Tiếng hoa khúc cựa mình dưới mưa xuân

Chủ Nhật, 29/01/2017, 10:15
Mỗi lần nghe tiếng rao “Ai khúc đ… ây” trong đêm thị xã Hà Đông vào những ngày mùa đông, tôi lại nhớ về cánh đồng rau khúc xưa của làng tôi. Nhà tôi ở trong một ngõ sâu của thị xã nên tĩnh lặng và vì thế tiếng rao trong đêm thường vọng lại rất rõ nhưng cũng lại xa xôi như ở đường chân trời. Và cái xa xôi ấy luôn mang tôi, một người đàn ông đã luống tuổi, trở về cánh đồng làng mờ sương phủ đầy rau khúc.

Thường thì vào cuối tháng Mười Một âm lịch, rau khúc đã bắt đầu nở lác đác trên cánh đồng. Nhưng phải sang tháng Giêng, tháng Hai rau khúc mới nở rộ. Đó là khoảng thời gian những làn mưa xuân ấm áp thường trở về với cánh đồng mỗi buổi sớm mai. Hồi còn nhỏ, trong những đêm gần sáng như thế, không hiểu lý do gì mà tôi thường thức giấc.

Bà nội tôi kéo chiếc chăn chiên nhiều lỗ thủng ủ kín tôi và nói: “Mưa ấm thế này, khúc lại nở trắng đồng”. Những lúc như thế, tôi nín thở dỏng tai nghe mưa nhưng chỉ thấy tiếng côn trùng rỉ rả. Và tôi lại nói với bà: “Cháu chẳng nghe thấy mưa gì cả”. Bà tôi khẽ khàng: “Đang mưa đầy trời đấy”.

Chợ Tết quê. Tranh: HuyCK.

Sau này lớn lên, tôi hiểu bà tôi nghe thấy tiếng mưa bởi một mối giao cảm đặc biệt của bà tôi với thiên nhiên, trời đất. Từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời, bà tôi chỉ rời làng mươi bận. Một trong những lần rời làng là ngày tôi ốm tưởng không thể nào sống nổi. Bà đặt tôi vào một chiếc thúng cái, lấy chiếc nón đậy lên và đội tôi đi gần mười cây số đến nhà một ông lang nổi tiếng trong vùng để bắt mạch và bốc thuốc cho tôi. Hồi đó vì ốm đau lâu ngày nhưng không tìm ra bệnh nên tôi chỉ bé như một con mèo. Vì thế bà có thể đặt tôi nằm khoanh người trong chiếc thúng cái.

Cả cuộc đời bà tôi gắn liền với làng và cánh đồng cùng với cây cỏ, côn trùng với đói no, ấm lạnh, với khổ đau, hạnh phúc. Thế giới của bà tôi là ngôi nhà, cánh đồng và dòng sông chảy qua làng. Vì lẽ đó mà bà tôi có thể nghe được tiếng mưa xuân mỏng như hơi thở lúc gần sáng, nghe thấy tiếng cá quẫy vật ở tận đầm nước cuối làng, nghe được những hạt mầm tách vỏ trong lòng đất...

Chỉ khi lớn lên ở tuổi mà tôi bắt đầu suy nghĩ về kiếp người thì tôi mới cảm nhận được tiếng của những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân. Nó đúng là hơi thở của trời đất. Mơ hồ, đắm sâu và nồng ấm. Và cũng chỉ lúc đó tôi mới nghe được tiếng rau khúc nở râm ran và tươi tốt trên những cánh đồng làng bất tận và mờ tối.

Khi mỗi mùa rau khúc nở một màu trắng mơ hồ như sương đọng trên những cánh đồng thì trong tôi lại vang lên một câu hỏi. Câu hỏi năm nào cũng vang lên trong tôi và kéo dài mấy chục năm rồi. Một câu hỏi đơn giản đến mức hình như chẳng có ai một lần đặt câu hỏi đó trong cuộc đời mình: Làm thế nào mà những cây rau khúc bé bỏng lại có thể giữ được sự sống của chúng trong đất suốt một năm trời qua mưa bão, nắng gió và đến một ngày lại thức dậy tràn đầy sự sống như thế? Những hạt rau khúc nhỏ li ti như những hạt bụi. Chúng vùi sâu trong đất với mưa nắng, ngập lụt và bao biến động mà không bị giết chết. Ai cho những hạt rau khúc bé bỏng kia sức mạnh phi thường đến như vậy?

Khi rau khúc bắt đầu nở rộ là bà tôi lại ra đồng. Hầu như lúc nào bà đi hái rau khúc tôi cũng chạy theo. Bà tôi cắp một chiếc rổ thưa thường để rửa rau đi ra cánh đồng. Ngày ấy bà tôi mặc váy thâm và cứ mùa đông thì chít một chiếc khăn vuông thâm. Những người đàn bà làng tôi trong những năm tháng ấy hầu như chỉ mặc quần áo màu thâm. Màu thâm ấy là do nhuộm màu củ nâu.

Mỗi năm, gần đến Tết, bà tôi thường gom quần áo của bà, của mẹ tôi và anh chị em tôi. Bà bỏ quần áo vào chiếc thúng đội lên chợ Tía nằm dưới chân đê cách làng tôi gần một cây số. Hồi ấy, ở ngay cửa chợ luôn có một hàng nhuộm quần áo mới, cũ bằng củ nâu. Cho dù người ta mua được vải trắng về may quần áo cho người già, trẻ con thì họ đều mang vải đi nhuộm của nâu. Vì công việc đồng áng và cuộc sống ở nhà quê luôn gắn với bùn đất, nên quần áo nâu là phù hợp nhất và ít nhìn thấy vết bẩn… Khi đến cuối làng, bà tôi chỉ tay về phía cánh đồng và nói: “Khúc nở trắng đồng rồi”.

Theo tay bà, tôi chỉ thấy cánh đồng như chìm trong mưa bụi luênh loang. Bà tôi dẫn tôi đến nơi rau khúc nở tươi tốt nhất. Bà đặt chiếc rổ xuống mặt ruộng. Lúc đó, tôi mới nhìn thấy rau khúc. Đúng hơn là một thảm màu trắng mờ lan trên mặt đất. Khi bà tôi ngắt những ngọn rau khúc đầu tiên thì hương khúc nếp tươi non đã dâng lên. Cho đến tận bây giờ, dù sống ở một nơi chốn ồn ào nhất và ngập mùi nấu nướng của các nhà hàng ở thành phố, nhưng hễ tôi nhớ đến rau khúc là hương rau khúc tươi trên cánh đồng làng tôi lại ùa về và làm tan đi mọi hương vị đô thị thời hiện đại này.

Bà tôi vừa hái rau khúc vừa hướng dẫn để tôi khỏi hái nhầm những cây cỏ khác. Bà bảo: “Để lẫn thứ khác vào mà không biết là hỏng cả chõ bánh!”. Mỗi mùa rau khúc, bà tôi chỉ đi hái đôi ba lần để làm bánh. Nhiều lúc thèm bánh khúc, tôi lại hỏi bà sao không làm bánh khúc. Bà bảo: “Nhà mình chỉ còn mươi cân thóc nếp để dành đồ xôi cúng giỗ. Làm hết bánh khúc lấy đâu gạo mà đồ xôi”. Những năm tháng đó, mỗi gia đình chỉ trồng một ít lúa nếp dành cho công việc của gia đình trong năm và để Tết nấu bánh chưng. Chính vì thế mà hồi đó đi thăm nhau người ta thường bọc vào khăn vuông cân gạo nếp. Đó thực sự là món quà quí giá. Và đó là lý do bà tôi chỉ làm đôi ba lần bánh khúc mỗi mùa rau khúc nở…

Bà tôi không bao giờ hái rau khúc vào buổi chiều. Buổi sáng sớm khi sương vẫn còn đọng trên mặt ruộng là lúc rau khúc ủ nhiều hương vị nhất vì thế mà ngon nhất. Có lẽ vậy mà mỗi khi ngắt một ngọn rau khúc nhỏ lên, lấy hai ngón tay vò nhẹ thì mùi thơm ngậy của rau khúc dâng lên như mùi thơm của chõ bánh khúc vừa đồ chín trong bếp.

Mỗi khi dỡ những chiếc bánh khúc trong chõ ra, bà tôi lại xếp dăm cái lên đĩa để thắp hương trên ban thờ. Rồi bà dỡ dăm cái bánh khúc nóng hổi cho vào một chiếc đĩa để chị tôi mang vào cuối làng biếu bà ngoại tôi. Chỉ sau khi làm xong hai việc đó, bà mới cho chúng tôi ăn bánh khúc.

Tôi nâng chiếc bánh khúc lên như nâng một báu vật. Mùi thơm ngậy của rau khúc đồ chín, mùi của gạo nếp, mùi của nhân đậu xanh quyện với mùi hành mỡ tỏa ra và làm nên một thứ ẩm thực chứa đầy hạnh phúc lạ lùng trong tâm khảm tôi. Không phải hạnh phúc của một kẻ đói khát được ăn. Một thứ hạnh phúc của ẩm thực nhưng thiêng liêng và da diết mơ hồ.

Sau khi bà tôi mất, mỗi lần bước vào căn bếp ủ đầy tro ấm, tôi thấy cái chõ bà tôi đồ bánh khúc mỗi năm vẫn đang nghi ngút tỏa hơi. Và hàng năm, cho dù ở bất cứ nơi nào trên thế gian này khi những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân lộng lẫy bay về, tôi lại nghe tiếng rau khúc nở tươi tốt. Và tôi vẫn nhận ra hương khúc nếp ngào ngạt cả cánh đồng. Bà tôi mất đã gần nửa thế kỷ nhưng năm nào tôi cũng về quê vào mùa rau khúc nở.

Vợ chồng tôi đi ra cánh đồng như thuở xưa hái những ngọn rau khúc. Buổi chiều trở lại thành phố, vợ tôi lại làm một chõ bánh khúc để mời bạn bè đến thưởng thức. Bây giờ, đêm đêm, người ta vẫn thi thoảng nghe tiếng rao “Ai khúc đ…ây”. Nhiều người vẫn ăn bánh khúc. Nhưng không mấy người cầm chiếc bánh bọc một lớp vỏ xôi bên ngoài như một báu vật của trời đất ban cho.

Với tôi, món bánh chân quê ấy chứa đựng bao ký ức xa xôi và thổn thức. Bởi trong đó có cuộc đời bà nội tôi, người bằng tình yêu thương vô bờ bến với đứa cháu mình đã động đến trời đất để trời đất cho tôi ở lại đến bây giờ. Bởi trong món bánh ấy có những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân và có tiếng rau khúc nở trên cánh đồng những đêm gần sáng của Giêng Hai vang lên như một bản Thánh ca về đời sống giản dị, thiêng liêng và bất diệt này.

Mỗi lần vợ tôi làm bánh khúc, tôi lại kể với các con tôi về làng tôi, về cánh động rộng lớn mờ sương buổi sáng Giêng Hai nở trắng rau khúc, về bà nội tôi. Có thể cả phần đời còn lại của tôi kể từ khi bà nội tôi ra đi, tôi không thể chết nếu không còn ăn món bánh khúc nữa. Nhưng tôi không thể sống thiếu những nghi lễ giản dị nhưng thiêng liêng trong đời sống này. Và mưa xuân, và rau khúc, và chõ bánh của bà tôi đã trở thành một nghi lễ đời sống trong tâm hồn tôi mãi mãi.

Quang Thiều
.
.
.