Cảm nhận về một bức thư của người Anh hùng

Chủ Nhật, 15/04/2012, 12:30
Đây là bức thư gửi cho vợ của liệt sỹ Phan Văn Viêm, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân viết đúng ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu: ngày 26/4/1965. Anh hùng liệt sỹ Phan Văn Viêm, sinh năm 1928, quê ở thôn Hồng, xã Thụy Ninh, huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.

Ông là bộ đội chống Pháp, nhập ngũ năm 1948 lúc đó ông là đảng viên, làm Xã đội phó du kích. Năm 1953, ông bị thương ở chiến dịch đường số 6 Hòa Bình; năm 1954, ông làm công tác cải cách ruộng đất, sau đó ông công tác ở Trại Thương binh miền Nam thuộc Ty Thương binh Thái Bình. Năm 1956, ông về địa phương làm Chính trị viên xã đội và Trưởng Công an xã. Năm 1959, ông được về công tác ở Công an huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy). Năm 1963, ông được đề bạt Trưởng Công an huyện và ngày 26/4/1965, ông được Bộ Công an chi viện vào chiến trường tỉnh Kon Tum. Ngày 29/10/1971, ông anh dũng hy sinh.

Ngày 9/11/2004, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 26/4/2010, cơ quan và gia đình đã đưa được hài cốt của ông từ ấp Phương Quý, xã Vinh Quang, TP Kon Tum về quê Thái Thụy, Thái Bình an táng.

Giờ đây đọc lại nhiều lần bức thư ông gửi cho vợ đúng ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu, tôi rất xúc động và nghĩ rất nhiều về tâm tư, tình cảm, tư tưởng của lớp người đi trước; họ đi vào trận chiến với tình yêu vợ con, quê hương vô cùng sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần lạc quan tin tưởng ngày chiến thắng khó mà diễn tả được.

“Bu tý Thanh!

Hôm nay thứ hai tức ngày 26/4/65 đúng là ngày 25 tháng 3 ta; 12h đêm xe bắt đầu chuyển bánh. Anh lên đường đi vào miền Nam nơi mà đồng bào và Tổ quốc đang chờ đợi.

Giờ đây biết nói gì, tình cảm vợ chồng có lẽ nói với nhau không bao giờ hết chuyện, nhưng chúng ta đã nói với nhau nhiều rồi, bây giờ chỉ biết nói với nhau và dặn dò cùng nhau…”.

Thế rồi ông dặn vợ 6 điểm, đánh số thứ tự từ 1 đến 6. Đó là những chuyện về chăm sóc mẹ già; chăm nom, giáo dục các con ăn học, đề phòng máy bay Mỹ ném bom; dặn vợ... “khiêm tốn với mọi người kể cả cán bộ và nhân dân để nhiều người họ thương mình tức là có lợi cho mình và cho con cái…”. Và ông còn dặn vợ: “Thỉnh thoảng cân lấy chén thuốc Bắc mà uống giữ gìn sức khỏe để sản xuất, để nuôi con, sức khỏe của em giờ đây quan trọng lắm chớ chủ quan, mình ốm là khổ con…”.

Lúc ông ra đi đang còn mẹ già và bốn con thơ - ba con gái, một con trai.

Ông dặn vợ: … “Nhà mình chẳng có nhiều nhặn gì, có mỗi thằng cu, em phải đặc biệt chú ý đến con, dỗ dành cho con đi học đều, ăn mặc lành lặn, chớ để con phải rách rưới quá…”.

Và cuối lá thư hình như tình cảm của ông dồn nén và thốt lên những lời chan chứa yêu thương và đầy tinh thần lạc quan chiến thắng:

…“Em! Tình cảm vợ chồng đằm thắm và sâu sắc lắm, nhưng chúng ta đã nói với nhau càng xa, càng nhớ, càng thương. Người tuy xa nhưng lòng vẫn gần gũi bên nhau và gửi gắm cùng nhau lòng tin tưởng vô hạn.

Em và các con ở lại!

Ngày Bắc Nam thống nhất nhất định anh sẽ về, lúc đó quê hương ta sẽ giàu đẹp, gia đình ta sẽ cùng toàn dân vui sướng biết bao. Bắt tay em và các con.

Phan Viêm”.

Ông còn ghi bên lề cuối thư: “Gửi Bu cái Tý cái hôn tin tưởng”.

Ông Phan Viêm kính yêu! Đúng là quê hương Thái Thụy, Thái Bình đã dần dần giàu đẹp; tâm hồn ông; tư tưởng, tình cảm của ông còn sống mãi trong lòng vợ con, gia đình, quê hương ông và sống mãi trong lòng các thế hệ cán bộ Công an noi gương ông

Đại tá Phạm Đức Hạnh (Phó Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam)
.
.
.