Cận cảnh Tam Giác Vàng (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 04/04/2009, 19:34
Từ năm 2002 cho tới nay, mafia Trung Quốc đã cơ bản thâu tóm toàn bộ thị trường ma túy ở khu vực Tam Giác Vàng. Mafia Trung Quốc nổi tiếng về sự liều lĩnh và có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật thép. Hơn nữa, ở Trung Quốc số con nghiện cũng đã lên trên 1 triệu. Như vậy, để cung cấp thuốc cho số này hít mỗi ngày 2 liều thì phải là con số khổng lồ. Đó là chưa kể đến nạn sử dụng thuốc lắc trong giới trẻ. Tại Thái Lan và Lào, khoảng 10% thanh niên khi vào vũ trường nhảy nhót là "cắn thuốc".

Hồi vụ án Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh sắp được đưa ra xét xử, một lần tôi hỏi Xiêng Phênh: “Anh đã đi sang Tam Giác Vàng lần nào chưa?”. Xiêng Phiêng gật đầu: “Thưa cán bộ, đã sang vài lần”. Tôi lại hỏi: “Anh có mua ma túy ở đấy mang về không?”. Xiêng Phênh lắc đầu "Không, chỉ sang đặt hàng thôi, sau có người mang heroin bột tới nhà và tôi mua máy về ép thành bánh". Rồi Phênh thốt lên: "Ma túy bán nhiều lắm... nhiều như rau ngoài chợ ấy!". Nghe Phênh nói thế, tôi cũng chả tin vì cho là anh ta ngoa ngôn. Nhưng vừa rồi đi sang Tam Giác Vàng thì tôi mới thấy hóa ra ma túy vẫn được bán khá là... "dễ thấy".

Kỳ 6: Những cuộc chiến ở Tam Giác Vàng

Số là khi đi vào thành phố Tachilek của Myanmar, tôi cứ thấy ở một vài ngõ nhỏ, có người đàn ông cầm trên tay chiếc cân tiểu ly giơ lên như mời mua. Lúc đầu tôi không để ý, nhưng rồi thấy thêm hai người nữa cũng "bán cân" thì tôi ngạc nhiên và hỏi Kha, người phiên dịch: "Họ làm gì thế?". Kha cười và nói với vẻ quan trọng: "Họ mời anh mua ma túy đấy". Nghe nói thế, tôi tò mò: "Mình có mua được không?". Kha lắc đầu: "Không dễ đâu. Nếu họ bán công khai, cảnh sát bắt hết rồi".

Người bán cân tiểu li nhưng thực chất là bán ma tuý.

Thế rồi hỏi kỹ ra mới biết cách họ bán ma túy cũng rất đơn giản, nhưng lại rất "bí mật". Người cầm chiếc cân tiểu ly đấy mời chào chỉ nhằm thông báo là ở đây có bán ma túy, gồm thuốc phiện, heroin; các loại thuốc kích thích thần kinh như ecstacy, amphetamin và cả các loại thuốc kích dục... Nhưng nếu muốn mua, hoặc phải là quen mặt, hoặc phải có người bảo lãnh... Còn nếu là người lạ thì họ chỉ bán cho thuốc kích dục hoặc vài ba viên thuốc lắc.

Trong trường hợp ấy, cảnh sát nếu có vồ được thì cũng chỉ tặng cho người bán một cái bợp tai, thế là xong, vì ở Myanmar chả có luật nào bắt người bán vài viên thuốc lắc. Còn nếu muốn mua thuốc phiện hay heroin sẽ rắc rối hơn nhiều, và tất nhiên, kẻ bán có đủ thủ đoạn để xác minh chân tướng người mua. Và khi đã phát hiện ra người mua là cơ sở bí mật của cảnh sát hoặc cảnh sát giả danh thì hậu quả thật khôn lường... và thường là "lặn không sủi tăm". Một đặc điểm nữa là việc tổ chức đường dây buôn bán ma túy ở vùng Tam Giác Vàng chủ yếu do người Hoa, người Wa đảm nhiệm. Còn người vận chuyển lại chủ yếu là người Mông.

Cảnh sát Myanmar mặc dù trong gần chục năm qua đã tổ chức hàng chục đợt truy quét ở vùng Tam Giác Vàng nhưng hầu hết chỉ vồ được bọn vận chuyển nhỏ lẻ, còn đám cộm cán thì chưa bắt giữ được tên nào.

Trong khoảng 8 năm qua, Chính phủ Myanmar đã có những cố gắng phi thường về xóa bỏ cây thuốc phiện và nạn buôn bán, tàng trữ vận chuyển ma túy. Năm 2001, diện tích trồng thuốc phiện là 105.000ha và sản lượng thuốc đã sơ chế là 1.097 tấn, đến năm 2006 còn 21.500ha và sản lượng còn 315 tấn. Nhưng do "ngủ quên" trên chiến thắng chỉ vài tháng, thế là diện tích trồng thuốc phiện của năm 2007 lại tăng lên 27.700ha và sản lượng là 460 tấn (theo báo cáo thống kê từ các cuộc điều tra hỗn hợp giữa Myanmar và Mỹ).

Có thể khẳng định trong lịch sử phát triển của loài người, hiếm có cuộc chiến tranh nào lại dai dẳng như cuộc chiến chống ma túy. Và tại Tam Giác Vàng cũng vậy. Suốt từ năm 1950, từ khi tàn quân Tưởng Giới Thạch chạy sang Myanmar cho đến ngày hôm nay. Khu vực Tam Giác Vàng chưa một ngày ngơi tiếng súng.

Vào những năm của thập niên 50, vùng đất này là nơi tranh giành lãnh thổ và ảnh hưởng của các nhóm tàn quân Quốc dân đảng và bộ tộc người Shan, người Wa, người Mông. Rồi tiếp đến là cuộc chiến của Chính phủ Myanmar, Thái Lan và Lào với Khun Sa... Khi Khun Sa ra đầu hàng, những tưởng từ nay vùng Tam Giác Vàng sẽ sạch bóng ma túy, nhưng chưa hết. Các băng nhóm buôn bán ma túy bây giờ thay đổi thủ đoạn cất giữ, vận chuyển và phương thức đối phó với cảnh sát ngày càng tinh vi, xảo quyệt và tàn bạo hơn.

Từ năm 2002 cho tới nay, mafia Trung Quốc đã cơ bản thâu tóm toàn bộ thị trường ma túy ở khu vực Tam Giác Vàng. Mafia Trung Quốc  nổi tiếng về sự liều lĩnh và có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật thép. Hơn nữa, ở Trung Quốc số con nghiện cũng đã lên trên 1 triệu. Như vậy, để cung cấp thuốc cho số này hít mỗi ngày 2 liều thì phải là con số khổng lồ. Đó là chưa kể đến nạn sử dụng thuốc lắc trong giới trẻ. Tại Thái Lan và Lào, khoảng 10% thanh niên khi vào vũ trường nhảy nhót là "cắn thuốc". Sản lượng ma túy ngày một ít, số người nghiện ngày một tăng, vì vậy lợi nhuận thu được từ buôn bán ma túy ngày một lớn.

Một viên thuốc lắc (viên chúa) mua ở tỉnh Bò Kẹo (Lào) chỉ khoảng 40 ngàn đồng Việt Nam. Nhưng khi về đến Điện Biên, Sơn La, viên thuốc đó đã lên 400 ngàn và về tới "tay người dùng" ở Hà Nội, viên thuốc sẽ là từ 700-900 ngàn. Heroin cũng vậy, một bánh heroin loại con sư tử, mua ở Bò Kẹo khoảng gần 2.000 USD, nhưng khi mang về tới Việt Nam là khoảng 18.000 đến 20.000 USD, còn nếu sang được Hồng Công, Australia thì có khi lên tới cả trăm ngàn. Chính vì lẽ đó mà tội phạm buôn bán ma túy chỉ có thể từ bỏ con đường này khi phải ra... dựa cột.

Tôi đã chứng kiến buổi  thi hành án tử hình 7 đối tượng trong vụ án Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh. Và khi nhìn thấy 7 tử tội được trói vào cọc tôi tin chắc rằng, bản án nghiêm khắc này sẽ có tác dụng to lớn ngăn chặn việc buôn bán ma túy. Nhưng sự thật lại là chuyện khác, nạn buôn bán ma túy ở Việt Nam giảm không đáng kể và các vụ án được khám phá sau này nhiều vụ có quy mô còn lớn hơn vụ Nguyễn Xuân Trường.

Cuộc chiến chống ma túy của nhân loại không biết đến khi nào mới chấm dứt? Chắc chắn còn lâu... lâu lắm và sẽ ngày càng quyết liệt hơn mà thôi. Tại khu Tam Giác Vàng có một bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới, đó là bảo tàng ma túy (Hall of Opiam), nằm gần bãi bồi Tam Giác Vàng.

Bảo tàng ma tuý.

Bảo tàng nằm trong khuôn viên rộng chừng 20 ha và có 3 tầng. Trong bảo tàng, cấm ngặt việc sử dụng máy quay phim, máy ảnh... (Mà chẳng hiểu tại sao lại phải cấm cơ chứ. Có cái gì bí mật ở đây đâu!). Khi chúng tôi vào, cũng nhờ anh phiên dịch tên Kha "biết nói chuyện" cho nên nhân viên bảo vệ cho mang máy ảnh du lịch vào.

Để vào phòng trưng bày Trung tâm, người xem phải đi qua một đường hầm dài hơn 200 mét trong ánh sáng chỗ thì đỏ đục, chỗ thì xanh lét, và hai bên vách hầm là phù điêu những hình người gầy guộc, nhe răng, thè lưỡi, mắt trố, bụng ỏng, đít beo... Rồi thì đầu rơi, máu chảy, nom thật gớm ghiếc. Con đường hầm này dẫn người ta vào bảo tàng mà cứ như dẫn xuống địa ngục. Cũng phải thôi, ma túy là địa ngục mà, ai đã sa vào nghiện hút thì 10 người may ra có 1 thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Tại đây người xem sẽ thấy được toàn bộ lịch sử phát triển của loài cây anh túc (thuốc phiện). Khởi đầu của nó là có bác sĩ dùng nó làm thuốc giảm đau. Vào thế kỷ XVII, người ta đã pha thuốc phiện với cà phê, vào các loại bánh ngọt, các loại kẹo rồi coi thuốc phiện như là thú chơi "tao nhã"... Người dám thẳng tay trừng trị tội buôn bán ma túy và nghiện hút ở Trung Quốc ngày đó là Vua Đạo Quang. Việc ngăn cản này đã làm nước Anh - một quốc gia buôn bán ma túy lớn nhất thời đó không chịu được, vậy là cuộc chiến tranh nha phiến Trung - Anh nổ ra.

Tại bảo tàng này có hai hình sáp của Vua Đạo Quang và Nữ hoàng Victoria... đồng thời lược kể lại cuộc chiến tranh nha phiến giữa Trung Quốc và 8 nước đế quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Italia, Áo và Nhật Bản. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã thua trận, 8 nước đế quốc xông vào xâu xé Trung Hoa lục địa, tuy nhiên người Trung Quốc không thể nào quên hình ảnh Lâm Tắc Từ đã cho đốt 1,2 triệu lạng thuốc phiện tại Hổ Môn ngày 3/6/1836 và cháy 20 ngày mới tắt.

Trong bảo tàng có trưng bày đầy đủ các dụng cụ thu nhựa thuốc phiện;  lò cô thuốc vẫn "nghi ngút khói"; rồi các loại bàn đèn hút thuốc phiện, dụng cụ tiêm chích... Rồi bảo tàng trưng bày các phương thức cất giấu vận chuyển ma túy mà người xem không khỏi ớn lạnh sống lưng khi thấy hơn 1 kg được đựng  trong 70 chiếc bao cao su và được một gã tên là Heng nuốt vào trên đường bay bay từ Thái Lan đi Hồng Công. Rủi cho gã là một chiếc bao bị vỡ thế là hắn nhiễm độc ma túy. Khi mổ  bụng hắn ra, cảnh sát sững sờ vì đống ma túy lớn này...

Hậu quả của ma túy để lại cho nhân loại cũng thật khôn lường. Tại đây có một căn hầm, dưới đó có những người sáp đang rên rỉ, co quắp lại vì lên cơn nghiện. Rồi những hình cha cầm dao giết con khi lên cơn nghiện; con đánh đập cha mẹ khi không có tiền hút, chích... Bảo tàng có nhiều gian chiếu phim. Và kể cả khách, dù chỉ 1 người, máy chiếu cũng tự động bật. Họ chiếu các phim về cuộc chiến chống ma túy ở Tam Giác Vàng; phim về tác lại của ma túy... Quả thật, có đến đây mới thấy khâm phục cách làm du lịch của người Thái. Từ một địa danh "cái chết trắng", họ đã biến thành một nơi hái ra tiền từ du khách... Cách làm này của họ thật đáng học tập.

* * *

Tôi trở về Công an tỉnh Bò Kẹo và được biết tại huyện Mâng, cuộc chiến đấu của công an tỉnh với một số kẻ buôn bán ma túy từ bên Myanmar chạy sang đã có kết quả tốt. Trong cuộc chiến  này, anh em công an chưa phải nổ một phát súng, nhưng bằng công tác vận động quần chúng, các địa phương đã cô lập được bọn chúng và  5 tên đã ra đầu thú... Một số tên phải chạy về bên kia biên giới.

Cho đến nay, bài học về sự nổi loạn của bọn buôn bán ma túy vào những năm 2005-2006 vẫn còn nóng hổi. Ngày ấy, cũng do bị đánh mạnh ở Myanmar, bọn buôn bán ma túy chạy sang đất Lào và cùng với những "khôn bò di" (người xấu) ở một số tỉnh  như Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, tổ chức thành những nhóm vũ trang và đi cướp. Mà bọn này, ngoài súng đạn ra, chúng  còn được trang bị điện thoại cầm tay liên lạc qua vệ tinh. Đã có vụ chúng cả gan tấn công vào doanh trại một đơn vị bộ đội bắn chết 11 chiến sĩ.

Ngày ấy, xe khách, xe vận tải hầu như không dám đi đêm qua các khu vực quanh ngã ba Sala Phukhun. Lực lượng an ninh Lào đã phải mất rất nhiều công sức mới triệt phá được các nhóm phỉ này. Từ năm 2007 trở lại đây, không còn vụ cướp nào xảy ra trên đường. Cho nên lần này, áp dụng chiến thuật "tiên hạ thủ vi cường", Công an Lào ra tay trấn áp ngay.

Không hiểu cuộc chiến đấu với ma túy ở vùng Tam Giác Vàng này bao giờ mới chấm dứt... 5 năm nữa, hay vài chục năm...? Có trời mà biết. Nhưng từ thực  tế chuyến đi này, tôi thấy rõ một điều, đã đến lúc chúng ta (Việt Nam), phải coi nghiện hút là tội phạm hình sự, và có những hình phạt xứng đáng.

Mô hình lò nấu thuốc phiện tại Bảo tàng ma tuý.

Thời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng (1820-1841) đã phải đưa ra luật trừng phạt rất nặng việc trồng thuốc phiện và buôn bán, nghiện hút. Kẻ nào nghiện, phải đi đày 3 năm.  Người nhà không biết dạy nhau, để người  nghiện ngập, thì người thân cũng bị phạt. Con nghiện, cha bị đánh đòn 100 trượng... Xem lại cách chúng ta chống nạn nghiện hút hiện nay thì rõ ràng là còn hữu khuynh.

Hãy thống kê ra, xem một năm, những vụ án do người nghiện gây ra là bao nhiêu? Hãy thống kê một cách sòng phẳng, minh bạch đừng che giấu rằng cứ 100 con nghiện, thì cai nghiện thành công được mấy người? Và một năm, chúng ta phải đổ bao nhiêu tiền cho việc tuyên truyền, vận động, khám chữa bệnh cho người nghiện!!!

N.N.P.
.
.
.