Trên những con đường mờ sương

Thứ Sáu, 16/02/2018, 15:53
Đó là những con đường cuối đông. Những con đường chạy qua những cánh đồng mờ sương về những ngôi làng đang dần dần thẫm tối phía xa. Tôi đã nhìn thấy những người đi xe đạp, đi bộ trên những con đường ấy của những năm tháng khi tôi còn trẻ.


Và trong những bóng người đi trên một trong những con đường ấy có tôi. Những bóng người ấy là những người sống xa quê đang trở về nhà ăn Tết. Hình ảnh đó lúc nào cũng làm lòng tôi ấm áp và xao động lạ thường.

Bây giờ, người ta đi ôtô, xe máy về quê ăn Tết. Nhưng chỉ mới mấy chục năm trước thôi, hầu hết mọi người về quê ăn Tết gần thì đi xe đạp, xa thì đi xe khách.

Hồi đó, chờ được xe khách về quê có khi mất cả một ngày, thậm chí phải ngủ lại bến xe chờ đến hôm sau mới có xe về. Bây giờ, có đi xe khách thì cũng về ngang qua đầu làng hoặc xe dừng cách làng cũng chỉ dăm trăm mét.

Ngày trước, nơi xe dừng trả khách thường cách làng dăm cây số. Có những làng ở xa thì phải đến hơn chục cây. Vì thế, xuống xe khách là những người về quê đi bộ hoặc đi xe đạp gửi theo buộc trên nóc xe khách.

Nhưng cho dù đoạn đường có dài bao nhiêu thì những người về quê ăn Tết cũng không thấy nản vì mỗi bước đặt xuống là thêm một bước gần quê hơn, là sắp về đến nhà.

Thường những người xa quê hoặc đi học, hoặc công tác rạo rực về quê ăn Tết trước cả một hai tháng. Đó là những năm tháng đất nước còn khó khăn, thiếu thốn đủ điều.

Vì thế mà những người về quê ăn Tết chuẩn bị mọi thứ từ việc dành dụm từng đồng tiền, từng miếng vải may quần áo, từng gói hạt tiêu, từng lạng đường, hộp sữa để làm bánh qui gai, từng chai nước mắm, từng chút mì chính, một hai bánh pháo, mấy lạng chè, dăm bao thuốc lá, ít miến dong, vài lạng măng khô, chút mộc nhĩ... Rồi đến giáp Tết thì mong ngóng cơ quan chia cho hộp mứt và vài ba thứ khác nữa. Tất cả được gói ghém cẩn thận và cất kín để đợi ngày về quê ăn Tết.

Rồi đến ngày được nghỉ thì cho tất cả vào một chiếc ba lô, túi xách, thậm chí là bao tải, chứ ngày ấy làm gì có va li hay các loại túi để đi du lịch tiện lợi như ngày nay. Thế rồi nấu một bữa cơm ăn cho thật no rồi ra bến tàu, bến xe về quê.

Những chuyến xe, tàu hồi đó vất vả như đường đi lên trời. Cả tàu, cả xe người chật như nêm, nhưng chẳng thấy ai khó chịu, cáu gắt, tranh giành như thời nay. Họ nhường chỗ cho nhau, cười nói, hỏi chuyện quê quán nhau, công việc của nhau...

Không khí về quê ăn Tết trùm phủ lên tất cả làm ai cũng náo nức, hạnh phúc, rộng lượng và thân ái với người khác. Khi có người xuống ở đoạn đường nào đó thì những người còn lại trên xe chào tạm biệt và chúc năm mới nhiều niềm vui, cứ như họ là những người thân của nhau đã từ lâu rồi. Và khi mỗi người xuống xe là một con đường hiện ra.

Vì ở xa nên chẳng mấy ai về đến nhà vào thời điểm còn sớm trong ngày. Bởi phương tiện giao thông hồi đó vô cùng hiếm và đường sá vô cùng xấu nên thời gian chờ có xe và thời gian đi một đoạn đường dăm bảy chục cây số cũng phải mất một ngày.

Chính thế mà khi xuống xe để về quê trời thường đã cuối chiều. Đó là lúc lạnh hơn và thường có sương chiều. Những con đường thôn quê hồi đó thường vắng vẻ chứ không đông đúc như bây giờ từ sáng đến tối. Những người về quê tay xách nách mang bọc to bọc nhỏ, đi bộ trên những con đường sương chiều mỗi lúc một dày.

Hình ảnh ấy thường gợi cho tôi về những kẻ độc hành xa xứ. Nhưng tôi không bao giờ có cảm giác những người đi trên đường mờ sương ấy đang cô đơn. Bởi cũng như tôi, trong họ đang vang lên tiếng gọi náo nức của gia đình và làng quê.

Tiếng gọi của quê hương lúc nào cũng là tiếng gọi da diết nhất và uy lực nhất. Điều này được chứng minh bằng người xa quê mỗi độ Tết về. Trong tập thơ “Thế giới không kết thúc” của nhà thơ Charles Simic, Thi bá nước Mỹ có một bài thơ viết về những người lính hồi hương sau khi chiến tranh kết thúc có đoạn: “Tôi là người lính Na-pô-lê-ông cuối cùng. Gần 200 năm sau tôi vẫn trên đường từ Mát-cơ-va hồi hương về quê mẹ. Bạch dương dựng lên con đường thẳng tắp và bùn bắn lên tận đầu gối của tôi”.

Thực sự đó là hình ảnh những người lính đã hy sinh trong chiến trận nhưng linh hồn họ vẫn tìm về quê nhà cho dù thời gian đã trôi đi hàng trăm năm. Quê hương là nơi chốn thiêng liêng với mọi con người ở mọi nền văn hóa và mọi thời đại.

Trong bộ phim “Từ bỏ thế giới vàng” nổi tiếng đã từng chiếu ở Việt Nam có nói về những người đào vàng vùng Alaska băng tuyết. Sau khi trở thành những người giàu có, họ về thành phố sống một cuộc sống vương giả. Nhưng cuối cùng, họ đã từ bỏ tất cả để trở về nơi chôn nhau cắt rốn của họ.

Nhân vật Bill trong bộ phim nói với người bạn rằng: “Tôi phải trở về Alaska của tôi. Đêm nào tôi cũng nghe thấy tiếng băng vỡ và tiếng sói hú”. Tiếng băng vỡ và tiếng sói hú chính là tiếng quê hương của Bill. Mỗi một người Việt Nam đều mang trong lòng mình tiếng của quê nhà.

Có thể do công việc bận rộn mà họ lãng quên tiếng quê nhà, nhưng cứ vào những ngày cuối năm giáp Tết, tiếng quê nhà vang lên da diết và thương nhớ. Hằng năm, báo chí vẫn đưa tin những người Trung Quốc về quê ăn Tết.

Thế giới đã gọi những chuyến về quê ăn Tết của người Trung Quốc là những cuộc “di dân” khổng lồ nhất của nhân loại trong toàn bộ lịch sử từ khi có con người. Tôi đã xem một bộ phim tài liệu về những người Trung Quốc làm thuê ở thành phố về quê ăn Tết. Đó là những chuyến đi thực sự kinh hãi như một chuyến đi lưu đày.

Nhưng cứ khi Tết đến, họ lại chuẩn bị về quê trong tiếng gọi không thể nào cưỡng lại được. Có người cho rằng, những chuyến về quê ăn Tết như thế gây nên nhiều phiền toái cho giao thông Trung Quốc. Nhưng tôi lại vô cùng ám ảnh về những cuộc hành hương trở về quê như vậy.

Khi con người quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, khi họ không còn nhớ về nơi chốn ấy thì cũng có nghĩa là họ không còn ý nghĩa gì đích thực trong cuộc đời mình nữa. Bởi thế, bóng những con người trên những con đường mờ sương của những năm tháng ấy làm cho tôi nhớ làng quê của mình xiết bao.

Trong khi những người đang trên đường về quê ăn Tết thì ở nơi làng quê của họ, những người thân yêu họ đang ngóng chờ họ trở về từng giờ. Tất cả những gia đình có người đi xa trong những ngày giáp Tết như luôn hướng tai, hướng mắt về phía cửa ngõ. Khi họ ra đường, người làng gặp họ đều hỏi anh ấy, chị ấy đã về quê ăn Tết chưa. Có những gia đình có người đi xa đợi họ trở về đến tận giao thừa.

Và thực tế ngày ấy có người sau giao thừa mới về đến nhà vì lỡ xe, chậm tàu. Niềm vui của người trở về và người ngóng đợi lúc đó mới lớn đến nhường nào. Nhiều lúc, tôi nghĩ có phải tôi là người cuối cùng còn sót lại của thế kỷ hai mươi khi năm nào cũng bồng bế con cái về quê ăn Tết và nghĩ về Tết như thế.

Ngay cả khi cha mẹ tôi đã mất và các con tôi đã trưởng thành thì hằng năm cả gia đình tôi vẫn về quê ăn Tết. Tôi không bị bất cứ điều gì bắt buộc ngoài tiếng gọi từ sâu thẳm trong con người tôi.

Mỗi người đều có một con đường ra đi khác nhau nhưng đều có một con đường trở về giống nhau. Đó là con đường trở về nơi chôn nhau cắt rốn, cho dù có những người chỉ trở về bằng tâm tưởng.

Nguyễn Quang Thiều
.
.
.