Cảm xúc nơi Tổ quốc hướng mặt trời

Thứ Tư, 20/06/2012, 15:41
Gần lắm Trường Sa ơi! Thật thân thương, thật đượm nghĩa tình quân dân. Đặt chân lên Trường Sa, Nhà giàn DK1- nơi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong tâm khảm mỗi chúng tôi, những người làm công tác báo chí hơn một lần dâng trào cảm xúc. Cảm xúc, nỗi niềm ấy thật khôn tả.

Cuộc gặp gỡ trùng phùng

Trước tôi, đã có biết bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo CAND được vinh dự đặt chân lên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Những câu chuyện về tình quân dân thắm đượm, về sự quật cường nơi biển đảo xa xôi hơn một lần được phác họa trong tôi qua lời kể của các bác, các cô, các chú, đồng nghiệp – những người làm báo Công an. Thế nhưng, trong thâm tâm, tôi vẫn muốn được một lần chứng kiến bức tranh về cuộc sống nơi chủ quyền thiêng liêng muôn trùng khơi này.

Được sự đồng ý của Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng), những ngày đầu tháng 5/2012, tôi đã có dịp đặt chân lên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Và cũng chính ở nơi đây, nơi Tổ quốc hướng mặt trời, tôi đã có dịp gặp, tiếp xúc với những đồng nghiệp có chung một tâm nguyện – đó là được ra tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.

Lần đầu tiên đi công tác Trường Sa, tôi cũng như một số nhà báo khác tham gia chuyến đi khá bỡ ngỡ trước nhiều điều. Tại nhà khách – trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân đóng tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, gặp tôi trong hình ảnh trên vai khoác chiếc ba lô vải, bước chân nhanh nhẹn, nữ nhà báo Thái Linh hiện đang công tác tại Báo Nhân dân, nói trong hơi thở dốc: “Em vừa mới từ Hà Nội vào đây. Do đường đông, nên em chỉ sợ đến đây muộn giờ”.

Trong câu chuyện của mình, tôi được hay, cô nhà báo trẻ Thái Linh sớm mang trong mình ước vọng được ra quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, nên sau khi nhận được kế hoạch thành lập Đoàn công tác thực hiện chuyến đi thăm, làm việc ở quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 của Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng), cô gái có nụ cười tươi như hoa này đã đề xuất lãnh đạo Ban Biên tập gửi công văn xin được tham gia chuyến đi do Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) tổ chức. Máy ảnh, máy ghi âm, cuốn sổ nhỏ, máy tính xách tay… là những hành trang mà theo như Linh tả, “đó là những vật dụng không thể thiếu được trong chuyến đi chan chứa nhiều kỷ niệm này”. 

Cũng tư trang của một nhà báo, thế nhưng, đối với nhà báo Công Nguyên (Báo Thanh niên), sự hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt xương xương của nhà báo trẻ này. Cân nặng chỉ chớm 50kg, vậy mà hành trang – quần áo, vật dụng trong chuyến đi công tác Trường Sa lần này của nhà báo tuổi 8x đã ngót 10kg.

Các nhà báo tác nghiệp tại đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (ảnh chụp đầu tháng 5/2012).

Công Nguyên tâm sự, nghe các anh, các chị đồng nghiệp nói về sự khắc nghiệt, vất vả tiềm ẩn trong chuyến đi tới vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng giữa muôn trùng khơi lần này, thế nên, để hoạt động tác nghiệp của mình được thuận lợi, Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ mọi vật dụng sinh hoạt thường nhật cũng như phương tiện tác nghiệp. Trong túi nilon nhét phía mép ngoài chiếc ba lô của Nguyên chất đủ các thứ thuốc thông dụng của một nhà báo tác nghiệp nơi vùng sâu, vùng xa. Nào là thuốc cảm cúm, kháng sinh… nào là thuốc chữa đau đầu v.v.., tất cả đều có đủ. Nguyên kể, trước hôm đi, ngoài các vật dụng tác nghiệp như: máy ảnh, máy ghi âm, USB, máy tính xách tay…, Nguyên còn tranh thủ một buổi chiều để đi “sắm” hành trang, thuốc men, chuẩn bị cho chuyến đi về nơi hướng mặt trời lần này. Thấy tôi hỏi, hà cớ gì lần này đăng ký đi Trường Sa, Nhà giàn DK1, Nguyên nhoẻn miệng cười:

- Em muốn được một lần đặt chân tới Trường Sa, Nhà giàn DK1, để thỏa ước nguyện của mình – đó là được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc với quân, dân Trường Sa. Từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí sâu lắng nghĩa tình nơi muôn trùng khơi anh ạ.

Cảm xúc dâng trào

Trên chuyến tàu HQ 996, không biết vì sự xếp đặt, hay vì cơ duyên, mà trong gian phòng ngủ trên con tàu Hải quân lần này, tôi đã có dịp sinh hoạt chung với đồng chí Thiếu tá, nhà báo Trọng Thiết – Báo Hải quân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) – một trong những nhà báo có khá nhiều kỷ niệm với Trường Sa, với Nhà giàn DK1.

Tác giả tiếp xúc với các em học sinh tại đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (đầu tháng 5/2012).

Theo như nhà báo Trọng Thiết tâm sự, chuyến đi đầu tháng 5 lần này là chuyến đi lần thứ 11 của anh tới quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Không vì là công tác tại một tờ báo chính thống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam mà nguyên do đưa đẩy nhà báo Trọng Thiết hơn 10 lần đặt chân lên Trường Sa, Nhà giàn DK1 chính là tình yêu của anh đối với biển đảo quê hương.

Cũng chính cảm xúc, nỗi niềm muốn được gắn kết, trải nghiệm với cuộc sống, tinh thần quật cường của quân, dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 đã khiến các nhà báo  tác nghiệp tại Trường Sa quên đi mọi sự vất vả, những khó khăn còn ở phía trước. Trên con tàu HQ 996 vượt hàng trăm hải lý đến các điểm đảo chìm, nổi, Nhà giàn DK1: Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Đá Tây, Len Đao, Trường Sa đông, Nhà giàn DK1/16, Nhà giàn DK1/17 v.v.. nhiều lần những con sóng vỗ mạnh vào mạn tàu khiến con tàu chao đảo. Con người trở nên nhỏ bé giữa muôn trùng biển cả.

Những nhà báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Thanh Niên, Hải Quân, Quân khu 9… vẫn “lờ” đi cơn say sóng để vừa giao lưu, vừa tác nghiệp. Nói vậy cũng vì, hễ vào thời khắc bình minh của ngày mới hay chuẩn bị đến điểm đảo nào đó là y như rằng, trên mũi con tàu lại lố nhố những tê lê máy ảnh của các nhà báo.

Thật dung dị và đượm nỗi niềm say nghề. Đúng vậy. Hễ trên loa phóng thanh được phát ra từ boong tàu – nơi làm việc của chỉ huy con tàu: “Đoàn tàu chuẩn bị tới điểm đảo…”, nơi mạn trái, mạn phải con tàu, không ai bảo ai, các nhà báo tác nghiệp lại có mặt, xung phong tham gia chuyến xuồng đầu tiên để lên đảo.

Chiều 6/5, cô nhà báo trẻ Thái Linh có lẽ là hăng hái hơn cả. Mặc cho con sóng nơi muôn trùng khơi nối tiếp bạc đầu, cô vẫn xếp hàng trong nhóm đầu để lên xuồng vào điểm đảo Sinh Tồn. Vai khoác ba lô. Tay lăm lăm máy ảnh. Chiếc xuồng vừa tấp vào bờ. Cô nhà báo trẻ vội vào vị trí tác nghiệp.

Chứng kiến hình ảnh nhà báo Trọng Thiết, Công Nguyên, Thái Linh… tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh ở Trường Sa lần này, tôi cũng như các thành viên trong Đoàn công tác thêm một lần nữa thấy được niềm đam mê của mỗi nhà báo”. Rồi những tác phẩm báo chí đều đặn được truyền về tòa soạn để đăng tải, phản ánh kịp thời các sự kiện diễn ra trong ngày ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 – chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà báo Thái Linh (Báo Nhân dân) tại Đảo Trường Sa đông.

Nữ nhà báo trẻ Thái Linh - Báo Nhân dân:
Được đặt chân lên Trường Sa, Nhà giàn DK1 để tác nghiệp là niềm vinh dự lớn lao trong sự nghiệp làm báo của mình

Đã tự lâu, kể từ khi bước vào nghiệp báo chí, tôi luôn có mong muốn được một lần tới Trường Sa, Nhà giàn DK1 để tác nghiệp, để trải nghiệm, cho ra đời những tác phẩm báo chí phản ánh cuộc sống, sức chiến đấu của quân và dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 của riêng mình. Chuyến đi này là một trong những yếu tố tiếp thêm nghị lực, tinh thần phấn đấu trong sự nghiệp làm báo của mình.

Nhà báo Trọng Thiết, ngoài cùng bên trái trong một lần tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

Nhà báo Trọng Thiết - Báo Hải quân Việt Nam: Gần lắm Trường Sa ơi!

Đợt này là lần thứ 11 mình theo Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân ra thăm và làm việc tại Trường Sa, Nhà giàn DK1. Mỗi lần đi là một lần trong mình lại chan chứa kỷ niệm. Càng đến Trường Sa – nơi mà nghe qua thấy xa, thấy vất vả, tôi lại càng thấy gần, thấy ấm áp nghĩa tình quân dân hơn bao giờ hết. Ấy vậy mà trong tôi, con số 11 lần đặt chân lên đây để tác nghiệp không phải là cuối cùng. Tới đây, tôi sẽ còn đi, còn trải nghiệm cuộc sống nơi Tổ quốc hướng mặt trời.

Trần Huy
.
.
.