Cán bộ, chiến sĩ Công an và mối nguy hiểm từ HIV

Thứ Bảy, 15/01/2005, 09:38

Cán bộ, chiến sĩ Công an vốn thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn nay lại đối mặt với một mối nguy hiểm nữa: nguy cơ phơi nhiễm HIV do bị tội phạm nhiễm HIV chống trả khi bị bắt. Chỉ riêng Công an Hà Nội đã có 45 cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong số đó nhiều người đang phải sống và làm việc trong nỗi phấp phỏng, lo âu bởi tai nạn nghề nghiệp này...

Tôi đã gặp tất cả những cán bộ công an này. Hằng ngày, họ vẫn làm việc bình thường tại các đơn vị công an. Nhưng họ lại đang là những bệnh nhân được Cục Y tế Bộ Công an và các cơ quan y tế chuyên ngành điều trị dự phòng theo phác đồ điều trị cho người bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành công vụ. Họ kể cho tôi nghe chuyện họ đã bị phơi nhiễm HIV như thế nào, kể cả chuyện họ đã phải giấu vợ, giấu con, giấu những người thân  về chuyện này ra sao. Vì thế, chúng tôi không muốn nêu tên thật của những cán bộ, chiến sĩ công an đó trong bài viết này, mong bạn đọc thông cảm.

Thiếu tá L.P.H. là cảnh sát hình sự của công an một phường thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Địa bàn phường này rộng, phức tạp, số con nghiện ma túy đông. Để xóa tụ điểm ma túy, đưa các con nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn đối với một đơn vị công an phường. Nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây rất cố gắng, không ngại khó, ngại khổ.

 

Anh kể rằng, ma túy đã gây ra nhiều thảm cảnh thương tâm trong nhiều gia đình ở địa bàn nơi anh quản lý. Nhiều bà mẹ đã đến tận nơi gặp công an nước mắt lưng tròng: “Các chú làm sao đưa cái thằng con khốn kiếp của tôi đi cai nghiện được thì phúc đức cho nhà tôi quá! Gia đình tôi hết cách với nó rồi!”. Nhưng đưa được một đối tượng đi cai nghiện bắt buộc là chuyện không đơn giản đối với công an phường sở tại. Có đối tượng đã bảo: "Các chú khó lòng mà bắt được cháu. Mặt mũi chú nào cháu cũng biết nên các chú chỉ cần đến cách nhà cháu một cây số là cháu "bùng" ngay!”.

 

“Đối tượng Đ.M.N. thuộc địa bàn tôi quản lý cũng là một trường hợp như vậy - Thiếu tá L.P.H. kể - Khoảng 10 giờ sáng ngày 21/10/2004, nhận được nguồn tin N. đang ở nhà, tôi cùng 3 anh em cảnh sát trong phường đến, nhưng khi chúng tôi mới vào đến đầu ngõ là N. đã nhìn thấy và lẩn mất dạng". Nhưng, chừng một giờ sau, Thiếu tá L.P.H. đi ra dốc đường Bưởi thì đã gặp N. Hắn vừa mới đi chích về, vẫn còn đang phê thuốc. Thế mà chỉ thoáng thấy bóng anh, N. co cẳng chạy. Thiếu tá H. đuổi theo.

 

Qua con dốc, N. bất ngờ lao xuống sông Tô Lịch bơi qua sông hòng chạy thoát. Nhưng Thiếu tá H. cũng bơi qua sông, bám sát đối tượng. Sang đến bờ bên kia, khoảng cách giữa anh và N. đã rất gần. Khi Thiếu tá H. vừa mới giữ được tay đối tượng N. thì bỗng nhiên anh thấy đau nhói nơi lòng bàn tay, máu trào ra thành dòng. Thì ra, trong cơn cùng quẫn N. đã lấy bơm kim tiêm mà y thủ sẵn trong người để đâm Thiếu tá H. Nhận được tin báo, anh em cảnh sát trong phường đã đến hỗ trợ đưa đối tượng N. về công an phường. N. nhiễm HIV đã lâu, điều này cả công an lẫn y tế phường đều biết.

 

Vì thế, lúc đó dù đã quá 12 giờ trưa nhưng Ban chỉ huy Công an phường vẫn cho xe đưa Thiếu tá H tới Cục Y tế Bộ Công an. Tại đây, sau khi xử lý ban đầu vết thương, anh được đưa ngay đến Bệnh viện Đống Đa. Đối tượng N. sau đó cũng được đưa về đây và chính anh đã phải bỏ tiền ra để N. xét nghiệm HIV. Kết quả N. dương tính và anh được xác định đã tiếp xúc với máu có HIV nên được chỉ định điều trị một liều thuốc dự phòng cho người bị phơi nhiễm HIV.

 

Kể từ đó, anh vẫn làm việc bình thường và phải tiếp tục xét nghiệm qua các giai đoạn theo chỉ định y tế. Anh giấu vợ, giấu những người thân về việc này vì anh không muốn những người mà anh yêu quý phải sống trong lo lắng... Tuy nhiên, anh cũng hy vọng rồi rủi ro nghề nghiệp này cũng sẽ qua bởi trên thế giới cho đến nay chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV do phơi nhiễm cả.

Còn Thiếu tá L.N.L ở công an một phường thuộc quận Đống Đa thì lại bị phơi nhiễm HIV trong một trường hợp khác. Trong một lần bắt đối tượng đi cai nghiện ma túy, khi chuẩn bị đưa đối tượng này lên xe thì bất ngờ đối tượng húc đầu vào cửa kính gây chảy máu. Anh đã lấy bông băng lau máu, băng bó vết thương cho đối tượng. Bàn tay anh do bị sây sát từ trước đó nên đã tiếp xúc với máu của đối tượng này. Một ngày sau, thông tin từ Trung tâm cai nghiện cho biết đối tượng này có HIV. Vì thế, Bệnh viện Công an Hà Nội đã chuyển anh tới Bệnh viện Đống Đa để được điều trị thuốc dự phòng cho người phơi nhiễm HIV.

Trên đây mới chỉ là hai trong số nhiều tình huống bị phơi nhiễm HIV khi các chiến sĩ công an buộc phải đối mặt với tội phạm có HIV. Theo Thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - thì trong tình trạng tội phạm có HIV nhiều như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ công an rất có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV khi bị chúng dùng kim tiêm chống lại. Năm 2004, trong tổng số tội phạm đã bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ có tới 4,8% có HIV.

 

Thượng tá Hưng cho biết, khi công an xông vào bắt giữ đối tượng, chúng chủ động chống lại bằng kim tiêm có dính máu hoặc cắn. Thực tế, một cán bộ công an phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã bị tội phạm có HIV tấn công bằng hai cách đó. Hay trong nhà tạm giữ khi tội phạm có HIV tự gây thương tích chảy máu thì việc băng bó vết thương cho chúng không ai khác là các cán bộ quản giáo. Trong những  tình huống như vậy, người quản giáo rất dễ bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc với máu của đối tượng có HIV.

Một cán bộ của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy Công an Hà Nội còn kể lại rằng, một đối tượng ma túy ở gầm cầu Long Biên khi bị các anh bắt giữ, y đã đập đầu  mình cho chảy máu rồi lấy tay xoa vào máu đó và... cào vào mặt, vào cổ, vào tay công an. Cho đến nay, theo thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình ở Cục Y tế Bộ Công an thì Công an Hà Nội đã có tới 45 cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành công vụ, trong đó nhiều nhất là hai quận Đống Đa và Long Biên - mỗi quận có 9 đồng chí bị phơi nhiễm.

Cho đến nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, công an và cán bộ y tế là hai lực lượng bị phơi nhiễm HIV nhiều nhất. Nhưng, trong khi kiến thức về xử lý vết thương do bị phơi nhiễm của các cán bộ y tế được trang bị rất tốt thì lực lượng Công an còn hạn chế vì chưa có thời gian, điều kiện huấn luyện. Hơn thế, khi tiếp xúc với tội phạm, hầu hết anh em công an đều không biết tội phạm đó có bị nhiễm HIV hay không. Mà ngay cả có biết thì trong lúc vật lộn với tội phạm để bắt giữ chúng, họ cũng không thể áp dụng được bất cứ biện pháp phòng hộ gì. Đó là chưa nói đến chuyện các phương tiện phòng hộ của ngành y tế cũng rất tốt trong khi công an thì chưa có gì.

 

Tôi đã được chứng kiến cảnh các nhân viên y tế ở Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa vào thăm khám cho bệnh nhân AIDS. Họ được trang bị từ đầu đến chân với kính, mũ, găng tay, quần áo bảo hộ hệt như lên vũ trụ. Vậy mà, vẫn có nhân viên y tế ở đây bị tai  nạn nghề nghiệp, thế nên công an bị phơi nhiễm là điều dễ hiểu.

 

Trước thực tế đó, từ đầu năm 2004, Bộ Công an đã xét duyệt kinh phí cho Cục Y tế tiến hành một đề tài khoa học với tên gọi “Nghiên cứu giải pháp phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm HIV đối với Công an Hà Nội” do Trung tá, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình làm chủ đề tài. Đề tài hiện đang thực hiện giai đoạn 1. Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình và các cộng sự của ông đã làm được nhiều việc có ích, như tư vấn cho công an một số phường trọng điểm về thế nào là phơi nhiễm HIV và khi phơi nhiễm phải xử lý như thế nào. Nhóm thực hiện đề tài đã biên soạn một cuốn sổ tay  về phơi nhiễm HIV, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về tình trạng này, dự định sẽ in ấn phát cho công an. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các lực lượng Công an có nguy cơ phơi  nhiễm cao sử dụng các phương tiện phòng hộ như: găng tay, khẩu trang... để góp phần làm giảm nguy cơ phơi nhiễm.

Hơn thế, có một thực tế đang tồn tại là khi bị phơi nhiễm, cán bộ công an phải đi xét nghiệm ở các bệnh viện ngoài ngành và hầu như không được ưu tiên gì. Họ vẫn phải chờ đợi như các bệnh nhân bình thường và phải trả tiền làm xét nghiệm - không chỉ cho họ mà cho cả đối tượng tội phạm vừa mới tấn công họ!Vì thế, nhóm nghiên cứu đề tài đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc và tư vấn khép kín cho cán bộ, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV. Đội ngũ cán bộ y tế công an sẽ đảm đương toàn bộ các công việc từ xét nghiệm đến tư vấn điều trị cho các trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm. Có như vậy thì ngành Công an sẽ chủ động hơn trong việc tư vấn cũng như chăm sóc điều trị cán bộ, chiến sĩ gặp rủi ro nghề nghiệp.

Theo Trung tá thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình thì đề tài khoa học này sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu đến hết năm 2005. Hy vọng, đề tài sẽ góp phần phòng chống phơi nhiễm HIV trong Công an đạt kết quả tốt

Đặng Huyền
.
.
.