Nơi nương tựa đời người

Thứ Hai, 30/01/2017, 15:24
Trong mỗi người ai cũng có quê hương để nhớ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương tha thiết nao lòng bởi “Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen/ Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ…”.

Thi sĩ Lê Huy Mậu và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khắc khoải tâm trạng “Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…”. Quê trong tôi cũng vậy, mộc mạc, giản dị vô cùng…

Tôi thường để cảm xúc đồng hành người cùng trang lứa hoặc người nhiều tuổi hơn. Ở phố đã lâu mà dáng dấp làng quê trong bước đi, dáng đứng, trong lời ăn tiếng nói của họ vẫn không khác mấy. Có chăng là vì lý do này lý do nọ cũng ra dáng phố xá, cũng điệu đà chút để hòa nhập, nhưng sâu thẳm lòng mình vẫn thèm tô mì Quảng, trái ớt xanh cay xè hay bát nước chè xanh. Cặm cụi, chí thú mưu sinh là thế mà mỗi khi chợt nghe cơn gió  Giêng - Hai thổi tạt là thương nhớ quay quắt đồng quê, thương cây lúa đang lên đòng phải vật vã ngậm sữa cho một vụ mùa.

Ở phố hễ nghe chớp biển là nghĩ đến mưa nguồn, cứ rộ lên mùa cá chuồn là nghĩ đến quả mít non quê nhà. Mỗi mùa mưa bão là thao thức suốt đêm không biết “nước lớn, nước giựt” đến đâu rồi. Và cứ sau mỗi mùa  lũ, bùn non còn ì oạp nuốt đến bắp chân cũng lặn lội trở về với quê…

Mỗi người thương nhớ quê theo một cách riêng. Có người hay dành những lời lẽ mĩ miều khi kể về ngọn núi, con sông quê mình, về những cảnh đẹp khác thường “chẳng nơi nào có được”.

Tôi nhớ về quê tôi - nơi bình dị như bao làng quê khác - phần nhiều là gắn với những kỷ niệm. Nhớ những sớm mùa đông cắt da cắt thịt í ới gọi bàn bè đi gỡ trúm lươn giữa đồng, nhớ khi đã leo hết con dốc cao đi đốt than, đốn củi mà trời vẫn còn lờ mờ trong sương núi chưa kịp sáng. Rồi mùa nắng, nước sông trong vắt đến mức có thể nhìn thấy cả con cá loang loáng bơi lội, cứ thế mà ngụp lặn, tắm táp giữa mát lành.

Chiều đến, đám trẻ lại nháo nhào vùi mình trong rơm rạ hay lông nhông thả diều trên ruộng vừa gặt. Đến mùa lụt, mưa tơi bời khoảng hai hôm là con nước vào làng. Cả xóm í ới hỏi han nhau về tình hình chạy lụt, mặt ai nấy hằn nếp nhăn khắc khổ đăm đăm trong ánh sáng đỏ lòm của chiếc đèn ống nứa. Bữa cơm mùa lụt đạm bạc, lạ lẫm và nhớ thật dai khi cả nhà ngồi thu lu trên gác tre gác gỗ, thả chân bì bõm trong nước lụt. Và còn nhiều nữa, nhiều lắm…

Dường như với bất cứ ai, nhớ quê cũng là nhớ mẹ. Quê hương là nơi oa oa cất tiếng khóc chào đời, rồi cũng là nơi ta trở về sau những tháng ngày gian nan vất vả, khó nhọc mưu sinh. Với mẹ cũng vậy, từng có những chàng trai vạm vỡ, lúc vui bù khú với bạn bè nơi phồn hoa đô thị, rồi đôi khi mệt mỏi, đôi khi lạ lẫm bàng hoàng với nỗi niềm buồn vui thế thái nhân tình, lại bồi hồi trở về với mẹ.

Không ùa vào lòng mẹ tức tưởi như thời thơ trẻ hay cố kìm nén yếu đuối để không làm mất đi cái bản lĩnh nam nhi, hoặc đơn giản là giấu đi phiền muộn để mẹ yên lòng, nhưng đừng ngại ngần ngồi xuống bên mẹ để tìm sự chở che. Tôi tin là ai cũng có thể cảm nhận được hơi ấm từ tấm thân già nua, khắc khổ nhọc nhằn của mẹ, đây chính nơi nương tựa của mỗi đời người. Chúng ta trẻ mãi trong lòng quê hương và mẹ bởi vậy!

Tôi biết rằng trên đời này có nhiều điều thật diệu kỳ để tin yêu, nhưng niềm tin tinh khiết và vĩnh viễn đó chính là lòng bao dung của Quê hương và Mẹ. Bởi vậy mà khi nào đó lòng mình cảm thấy chòng chành, cần chút ấm áp để bước tiếp, xin hãy chuyện trò cùng mẹ. Với những ai không còn mẹ, xin hãy lặng im để cho lòng mình thầm thì với quê…

Nguyễn Đức Nam
.
.
.