Xuân về ở “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi"

Thứ Bảy, 17/02/2018, 06:51
Sau khi bị hai cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm và dường như bị rơi vào quên lãng cả thập kỷ, Mường Lay - “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” (thơ Bùi Từ Thiện) giờ đây đang bừng sáng sau đại dự án thủy điện lớn nhất Việt Nam...

Cho đến thời điểm này, Mường Lay vẫn là thị xã "bé" nhất toàn quốc về mọi phương diện: Quy mô dân số, đơn vị hành chính, cơ cấu kinh tế và cả thu nhập bình quân đầu người. Nhưng sau khi bị hai cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm và dường như bị rơi vào quên lãng cả thập kỷ, “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” (thơ Bùi Từ Thiện) này giờ đây đang bừng sáng sau đại dự án thủy điện lớn nhất Việt Nam...

Bâng khuâng nhớ thuở ban đầu

Không phải ngẫu nhiên mà năm 1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski đã chọn Mường Lay là thủ phủ của tỉnh Lai Châu. Trước đó, vua Đèo Văn Long cũng chọn mảnh đất nằm cheo leo ven sông Đà này là "kinh đô" của mình. "Thị xã nhỏ như chiếc áo cài trên ngực đất nước" (thơ Trần Mạnh Hảo) hiện chỉ có 2 phường, 1 xã, dân số vỏn vẹn có 1,2 vạn người.

Nếu chiếu theo quy định hiện hành để được công nhận thị xã, Mường Lay cái gì cũng thiếu! Nhưng bù lại, vùng đất này lại có vị trí đắc địa về kinh tế - chính trị - quốc phòng - an ninh. Mường Lay là nơi tụ thủy của 3 dòng chảy: Sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Lay. Sẽ không bao giờ có cuộc "dời đô" lịch sử về Điện Biên Phủ nếu vùng đất này không hai lần bị cơn “đại hồng thủy” tàn phá đến xơ xác, cướp đi sinh mạng cả trăm con người.

Một khu tái định cư thuộc phường Sông Đà, TX Mường Lay.

Năm 2010, sau khi đập Thủy điện Sơn La hàn khẩu, toàn bộ thị xã Mường Lay dần chìm dưới 213m nước của lòng hồ thủy điện. Cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc ngày xưa ngạo nghễ, vắt ngang đỉnh núi giờ cũng nằm im lìm dưới làn nước sâu 20m. Để chuẩn bị cho dự án tái định cư lớn nhất trong lịch sử, cả thị xã phải di dời hơn 4.200 hộ dân, gần 11.000 nhân khẩu, chiếm 82% dân số và 100% các cơ quan công sở. Khi đó Mường Lay như một đại công trường, dân có hơn 1 vạn, nhưng công nhân thi công các công trình và khách vãng lai gần 2 vạn.

Người đông kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, trong khi để vận động hơn 4.200 hộ dân tự nguyện rời bỏ mảnh đất quê cha đất tổ gắn bó hàng ngàn đời là một bài toán khó. Khó nhưng vẫn phải giải, và Đại tá Lương Thanh Lưu, khi đó đang là Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Điện Biên; Thượng tá Nguyễn Lai Bình được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an thị xã nhận lệnh lên Mường Lay…

Đại tá Lưu và Thượng tá Bình quê ở dưới xuôi nhưng gắn bó cả đời ở Tây Bắc. Hai anh có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận, tuyên truyền giải phóng mặt bằng. Không phụ lòng Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên "chọn mặt gửi vàng", sau 2 năm ở cương vị này, Công an thị xã phối hợp, vận động 100% số hộ dân phải di dời tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, đến sinh sống và lập nghiệp ở một nơi ở mới.

Nhớ lại cái thuở ban đầu gian khó ấy, Đại tá Lưu chia sẻ: "Có lẽ trong lịch sử, chưa từng có một thị xã nào phải di dời hầu như toàn bộ dân số như Mường Lay, nhưng có lẽ cũng chưa có một nơi nào, người dân lại tự giác chấp hành chủ trương của Nhà nước như Mường Lay. 4.000 hộ thuộc diện giải toả, nhưng không có một trường hợp nào phải dùng đến biện pháp cưỡng chế di dời. Người dân những bản người Thái có lịch sử định cư lâu đời nhất tại Mường Lay, như: Bản Đớ, bản Hốc, bản Xá Đán, bản Chi Luông cũng tự giác chấp hành".

Đồng cam cộng khổ với người dân trong thời điểm khó khăn khi ấy, Công an thị xã đã tăng cường cán bộ xuống địa bàn, thực hiện 3 cùng với nhân dân, giúp dân tháo dỡ, di chuyển tài sản đến nơi ở mới; dựng nhà tạm để bà con ổn định chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất.

Chính do làm tốt công tác dân vận, Công an thị xã Mường Lay đã giải những bài toán khó nhất về tái định cư, góp phần giúp cho công trình thủy điện Sơn La vượt trước tiến độ 3 năm, làm lợi cho Nhà nước hơn 45.000 tỷ đồng.

"Bé" nhưng giàu thành tích

Tháng 5-2010, đập thủy điện Sơn La bắt đầu hàn khẩu, trước đó 1 tháng, 800 hộ dân cuối cùng dưới cốt nước 195m đã thực hiện một cuộc di dân cuối cùng. Từ lúc này, Công an thị xã bắt đầu một nhiệm vụ mới với ngổn ngang công việc.

"Là đầu mối giao thông nối liền TP Điện Biên Phủ và các huyện phía Đông của tỉnh Điện Biên đi Lai Châu, Lào Cai, Mường Lay được xác định là địa bàn trọng điểm về ANTT. Số du khách trong và ngoài nước lên Mường Lay gấp hai lần dân số thị xã (năm 2017 là 21.000 người, trong đó có gần 3.000 người nước ngoài). Lợi ích từ kinh tế xanh không ai phủ nhận nhưng hệ lụy kéo theo là không tránh khỏi nếu quản lý địa bàn không tốt. Đây cũng là "tuyến lửa" hoạt động của tội phạm ma túy, lúc cao điểm, tính theo tỷ lệ dân số, Mường Lay đứng đầu về số người nghiện ma túy (136 người)" -Thượng tá Nguyễn Lai Bình, Trưởng Công an thị xã chia sẻ.

Khó khăn, bộn bề là thế nhưng thời gian qua, Công an thị xã Mường Lay đã lập nhiều thành tích xuất sắc, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Vì ANTQ của Công an tỉnh Điện Biên. Năm 2017, Công an thị xã đứng số 1 trong Công an các huyện, thị xã và thành phố về số lượng ma túy bị thu giữ trong các vụ án.

Đại úy Nguyễn Hải Trung, Đội trưởng điều tra có nước da trắng, dáng vẻ thư sinh như một thầy giáo nhưng anh  lại là "tay công" chính trong các chuyên án ma túy. Chỉ tính riêng năm 2017, Hải Trung và đồng đội đã khám phá 9 vụ, bắt 12 đối tượng, thu giữ 13kg thuốc phiện, 1349,7 gam heroin, 1.800 viên hồng phiến...

Đại tá Lò Văn Khụt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên từng là Trưởng Công an thị xã Mường Lay những năm tỉnh Lai Châu vừa chia tách (2004). Anh cho biết, Mường Lay cònlà điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Năm 2017, có 2.400/3.151 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, tổ, bản đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Đáng chú ý, đây là địa bàn khởi nguồn nhiều mô hình hay nhân rộng ra toàn tỉnh học tập trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Đặc biệt 4 bản người Mông (Huổi Min, Huổi Luân, Hua Nậm Cản và Hô Huổi Luông) vất vả, khó khăn là thế nhưng từ nhiều năm nay, các bản đã duy trì hiệu quả 6 mô hình “Dòng họ bình yên”. Bốn bản không có tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc. Hôm chúng tôi vào bản Huổi Min, ông Giàng A Sò, Trưởng bản mời nhiệt tình mọi người ở lại mổ lợn ăn Tết Mông.

Năm nay người dân Huổi Min được mùa, điện lưới quốc gia đã vượt núi vào với người dân nên bà con rất phấn khởi đón một cái Tết đầm ấm. Nâng chén rượu nồng hương trời đất, ông bảo dù chưa giàu nhưng 17 hộ người Mông một lòng theo Đảng, kiên quyết không để bọn người xấu bụng tuyên truyền lừa bịp...

Chúng tôi leo lên đỉnh Pú Luông giờ đã được nhuộm trắng xóa màu hoa ban để ngắm toàn cảnh thị xã. Mường Lay hiện lên như một Hạ Long thu nhỏ giữa bốn bề núi non, mênh mông sóng nước. Gió mang theo hơi Xuân gấp gáp đến rất gần. Có lẽ không ở đâu có một thị xã thơ mộng, độc đáo, trầm mặc, yên bình và cheo leo giữa gió núi và mây ngàn như Mường Lay. Đất lành chim đậu, “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” này đang chuyển mình và níu chân du khách.

Vũ Mạnh Hà
.
.
.