Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Cao Giảng: Ký ức về những trận đánh sinh tử

Chủ Nhật, 23/08/2015, 10:47
Nhân chuyến công tác tại Tây Nguyên, tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đến thăm gia đình Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Cao Giảng (bí danh Lê Anh Thông), nguyên Phó Chỉ huy Ban An ninh tỉnh Đắk Lắk. Ông sống trong căn nhà đơn sơ nằm trên đường Trần Bình Trọng, TP Buôn Ma Thuột.

Năm nay đã ngoài 80, nhưng Đại tá Trần Cao Giảng vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và minh mẫn của một người lính trinh sát đa mưu, túc trí. Toàn bộ những trận đột kích, tiêu diệt địch đều được ông ghi chép cẩn thận trong một quyển sổ nhỏ. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ nhỏ, Đại tá Giảng đã thấu hiểu được nỗi đau mất nước nên từ năm 16 tuổi, ông đã tham gia vào đoàn thanh niên cứu quốc. Năm 1947, ông thoát ly và tham gia vào bộ đội thuộc Đội Cảnh vệ Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng (sau sáp nhập vào Bộ Công an - PV).

Đến năm 1949, thực dân Pháp huy động hàng ngàn quân mở cuộc càn quét đánh chiếm thị trấn Phát Diệm và nhiều nơi trong huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tháng 11/1949, ông xung phong hoạt động trong vùng tạm chiến và là thành viên của tổ điệp báo do đồng chí Cao Biền làm tổ trưởng. Khi ấy tổ điệp báo chỉ có 3 người hoạt động ở vùng ven.

Cuối năm 1950, Ty Công an Ninh Bình thành lập Đội biệt phái Công an huyện Kim Sơn (Đội Công an số 6), thay cho Tổ điệp báo, gồm 6 người do đồng chí Phạm Văn Bổng làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của đội là tìm cách diệt những tên ác ôn, những tên chỉ điểm; phá âm mưu xây dựng “Khu công giáo tự trị” của địch, luồn sâu vào trong vùng tạm chiếm, nắm tình hình địch, gây cơ sở để cán bộ, đảng viên và du kích, bộ đội trở về bám đất, bám dân tổ chức kháng chiến. Bí mật gây dựng được nhiều cơ sở trong nhân dân và trong hàng ngũ địch, đội biệt phái ngày đêm điều tra quy luật hoạt động của địch, lập kế hoạch trừng trị bọn tay sai nguy hiểm, qua đó đã phát hiện hàng trăm tên, trong đó tiêu diệt nhiều tên nguy hiểm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đến thăm, chúc mừng Đại tá Trần Cao Giảng nhân dịp ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đại tá Giảng nhớ lại: “Tại xã Lai Thành (Kim Sơn, Ninh Bình) có tên Trương Cao Đạt, nguyên là tình báo của Tổng bộ Phát Diệm, thường xuyên lùng sục du kích, đe dọa nhân dân, chống phá cách mạng. Cấp trên ra lệnh cho tổ điệp báo phải bắt bằng được tên Trương Cao Đạt ra vùng tự do xét xử. Nắm bắt được thông tin Trương Cao Đạt sẽ dự lễ Thượng Nguyên của chùa Lai Thành vào ngày 16/10/1950, tôi cùng các đồng chí trong tổ điệp báo lợi dụng lễ hội đông người, cắt cử một tốp canh gác ngoài cổng chùa, một tốp phục kích bên trong. Sau khi nhận diện tên Đạt, tôi cùng một đồng chí trong tổ điệp báo áp sát khống chế tên việt gian, đồng thời dùng kế “nghi binh” vờ rằng quân ta đang mai phục bên ngoài nhằm uy hiếp tinh thần bọn lính ngụy không cho chúng chống trả rồi nhanh chóng rút lui, đưa tên Đạt về vùng tự do trừng trị”.

Trần Hữu Thư cũng là tình báo của Tổng bộ Phát Diệm nổi tiếng tàn ác. “Ban ngày hắn đi khắp nơi do thám, phá phách xóm làng, nhưng hễ đến tối là chui về bốt nên rất khó nhận diện và tiếp cận. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ diệt trừ tên mật thám nguy hiểm Trần Hữu Thư  này. Sau nhiều ngày quan sát, nắm quy luật của hắn, tôi mới hoàn thành nhiệm vụ.

Sau sự mất tích và cái chết của những tên phản động khét tiếng, bọn tay sai của địch lo sợ, cơ sở kháng chiến của ta ngày càng được củng cố vững chắc hơn.

Trong số hàng loạt vụ tấn công tiêu diệt địch, với Đại tá Trần Cao Giảng cùng các đồng đội thì trận đánh vào Câu lạc bộ (CLB) sỹ quan Pháp được xem là trận đánh sinh tử trong lòng địch. Cuối năm 1950, lực lượng vũ trang tỉnh phát động tháng hoạt động mạnh, tiêu diệt sinh lực địch, Đội Công an số 6 được giao nhiệm vụ đánh CLB sĩ quan Pháp mở đầu tháng hoạt động. CLB sỹ quan Pháp là vỏ bọc của lính Pháp và chỉ có sĩ quan người Pháp mới được phép lui tới nên chúng canh gác cực kỳ nghiêm ngặt. Xác định đây chính là đầu não của địch, phải đánh sập, cấp trên ra lệnh cho đội phải tiêu diệt gọn.

Để tiếp cận, ông cùng với một đồng chí trong tổ được giao nhiệm vụ giả làm sĩ quan tình báo của Pháp để thâm nhập vào sào huyệt của chúng. Một phương án vô cùng táo bạo đòi hỏi phải mưu trí, dũng cảm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tá Trần Cao Giảng (bên phải).

Ngày 24/11/1950, cơ sở báo tin địch tập trung về khu quân sự CLB sỹ quan Pháp rất đông. Nhận rõ thời cơ đã đến, ta bí mật rút hết cơ sở của ta ra khỏi CLB nhằm đảm bảo an toàn tính mạng trước khi hành động. Theo phương án đã vạch ra, buổi tối hôm ấy, ông cùng một đồng chí trong đội được giao cho một chiếc cặp da bên trong có chứa hơn 5kg thuốc nổ đã được hẹn giờ. Bằ̀ng biện pháp nghiệp vụ, ông cùng đồng chí đi cùng đã dễ dàng lọt được vào CLB, đặt mìn vào vị trí thuận lợi và rút về một cơ sở an toàn, hồi hộp chờ “giờ G”. Kim đồng hồ đã chỉ 20h (giờ mìn nổ - PV) nhưng vẫn không có tiếng nổ nào.

Tất cả đều lo lắng, mọi người đưa ra nhận định: có 2 khả năng, một là địch phát hiện đã tháo gỡ quả mìn, hai là kỹ thuật của ta chưa đảm bảo. Song dù bất kỳ trường hợp nào cũng phải lập tức quay trở lại kiểm tra. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ long trời lở đất bùng lên làm rung chuyển cả thị trấn Phát Diệm. Trận đánh đã gây thiệt hại nặng nề cho đội quân viễn chinh Pháp với gần 100 sĩ quan, binh lính bị tiêu diệt. Quân Pháp và bọn tay sai vô cùng hoang mang lo sợ.

Nhớ lại trận đánh, ông tếu táo kể: “Lúc ấy, cấp trên cấp cho chúng tôi 2 bộ đồ lính ngụy gồm: giày xăng đá, mũ phớt, lại có cả nước hoa đắt tiền xịt thơm nức. Hóa trang xong, anh em trong đội cứ trêu, nhìn các đồng chí bây giờ chẳng khác gì tình báo Pháp”. Sau đó, đồng chí Bổng đưa cho một chiếc cặp rồi dặn dò: “Trong này có 2 kíp nổ, một cái đã được hẹn nổ vào lúc 20h, kíp còn lại đề phòng trường hợp kíp kia không nổ thì các đồng chí sẽ kích nổ ngay sau 2 giây để bảo vệ bí mật của tổ chức”. Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tìm cách xâm nhập sào huyệt địch. Để bảo đảm an toàn cho đồng đội, tôi vào trước dò xét tình hình, nếu bị bắt thì sẽ có đồng đội hỗ trợ, chạy thoát thân. Sau khi kiểm tra giấy thông hành, tên lính gác bốt người Pháp không chút nghi ngờ, cung kính mời tôi vào bốt mà không hay biết rằng đây chính là người chiến sỹ trinh sát của Việt Minh. Tôi cùng đồng đội nhanh chóng tìm khu vực kín đáo để đặt thuốc nổ, rồi cùng thoát ra khỏi bốt mà không quên chào tên lính gác.

Sau trận đánh, địch tăng cường rà soát, truy lùng. Bản thân ông cũng bị địch vây bắt hụt 3 lần. Sau năm 1954, ông được cấp trên cử đi học tại Hà Nội, sau đó chuyển về Công an tỉnh Ninh Bình và công tác qua nhiều chức vụ, nhiều địa phương khác nhau. Đến đầu năm 1975, ông được Bộ Công an cử vào nhận công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk với cương vị Phó phòng Bảo vệ chính trị rồi Phó Ban chỉ huy An ninh với cấp hàm Đại tá. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu. Tháng 6/2015, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Văn Thành
.
.
.