Cắm bản giúp bà con xóa bỏ hủ tục

Thứ Ba, 15/09/2020, 08:40
Bà con các tộc người như Rục, Sách, Mày, Khùa, Ma Coong… ở Quảng Bình chủ yếu sinh sống dưới các thung lũng rừng Trường Sơn. Có những tộc người nơi từng có nguy cơ biến mất, và cuộc sống của bà con từng bị bủa vây bởi các hủ tục đi liền với đói nghèo và lạc hậu.

Nhưng hiện nay, sự thay đổi kỳ diệu đã đến với các bản làng. Bà con đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi, xây dựng nhà ở kiên cố, trẻ em được đến trường… Để có được điều đó, bà con các tộc người đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền nỗ lực bền bỉ vượt qua chính mình không chỉ ngày một, ngày hai.

Cuộc chiến với các hủ tục bủa vây

Người Rục ở Quảng Bình từng làm các nhân chủng học, dân tộc học trong nước và thế giới sửng sốt khi được phát hiện vào năm 1959. Khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, bốn em nhỏ và một già làng. Ngay sau khi được phát hiện, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng phương án, chăm sóc, bảo vệ tộc người mới mẻ này. 

Nhưng cuộc sống của người Rục dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… nên mỗi lần được đưa ra khỏi các cánh rừng già, người Rục lại tìm cách trốn vào các hang đá. Phải mất rất nhiều công sức và thời gian, tỉnh Quảng Bình mới đưa được người Rục về định cư ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa như bây giờ.

Một thời gian dài các hủ tục luôn bủa vây cuộc sống không chỉ người Rục mà các tộc người khác ở miền tây Quảng Bình như Sách, Mày, Ma Coong, Khùa… Những hủ tục như mẹ chết chôn theo con, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là những nỗi đau dai dẳng đối với đồng bào dân tộc ít người nơi đây. 

Không biết tự lúc nào, đời này qua đời khác nhiều bà con dân tộc ít người ở miền núi Quảng Bình vẫn rỉ tai nhau một lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt". 

Từ lời nguyền rùng rợn đó, những cảnh tượng kinh hoàng đã âm thầm xảy ra dọc thung lũng ở thâm sơn này khi có những đứa trẻ bị chôn theo khi mẹ mất. Khi hủ tục mẹ chết chôn con theo được các lực lượng chức năng giúp dân bản phá bỏ thì hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lại gây rất nhiều hệ lụy đối với cuộc sống bà con nơi đây.

Mấy năm trước, ở các bản làng các tộc người miền tây Quảng Bình có những cặp nam nữ ở với nhau khi mới 13-14 tuổi nên khi sinh con thường ốm đau, bệnh tật. Nhiều người nơi đây không nhớ mình sinh năm nào nên khi kết hôn cũng không biết tảo hôn hay không. 

Bên cạnh việc tảo hôn thì hủ tục hôn nhân cận huyết gây ra những hậu quả nặng nề cho chính người dân. Những cuộc hôn nhân cận huyết như con cô-cậu, con chú-bác, cậu-cháu, chú-cháu ruột kết hôn như vậy vẫn thường xảy ra. 

Anh Cao Xuân Ch là cậu đã kết hôn với cháu ruột của mình là Cao Thị V, hai vợ chồng sinh được 3 đứa con nhưng cháu đầu đã mất khi mới lên 6 tuổi, hai cháu còn lại cũng còi cọc, đau ốm liên miên. 

Hay như vợ chồng anh Cao Xuân T và Cao Thị Tr, cả hai là con chú bác ruột; Cao Xuân T và Cao Thị K, con cô cậu ruột cưới nhau… những cặp vợ chồng này khi sinh con trẻ thường mất sớm hoặc ngay sau khi sinh, nếu không thì trẻ cũng ốm yếu, phát triển không bình thường…

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cùng chính quyền cơ sở trao tặng nhà Đại đoàn kết cho bà con dân tộc ở Quảng Bình.

Thay đổi kỳ diệu ở các bản làng

Những năm gần đây, về các bản làng của các tộc người ở miền tây Quảng Bình không ít người đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hiện các trục đường đã được rải nhựa hoặc bê tông để ô tô vào tận các thôn, bản. Nhiều bản làng ngói mới, bê tông kiên cố như phố mới thấp thoát xuất hiện giữa các thung lũng rừng già.

Bà Phạm Thị Hân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, bước đi đầu tiên để thay đổi các bản làng là chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an, Biên phòng cắm bản giúp bà xóa bỏ các hủ tục như mẹ chết chôn con theo, hạn chế tảo hôn, và tìm cách không để hôn nhân cận huyết xảy ra. Nhiều điểm trường học, cơ sở y tế được mở ra để giúp bà con dân bản biết chữ, trẻ con được đến lớp, được thăm khám bệnh tật định kỳ… 

Tộc người Rục từ không một ai biết chữ, chỉ có 34 người nay đã có gần 500 người, nhiều em đã học xong tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Gần đây, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa 87 nhà cho bà con các đồng bào Rục để người dân yên tâm sinh sống, và phát triển kinh tế sản xuất như chăn nuôi, trồng lúa nước…

Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, Quảng Bình nơi có phần đông các tộc người sinh sống khẳng định: Từ những tộc người luôn bị đói nghèo, lạc hậu, hủ tục bủa vây, đến nay hàng vạn đồng bào các dân tộc nơi đây có nhà ở kiên cố, đời sống văn hóa, kinh tế ngày một phát triển đó là sự nỗ lực hết mình của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con các dân tộc. 

Huyện Minh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con như: giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; tuyên truyền xuất khẩu lao động; hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo các thôn, bản vùng giáp biên giới…

Cách đây mấy năm, bà con các tộc người Mày, Rục, Sách… ở thung lũng Trường Sơn cuộc sống thường dựa vào rừng, khe suối để săn bắt thú rừng, tôm cá… thì nay người dân đã biết cầm cái cày, cái cuốc để làm nương rẫy trồng lúa, trồng khoai, biết chăn nuôi con lợn, con bò để thay đổi cuộc sống. 

Chúng tôi gặp cặp vợ chồng trẻ người Rục là anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, người vừa làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Được biết, hàng ngày vợ chồng anh Lực thức dậy khi con gà rừng chưa gáy để chuẩn bị lên rẫy. Anh Lực trồng 3 ha keo, nuôi 3 con lợn và 5 con trâu bò. 

Năm vừa rồi bán được hơn 50 triệu đồng ha keo nên anh làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để địa phương giúp đỡ hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo. Sau khi anh làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hàng chục hộ gia đình nơi đây cũng đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Dương Sông Lam
.
.
.