A10 - Cụm điệp báo và thời khắc lịch sử trong “Phủ Đầu Rồng”

Thứ Ba, 28/04/2015, 10:39
Sau Hội nghị Bình Giã V, Ban lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Thành ủy Sài Gòn Gia Định và Ban An ninh T4 thiết lập một mạng lưới tình báo mới tại Sài Gòn. Thực hiện chỉ đạo, năm 1972, ông Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương - Trưởng ban An ninh T4 và Phó ban Lê Thanh Vân, tức Sáu Ngọc quyết định thành lập một mạng lưới tình báo đưa vào nội thành Sài Gòn, trong đó có 1 cụm mang mật danh A10.

Nhiệm vụ chính của cụm A10 là tấn công chính trị trực diện với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; xây dựng hệ thống đặc tình nhằm xoay chuyển tình thế chính trị trong giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa (VNCH) theo chiều hướng có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng thời thu thập tin tình báo; tạo lõm chính trị quần chúng bao vây nội đô Sài Gòn để làm nơi đứng chân của các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Là một nhà tình báo nhìn xa, trông rộng, từ đầu năm 1973, ông Mười Hương đã phán đoán “Mỹ rút lui thì VNCH chỉ có chết”. Từ nhận định đó, ông cùng Phó ban Sáu Ngọc xây dựng 1 tuyến lưới tình báo chính trị thâm nhập sâu "Phủ Đầu Rồng" của chính quyền VNCH, gồm một số cốt cán và anh em có nhiều kinh nghiệm đấu tranh chính trị tại Sài Gòn làm "khung sườn" cho cụm A10.

Ông Mười Hương (*) và các học trò tình báo tại lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tình báo vào ngày 20/4/2012 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Sáu Ngọc đã chọn sinh viên Nguyễn Minh Trí - người bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu truy lùng vừa lánh vào căn cứ mật trong một cánh rừng giáp giới Campuchia - làm Cụm trưởng. Cụm phó gồm có Nguyễn Hữu Khánh Duy, bí danh Năm Quang; Huỳnh Huề, bí danh Ba Hoàng (sau này là Thiếu tướng Huỳnh Huề); Trần Thiếu Bảo, bí danh Hai Phương. Sau đó, Nguyễn Hữu Khánh Duy kết nạp thêm Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung (tức họa sỹ Ớt) vào lưới.

Ngay từ những ngày mới thành lập, cụm đã xây dựng các tuyến lưới điệp viên nằm ẩn sâu trong các cơ quan trọng yếu nhất của chính quyền Sài Gòn như văn phòng Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế, Nha Dân vận & Chiêu hồi; Nha Điện toán (CIA), Quốc hội VNCH, Tổng nha Cảnh sát, Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương... Do yêu cầu nhiệm vụ, sau này một số điệp viên của A10 chuyển sang hoạt động dưới quyền điều khiển trực tiếp của Ban An ninh T4.

Họa sỹ Ớt tức nhà báo Huỳnh Bá Thành - Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín - đã tổ chức được nhiều trận đánh chính trị làm cho lực lượng dân biểu phản động và Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu lay hoay, điên đảo.

Cuối năm 1973, sau khi tốt nghiệp bác sỹ hạng ưu, Cụm phó Khánh Duy bị địch nghi ngờ ép buộc phải đi quân dịch. Ông Mười Hương quyết định cho Khánh Duy đăng lính để tạo vỏ bọc. Dù rơi vào thế khó khăn, Khánh Duy vẫn tiếp tục "đánh địch" trong vai trò bác sỹ của quân đội địch cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Sau khi Cụm phó Khánh Duy thay đổi vị trí hoạt động, Cụm phó Ba Hoàng (tức Thiếu tướng Huỳnh Huề) tiếp tục chỉ huy cụm A10.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 thì ông Mười Hương đã có kế hoạch để góp phần giải phóng Sài Gòn êm thấm, không đổ máu.

Ông nhận định: Mỹ chắc chắn sẽ cho Thiệu ra đi. Phải có người thay Thiệu. Trong số những gương mặt chính trị, ông nhận thấy chỉ có Dương Văn Minh là người vừa có các yếu tố cần và đủ để làm Tổng thống VNCH. Điều có lợi cho cách mạng là ông Dương Văn Minh có tinh thần dân tộc. Ông Mười Hương đã chỉ đạo họa sỹ Ớt và cụm A10 tiếp cận Dương Văn Minh và các nhóm dân biểu đối lập Thiệu để hỗ trợ chính trị, vận động ngầm cho ông Minh lên làm Tổng thống VNCH.

Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, bàn giao quyền lực cho ông Trần Văn Hương. Cụm A10 tiếp tục tác động các nhóm chính trị gia trong chính trường VNCH để tẩy chay Trần Văn Hương, mở đường để Dương Văn Minh ngồi vào ghế tổng thống.

Trước sức ép của dư luận, ngày 26/4/1975, lưỡng viện VNCH đồng loạt tẩy chay Trần Văn Hương và bầu ông Dương Văn Minh làm Tổng thống. Ngay tại buổi lễ nhậm chức, ông Minh đã gửi thông điệp cho các đơn vị chiến đấu của VNCH buông súng “chờ lệnh”. Chính ông Dương Văn Minh xác nhận với các phóng viên quốc tế, họa sỹ Ớt là người tác động quan trọng nhất để ông lên nhận chức Tổng thống – bước đệm để ra tuyên bố đầu hàng.

Ngày 29/4/1975, họa sỹ Ớt và các điệp viên An ninh T4, cùng với các cán bộ tình báo Binh vận đã vận động trực tiếp những nhân vật có uy tín tác động ông Dương Văn Minh phải tuyên bố ngừng bắn đơn phương, giao chính quyền cho cách mạng.

Sáng 30/4/1975, một đơn vị chiến đấu của VNCH do Thiếu tá Chỉnh chỉ huy đang chuẩn bị phá sập cầu Sài Gòn hòng ngăn bước tiến xe tăng của quân ta. Nhận được tin, dân biểu Phan Xuân Huy - một điệp viên A10 - con rể của ông Dương Văn Minh đã đến tận chân cầu gặp Thiếu tá Chỉnh ra lệnh “không được giật sập cầu nếu không có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh”. Nhờ giữ được chiếc cầu, thiết giáp của quân ta tiến nhanh vào tận Dinh Độc Lập vào sáng 30/4/1975.

Khi những chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội của ta tiến vào Dinh Độc Lập thì một số thành viên của cụm điệp báo A10 như Nguyễn Hữu Thái, Kỳ Nhân, Cung Văn – Nguyễn Vạn Hồng đã có mặt xung quanh Dương Văn Minh. Nhà báo Kỳ Nhân (Hãng tin AP) - thành viên A10 là người chụp được bức ảnh lịch sử ngay thời điểm Dương Văn Minh đầu hàng. Và một thành viên khác của A10 là Nguyễn Hữu Thái đã dẫn đường cho cán bộ quân sự của ta lên nóc Dinh Độc Lập treo cờ.

Tuy Dương Văn Minh đã phát lời tuyên bố đầu hàng nhưng một số đơn vị quân đội VNCH vẫn chưa nhận được tin. Thời điểm đó, Đài Phát thanh Sài Gòn đã không còn hoạt động, ông Nguyễn Hữu Thái đã nhanh trí đi tìm, mời 2 kỹ thuật viên của đài đến khởi động máy. Nguyễn Hữu Thái đã làm phát thanh viên bất đắc dĩ đọc lời dẫn buổi phát thanh đặc biệt đó. Sau lời dẫn của Nguyễn Hữu Thái, ông  Dương Văn Minh mới bắt đầu đọc lời tuyên bố đầu hàng. Đó là thời khắc 11h30’ sáng 30/4/1975.

Cũng trong buổi sáng 30/4/1975, khi tình hình Sài Gòn chưa ngã ngũ, Cụm phó Ba Hoàng đã chủ động rải điệp viên giải giáp nhiều viên sỹ quan cao cấp của VNCH, đồng thời tổ chức lực lượng chiếm giữ phủ Thủ tướng đặc trách kinh tế, Bưu điện Sài Gòn, Đài Phát tin Chí Hòa, Sứ quán Mã Lai, những trụ sở chính quyền từ sân bay Tân Sơn Nhất chạy dọc theo tuyến Tân Bình, quận 3 đến Dinh Độc Lập. Ba Vũ, tức Võ Vân – thành viên của A10 – là người trực tiếp tiếp quản, treo cờ giải phóng khu vực Bảy Hiền, Bàu Cát và Sứ quán Malaysia. Võ Văn Chi (tức Chín Thanh) làm chủ tình hình ở Phú Nhuận…

Rất nhiều cơ quan trọng yếu của chính quyền Sài Gòn đã được cụm A10 làm chủ tình hình trước khi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh phát trên làn sóng phát thanh.

Tại Hội thảo khoa học "Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" ngày 29-3-2015, Đại tướng Trần Đại Quang đã phát biểu: "...Cụm điệp báo A10 đã tác động sĩ quan, binh lính chính quyền Sài Gòn "án binh bất động", bảo quản hồ sơ, tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kết hợp với các tổ chức quân báo tổ chức các đường dây giao liên dẫn đường 5 mũi tiến công vào Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...".
Nông Huyền Sơn
.
.
.