Tết ở nơi tái định cư chòm bản Mường Tè

Thứ Sáu, 16/02/2018, 20:33
Đỉnh đèo Giăng Ma uốn lượn từng nhịp. Mường Tè đang vào xuân. Sắc vàng rợp của hoa cúc quỳ lẫn với màu lấp lánh của hoa ban, hoa mận, thoáng chốc khiến các vạt rừng, chòm bản nơi đây tựa khoác tấm áo choàng lung linh sắc màu.

Sáng nay, các thành viên trong Tổ công tác của Công an huyện Mường Tè xuống bản thăm hỏi, chúc Tết bà con các dân tộc. Khó khăn nhường chỗ cho tình quân dân ấm áp.

Bà con La Hủ đón xuân ở nơi tái định cư

Đến giờ, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in chuyến công tác lên huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) năm ấy. Đó là một buổi sáng biên cương lạnh tê tái cuối tháng 12-2012. Theo chân cán bộ Phòng Công tác Chính trị - Công an tỉnh Lai Châu, tôi có dịp đến với các chòm bản Mường Tè. 

Để đến được đây, từ thành phố Lai Châu, tôi phải mất gần 10 giờ đồng hồ vượt đường đèo hiểm trở. Nay đường dễ đi hơn nhiều, thời gian đi đường đã rút ngắn. Dưới làn sương sớm giăng trên các ngọn núi, bản Pa Thoóng 2 hiện ra mờ mờ ảo ảo. 

Một góc của bản Pa Thoóng 2 tại khu tái định cư.

Hàng chục nóc nhà bà con La Hủ nối nhau trên mảnh đất bằng phẳng. Pa Thoóng 2 là bản tái định cư của xã Bum Tở. Trước đây, bà con trong bản sống cheo leo trên những ngọn đồi phía xa. Nước khan hiếm, địa hình hiểm trở, tiết trời khắc nghiệt, cuộc sống của bà con rất gian nan. Trước những khó khăn của bà con, năm 2015, chính quyền địa phương đã triển khai dự án, di dời toàn bộ 30 hộ dân bản Pa Thoóng 2 đến khu đất tái định cư.           

Mặt trời dần tròn trên đầu người. Cơn gió se lạnh lẫn với ánh nắng trưa khiến bản Pa Thoóng 2 trở nên ấm áp hơn. Trong ngôi nhà vách gỗ dựng lên trên nền đất phẳng phiu, chị Vàng Sa Mẻ, 24 tuổi, tất bật với bữa cơm mời khách. Ông Vàng Khù Hừ, bố chồng chị Mẻ, nâng ly rượu sắn thơm lừng chúc sức khỏe người hàng xóm Phùng Xé Xá nhân dịp đầu xuân mới. 

Ông Hừ, ông Xá thỏa thuê với câu chuyện “đẩy lùi khó khăn” của hai gia đình. Thấy tôi cùng các cán bộ Công an huyện đến chơi, ông Hừ mừng lắm. Ông Hừ bảo chị Mẻ lấy thêm bát, thêm ly để mời rượu khách quý. Ngồi bên bếp lửa, ông Hừ kể cho chúng tôi về những năm tháng sống lay lắt trên mỏm núi, về những ngày du canh, du cư trong những cánh rừng sâu. 

Đêm đầu tiên, khi gia đình ông và bà con trong bản chuyển xuống khu tái định cư này, những điệu múa, lời ca bằng tiếng dân tộc La Hủ, Hà Nhì cứ thế vang lên giữa các vạt rừng thăm thẳm. Bà con không còn nơm nớp lo sợ thiên nhiên nổi giận, không còn sợ con suối lớn “đánh” sạt núi, lở nhà… nữa.

Đây là năm thứ 3, bà con La Hủ bản Pa Thoóng 2 đón Tết ở đây với điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn rất nhiều so với ngày trước. Năm nay, các gia đình lại làm bánh dày, chung nhau mổ lợn.

“Cảm ơn anh Công an “cắm bản!”

Vào thời điểm hiện tại – khi sắc xuân đang lan tỏa nơi các chòm bản, các tổ công tác của Công an huyện Mường Tè lại tăng cường xuống cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự cho bà con vui xuân, đón Tết. Hôm nay, Tổ công tác của Công an huyện do Trung tá Pờ Anh Viễn, Phó trưởng Công an huyện làm Tổ trưởng xuống bản Pa Thoóng 2.

Căn nhà vách của vợ chồng anh Thàng Lò Hừ, chị Ly Phí Pơ rộn rã tiếng cười khi cán bộ Công an đến chơi nhà. Năm nay được mùa, nên vợ chồng anh Hừ, chị Pơ tích trữ nhiều ngô, nhiều thóc. 

Tổ công tác của Công an huyện Mường Tè thăm hỏi, chúc Tết gia đình ông Vàng Khù Hừ ở bản Pa Thoóng 2.

Chỉ tay về phía 5 bao thóc đang nằm chình ình giữa nhà, anh Hừ khoe: “Mấy ngày qua, nhờ có chiếc máy cày của anh rể Vàng Lý Sơn, ở bản Huổi Han (xã Bum Tở), vợ chồng anh đã gặt xong chỗ ruộng còn lại”. Anh Hừ chưa dứt lời, Trung úy Pờ Xì Po và Trung sĩ Nguyễn Đình Khánh, cán bộ Công an huyện đã “hò” nhau chuyển 5 bao thóc của gia đình tới góc nhà.

Ngồi nhâm chén trà do anh Hừ pha, Trung tá Viễn cùng các thành viên trong tổ công tác tranh thủ phổ biến một số nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Những nội dung như: “Gia đình không di cư tự do”, “Không đốt pháo”, “Không gây gổ đánh nhau”, “Không đốt nương gây cháy rừng” v.v... được Trung tá Viễn, Trung úy Po phổ biến bằng tiếng La Hủ tới gia đình. Nghe rồi, vợ chồng anh Hừ, chị Pơ gật gù cái đầu.

Bum Tở là xã nghèo của huyện Mường Tè. Ông Giàng Phí Lòng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bum Tở chia sẻ với chúng tôi về tâm lý, đặc điểm du cư cũng như không khí đón Tết của bà con trên địa bàn. Bum Tở có 8 bản với 700 hộ (3.270 khẩu), trong đó đồng bào La Hủ chiếm hơn 90% dân số. 

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) của các cán bộ Công an “cắm bản” nên dịp Tết là thời điểm mà nhà nhà mừng vui hơn cả. 

Ông Lòng cho biết thêm, trước đây, bà con ở bản Pa Thoóng 2 phải sống trên ngọn đồi cuối bản. Điện không, điểm trường không, nước không, cuộc sống rất khó khăn. Giờ 30 hộ dân này được Nhà nước, chính quyền tạo điều kiện chuyển đến nơi tái định cư, bà con ai cũng vui cả.

Vì Tết bình yên nơi các chòm bản

Dẫu không được nghe các anh kể nhiều về công việc của mình, song khi cùng đi với các cán bộ Công an huyện tăng cường địa bàn, chúng tôi hiểu được phần nào về công việc thầm lặng của các anh. Thiếu úy Phan Văn Nhu, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (Công an huyện Mường Tè), người đã có 3 năm “cắm bản” Bum Tở. 

Thiếu úy Nhu bảo, để bà con các bản vui trọn Tết bình yên, anh cùng anh em trong Đội sau khi dự “Tết chung” của đơn vị (thường là ngày 24 Tết) sẽ xuống các bản nắm bắt tình hình, giải quyết, xử lý kịp thời các sự việc phát sinh liên quan đến an ninh trật tự.

Thượng tá Phan Văn Sơn, Trưởng Công an huyện Mường Tè cho biết, Mường Tè có 14 xã, thị trấn. Đường vào các xã, bản hầu hết đều khúc khuỷu khó đi. Có những điểm bản nằm cách trung tâm huyện cả ngày đi đường như bản U Ma, Là Si (xã Thu Lũm), Nhú Ma (xã Pa Ủ), Lè Giàng (xã Ka Lăng) v.v... 

Dẫu vậy, thời gian qua, nhất là dịp đầu xuân, năm mới, Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phát huy hiệu quả các mô hình tự quản trên địa bàn. Trong những ngày Tết, Công an huyện đảm bảo duy trì trực hơn 50% quân số (đêm 30 Tết trực gần 100% quân số); ở các xã, thị trấn đều có cán bộ Công an “cắm bản” ứng trực. Qua đó góp phần gửi sắc xuân ấm áp đến với bà con các chòm bản.

Theo Thiếu úy Phan Văn Nhu, hiện hầu hết bà con La Hủ ăn Tết cổ truyền trùng thời gian với các dân tộc khác. Dẫu vậy, không khí đón Tết của bà con La Hủ vẫn có những nét riêng của mình. Những ngày đầu xuân, bà con thường đến thăm, chúc Tết nhà nhau. 

Tại các bãi đất trống trong bản, nam thanh, nữ tú vận bộ trang phục mới rực rỡ sắc màu hân hoan với những điệu nhảy xòe, với những trò chơi dân tộc truyền thống: ném còn, đẩy gậy… Đáng chú ý, bà con La Hủ thường quan niệm rằng, ngày đầu xuân rộn rã tiếng cười, ắt trong năm sẽ được mùa, được nhiều niềm vui.

Diễm Lệ
.
.
.