Cá sấu miền Tây sổng chuồng vào mùa lũ: Có hay không?

Thứ Năm, 01/09/2005, 13:02
Sau cơn "đại hồng thủy" năm 2000, người dân vùng ngập lũ miền Tây luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm vì sợ bị cá sấu cắn. Mùa lũ năm ngoái, tin đồn về chuyện cá sấu sổng chuồng và đặc biệt là sự xuất hiện của một chiếc đĩa hình lậu được xuất bản tại Thái Lan diễn tả chi tiết về chuyện  "cá sấu ăn thịt người" khiến nhiều người  hoảng sợ chẳng dám xuống sông rạch để tắm rửa, sinh hoạt, sản xuất.

Xem ra, chuyện về con cá sấu miền Tây sổng chuồng vào mùa lũ cũng khá ly kỳ.

Câu chuyện xảy ra cách nay gần đúng một năm. Sáng đó, anh Lê Hoàng Vũ, nhà trên đường Nguyễn Du, thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa mở cửa ra thì thấy một chú cá sấu nằm trước nhà. Giật mình nhưng thấy con cá sấu còn nhỏ nên anh xử trí bằng cách lấy cây lau nhà nhẹ nhàng đè đầu chú cá sấu rồi bắt nhốt lại.

Trước đó vài ba ngày, nhà chị Nga ở phía đối diện cũng phát hiện một con cá sấu con bò trườn vào nhà. Chuyện cá sấu bò vào nhà một số hộ dân ở chợ thị xã Cao Lãnh khiến nhiều người dân Đồng Tháp hết sức lo lắng. Có người nói, chuồng cá sấu của ông T. gần đó bị sổng; nhưng nhiều người lại dè chừng "coi chừng có con cá sấu mẹ ở dưới đường cống, hoặc dưới mấy con kênh trong nội ô"(?). Vậy là không phải chỉ trẻ con mà cả người lớn, nhớ lại hình ảnh kinh hoàng trong phim Thái Lan "cá sấu ăn thịt người", chẳng dám thò chân xuống nước, chớ nói chi xuống sông tắm rửa, giặt giũ, sinh  hoạt…

Vụ việc "nóng" này rốt cuộc cũng được Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp "vào cuộc". Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi kết quả xác minh của các anh kiểm lâm cho hay: Mấy chú cá sấu vào nhà anh Vũ, chị Nga… là do bọn trộm "chôm" từ trại của anh Đ ở xã Hòa An cạnh đó. Trong lúc chuyển đi, bọn trộm đã làm rớt xuống đường và chúng chui đại vô nhà người ta. Bọn "sấu tặc" này ngay sau đó cũng bị bắt giữ. Và 17 con cá sấu con đã được Công an thu hồi, trả lại cho anh Đ.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyện đồn đại này, vẫn có những chuyện thật 100%. Một nông dân nuôi cá sấu ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) kể với chúng tôi: Trước khi tin đồn cá sấu nổi trên sông Đình Trung vào năm 2002, cá sấu của anh từng bị sổng chuồng. Khi hay tin báo lại của người dân, anh đã "truy bắt" được chú cá sấu con này trong lúc nó đang nằm… tắm nắng cặp bờ ruộng ở gần đó. Anh Bé Hùng - chủ trang trại cá sấu Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thừa nhận, cá sấu của anh từng theo lỗ thoát dưới đáy chuồng chui ra ngoài một con. Thế là từ đó, anh gán thêm miếng lưới lọc ở mỗi lỗ thoát để chặn "ý định" của chúng.

Tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, chúng tôi được nghe về chuyện cá sấu sổng chuồng của anh R., xảy ra mùa lũ năm ngoái hết sức hi hữu. Anh R. kể, đêm đó bỗng dưng trời nổi cơn dông, gió mạnh quá làm sập giàn bầu che trên trại nuôi cá sấu. Không ngờ con cá đủ "thông minh" để theo dây bầu tìm lối ra ngoài. Sáng hôm sau, khi phát hiện giàn bầu sập, anh đếm lại thì thấy mất đến 13 con.  Anh hoảng hồn, nhờ bà con truy  tìm và cũng may, bọn chúng chưa kịp ra tới rạch. Dẫu vậy, tin đồn "cá sấu sổng chuồng" vẫn nhanh chóng lan rộng. "Tôi phải nói trớ đi là "xuất" chuồng để bán chứ không phải bị "sút" chuồng! Tất nhiên, chuyện "giàn bầu sập" được ém kín!" - anh R. cười.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết: Rút kinh nghiệm từ những vụ cá sấu sổng chuồng có thật, ngay từ đầu mùa lũ đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp luôn tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các trại nuôi phải đảm bảo chuồng trại kiên cố theo quy định. Việc xuất bán, vận chuyển cũng được quản lý nghiêm ngặt. 

Anh Phạm Trung Thắng - con rể của anh Hồ Văn Bé Hùng - chủ trang trại cá sấu Mỹ Hiệp vui vẻ cho chúng tôi biết, ba vợ anh treo giải nếu ai phát hiện cá sấu sổng chuồng sẽ thưởng ngay. Tất nhiên, tiền thưởng phải vượt lên trên giá trị của con cá sấu đó

Thái Bình
.
.
.