi chờ đợi, dầu từ tàu Mỹ Đình vẫn tiếp tục loang ra, trong đó có cả dầu màu đen mà theo Đại tá Võ Hà Trung, cán bộ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thì đó là dầu trong két rò rỉ ra chứ không phải là dầu từ buồng máy.

Thực tế, đến 27/12/2004, chính quyền huyện Cát Hải đã huy động ngư dân đến "múc" được khoảng 3.000 lít dầu loang. Theo đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu tàu Sông Thu (thuộc Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung) chở 1.000 mét phao quây dầu trên biển từ Đà Nẵng ra Hải Phòng ứng cứu, nhưng mãi tới 9h sáng 28/12/2004, tàu mới tới hiện trường.

Khi có phao lớn thì lại một vấn đề đặt ra: Không có tàu chuyên dụng và nhân viên chuyên môn cho việc thả phao!

Ngày 3/1/2005, Văn phòng Chính phủ chính thức giao cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - chủ tàu Mỹ Đình) nhanh chóng tiến hành trục vớt và đưa tàu Mỹ Đình về nơi an toàn. Như vậy, mệnh lệnh mới là trục vớt ngay, trước khi hút hết dầu!

Đến lúc này, VISAL đã khoan được 3 hầm tàu, hút được gần 40 tấn dầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VISAL băn khoăn: Đơn vị của ông đã phải chi phí trên dưới 600 triệu đồng, rồi đây sẽ thanh toán thế nào? Phía Công ty Nam Triệu đã trình Cảng vụ Hải Phòng phương án trục vớt tàu Mỹ Đình làm 3 giai đoạn với thời gian là 20 ngày kể từ ngày 4/1/2005.

Bài học từ sự cố Mỹ Đình

Sự cố Mỹ Đình đã cho thấy rõ một điều rằng, công tác ứng phó sự cố tràn dầu ở khu vực phía Bắc còn bất cập. Đó là thiếu một cơ quan chuyên trách vừa có đủ thẩm quyền vừa có đủ chuyên môn để đưa ra những quyết định chính xác và tổ chức thực hiện quyết định đó một cách quyết đoán, mau lẹ trong những tình huống cấp bách như sự cố tràn dầu.

Theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 29/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ thì ở mỗi khu vực (Bắc, Trung, Nam) sẽ tổ chức một trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, hoạt động theo quy chế của doanh nghiệp công ích Nhà nước, có lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt bảo đảm đủ điều kiện sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu từ 100 tấn trở lên trong khu vực được phân công.

Thi hành quyết định này, hai trung tâm khu vực miền Trung (đóng tại Đà Nẵng) và miền Nam (đóng tại Vũng Tàu) đã được thành lập và đi vào hoạt động; duy chỉ còn Trung tâm khu vực miền Bắc thì đến nay vẫn chưa có

Duyên Hải
.
.
.