Nhà D67 - nơi đưa ra những quyết sách mang tầm vóc lịch sử

Thứ Tư, 29/04/2015, 20:57
Tháng Tư về. Xốn xang nắng mới trải vàng khắp Thành cổ Hà Nội. Chúng tôi đến thăm Nhà Con Rồng tọa lạc ở khu vực từng là Điện Kính Thiên, với cặp rồng đá nổi tiếng đầy dấu tích thời gian của kinh đô Thăng Long xưa. Ngay phía sau Nhà Con Rồng, là Nhà D67. Trong quần thể di tích Thành cổ Hà Nội, đây là hai tòa nhà từng diễn ra những cuộc họp lịch sử đưa ra quyết sách với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tòa nhà được gọi bằng cái tên có phần huyền bí và thiêng liêng - Nhà Con Rồng, vì đường dẫn lên sảnh có cặp rồng đá, vốn là thềm Rồng của điện Kính Thiên có từ thời nhà Lê.

Đây là nơi đức vua Lê Thái Tổ làm lễ lên ngôi (1428); về sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình phong kiến như thiết triều bàn quốc sự và tế lễ đất trời, thần linh, đón tiếp các vị sứ giả.

Tòa nhà thuộc khu A Thành cổ Hà Nội, là một công trình đặc biệt trong khu vực có những di tích kiến trúc cổ xưa của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, Cột cờ Hà Nội…

Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, để bảo đảm an toàn và bí mật các cuộc họp, làm việc của Bộ Chính trị, một tòa nhà mới ngay sau Nhà Con Rồng được xây dựng năm 1967 và được gắn cái tên Nhà D67 - còn gọi là Tổng hành dinh.

Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; đặc biệt từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.

Du khách tham quan phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong Nhà D67.

Nhà D67 được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý và sử dụng từ năm 1975, đến năm 2004 thì bàn giao cho Ban Quản lý Thành cổ Hà Nội, trở thành khu vực phi quân sự và hiện là một di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng đặc biệt. 

Hòa trong đoàn người đến thăm Thành cổ Hà Nội, ngẫu nhiên chúng tôi nhập vào đoàn đại biểu người có công tỉnh Bắc Giang đi thăm Nhà D67. Một nữ hướng dẫn viên tận tình thuyết minh, cho hay: Đây là một công trình được xây dựng hết sức đặc biệt về cấu trúc và kỹ thuật gồm phần kiến trúc ở trên và hệ thống hầm ngầm.

Phần nổi của tòa nhà có diện tích 604m2 với hệ thống tường, mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Ngoài phòng họp chính, phòng giải lao, còn có phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng ở hai chái nhà.

Hệ thống hầm ngầm sâu 10m, nằm dưới khoảng sân giữa Nhà Con Rồng và Nhà D67 gồm 4 phòng, rộng 50m2, trong đó có một phòng họp và một số phòng chức năng phục vụ công tác chỉ huy, trực chiến, tác chiến…

Hệ thống hầm ngầm này có thiết kế chịu được tên lửa và bom hạng nặng. Việc thiết kế và thi công Nhà D67 do Bộ Tư lệnh Công binh đảm nhiệm. Đã có khoảng 300 cán bộ chiến sỹ được huy động thực thi công việc này trong điều kiện tuyệt mật.

Các thiết bị cơ khí và thông tin sử dụng trong công trình như máy thông hơi - lọc khí, cửa thép, điện đài, điện thoại được nhập khẩu từ Liên Xô… 

Cựu binh Ngô Mạnh Giang (bìa trái) và đồng đội xem các hiện vật lịch sử trưng bày trong hầm ngầm Nhà D67.

Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng): Ngày 18/12/1974, hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Tổng hành dinh. Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định…

Đồng chí Bí thư thứ nhất khai mạc hội nghị. Vẻ vui tươi lộ rõ trên nét mặt, anh Ba nêu rõ mục đích hội nghị lần này là thảo luận đi đến hạ quyết tâm chiến lược. Anh yêu cầu mọi người báo cáo kĩ tình hình, cùng nhau bàn cho ra lẽ, để rồi về mà thực hiện cho đúng, cho tốt, không sợ mất thời gian…

Thay mặt Quân ủy Trung ương, tôi đề xuất một số ý kiến: “…Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phải kiên quyết, kịp chớp lấy thời cơ. Phải tích cực triển khai cái đúng, cái hay của ta, khoét sâu cái nhược điểm, cái sai lầm của địch thì tất yếu thời cơ sẽ xuất hiện… Hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975 – 1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng tình huống sớm hơn, trong năm 1975 và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động, vững vàng”.

Mặt trước Nhà Con Rồng, hiện vẫn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử quan trọng.

Về phiên họp bế mạc hội nghị lịch sử trong Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Hội nghị hoàn toàn nhất trí với kết luận của đồng chí Bí thư thứ nhất. Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua 8 lần dự thảo của Bộ Tổng tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975-1976, Bộ Chính trị dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”…

Tại phòng họp chính của tòa nhà, được trưng bày đúng như những bức ảnh lịch sử chụp cách nay hơn 40 năm, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì cuộc họp và ban lãnh đạo tối cao bàn kế hoạch giải phóng miền Nam.

“Chỉ có ghế ngồi (vị trí chủ trì) của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ở đầu dãy bàn được kê theo hình chữ nhật, là cố định. Còn các vị trong Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu ai đến trước ngồi trước, đến sau ngồi sau. Bộ phận trợ lí, thư kí ngồi ở những hàng ghế hai bên phía sau” – một nữ thuyết minh cho biết.

Cũng trong phòng họp này, chiều 30/4/1975, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và các đồng chí Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã cùng ngồi nghe dồn dập tin thắng trận báo về từ miền Nam; trong niềm vui vỡ òa, nhiều người đã không giấu được giọt nước mắt xúc động, tự hào.

Ngắm nhìn những hiện vật lịch sử được trưng bày tại căn phòng lịch sử, người cựu binh, Trung tá Ngô Mạnh Giang (SN 1949, hiện trú tại thôn Mai Phương, xã Mai Chung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), bồi hồi nhớ lại:

“Cuối những năm 1960, tôi là cán bộ Cục Cơ yếu – Bộ Tổng tham mưu. Hằng ngày, tôi được đến tòa nhà này trình điện mật lên các đồng chí lãnh đạo. Ngày ấy, cây cối um tùm khắp khu vực Thành cổ, trùm lên tòa nhà như một tấm áo ngụy trang tự nhiên và kín đáo… Từng sống và làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, tôi chứng kiến trong suốt cuộc chiến tranh, mặc dù Hà Nội nhiều lần bị không quân Mỹ oanh tạc nhưng chưa một viên đạn nào rơi xuống khu vực Thành cổ Hà Nội, đặc biệt là Nhà Con Rồng và Nhà D67”.

Cũng trong mạch suy nghĩ ấy, nhiều vị cựu binh trầm trồ: “Có lẽ, ngoài lưới lửa phòng không dày đặc, hồn thiêng sông núi đã chở che cho Hoàng thành Thăng Long xưa và sau này là Nhà Con Rồng, Nhà D67 để nơi đây diễn ra những cuộc họp đưa lịch sử dân tộc sang trang”.

An Khang - Mạnh Hùng
.
.
.