Các điểm tập kết rác tạm làm mất mỹ quan, văn minh đô thị

Thứ Ba, 23/09/2008, 09:00
Lâu nay, người dân trên địa bàn TP Hà Nội đã quá quen với việc cứ khoảng 5 giờ chiều trở đi là gặp phải các điểm tập kết rác bốc mùi hôi thối, gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan, văn minh đô thị trên các tuyến phố, đầu các ngõ đi vào các khu dân cư. Người dân thì rất bức xúc, tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề lại thực sự là một bài toán khó.

Quá nhiều điểm bất hợp lý

Trên địa bàn thành phố hiện nay có đến hàng trăm điểm tập kết rác tạm. Các điểm này không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường, mà nó còn ảnh hưởng tới vấn đề an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Điều này đã không thành vấn đề búc xúc, nếu có những điểm tập kết rác được quy hoạch riêng, xa khu dân cư, xây tường bao để không làm ảnh hưởng tới bên ngoài.

Các điểm tập kết rác tạm này đã tồn tại từ rất lâu, mặc dù các điểm bố trí có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các công ty làm dịch vụ vệ sinh môi trường, nhưng có rất nhiều điểm bất hợp lý và vẫn tồn tại ở một đô thị lớn. Ở nhiều nơi các xe rác tập kết ngay tại lòng, lề đường, khu đông dân cư tạo ra những bãi rác "di động".

Việt Nam là nước nhiệt đới, nên khí hậu nóng ẩm, làm cho rác rất nhanh phân hủy và bốc mùi. Những bãi rác di động này nồng nặc mùi hôi thối, nước chảy ra thành vũng nhỏ, đen ngòm, hàng ngày rất nhiều người phải chịu đựng mùi xú uế đó.

Không chỉ có thế, các điểm tập kết rác tạm này thường nằm trên lòng đường hay án ngữ ở đầu ngõ vì thế mà tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra. Do các điểm tập kết rác tạm này làm khuất tầm nhìn và chiếm một diện tích rất lớn lòng, lề đường.

Ngõ 175 đường Xuân Thủy - Cầu Giấy là một ví dụ điển hình. Lâu nay, người dân sống trong ngõ này luôn phải chịu cảnh ra ngõ là gặp rác, vào ngõ cũng gặp rác, vì các xe rác cứ vô tư án ngữ đầu ngõ. Mùi xú uế thường xuyên hành người dân. Trên địa bàn thành phố, ở quận nào cũng còn rất nhiều điểm tập kết rác tạm bất hợp lý, ảnh hưởng đến người dân.

Lời giải cho bài toán khó

Trước thực trạng này, các điểm tập kết rác tạm đang là nỗi bức xúc của nhiều người dân sống quanh khu vực đó. Tuy nhiên để giải quyết được vấn đề thì lại không hề đơn giản.

Tìm hiểu những công ty làm dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn thành phố như: Công ty cổ phần Dịch vụ vệ sinh môi trường Thăng Long, HTX Thành Công, Công ty Môi trường Tây Đô… thì chính các công ty trực tiếp tham gia vào hoạt động thu gom này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, trong vấn đề giải quyết các điểm tập kết rác tạm này.

Không phải họ không thấy được những điểm bất hợp lý từ các điểm tập kết rác tạm. Nhưng để có thể giải quyết triệt để, thì bản thân các công ty không giải quyết được. Rất khó để có được một điểm trung chuyển rác tạm vì quỹ đất đang ngày càng eo hẹp. Vấn đề này càng trở nên bức xúc ở những khu đông dân cư.

Theo các công ty này thì họ đã làm việc với chính quyền địa phương ở từng khu vực, nhưng cũng không có giải pháp tốt hơn vì quỹ đất ở các địa phương đã hết, nên đành tập kết tạm ở những địa điểm tiện cho xe cơ giới đến cẩu, chuyển đi. Đây chính là điểm không hợp lý của chúng ta trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị đã không tính tới rác, dẫn đến tình trạng hiện nay.

Biện pháp của các công ty vệ sinh môi trường vẫn là chỉ đạo công nhân cố gắng thực hiện đồng bộ mọi khâu trong công đoạn thu gom và tập kết rác, các xe cơ giới phối hợp cẩu luôn khi các xe thu gom rác ra, tránh tình trạng rác lưu cữu chờ lâu trên các điểm tập kết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hào - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty cổ phần Dịch vụ vệ sinh môi trường Thăng Long cho biết, công ty cũng rất bức xúc về vấn đề các điểm tập kết rác tạm hiện nay. Trước những kiến nghị của người dân, công ty cũng đã cố gắng tìm giải pháp, nhưng trước mắt vẫn chưa thể khắc phục được.

Hiện nay công ty mới chỉ phối hợp được với chính quyền quận Long Biên xây dựng được 27 điểm tập kết có tường bao không làm ảnh hưởng đến giao thông, tránh các khu dân cư. Vì thế mà trên địa bàn quận Long Biên, các điểm tập kết rác tạm không còn là bức xúc.

Nhưng quỹ đất công của quận Long Biên có thể cho phép, còn tại các quận khác như: Cầu Giấy, Hoàng Mai thì chưa giải quyết được vì ở đây không có địa điểm để đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác vì không có đất để làm. Trước thực trạng như thế, chính quyền địa phương, thành phố nên tạo điều kiện, có giải pháp quy hoạch cho các công ty môi trường có quỹ đất để tập kết rác tạm hợp lý hơn

Phan Hoạt - Duy Thanh
.
.
.