Thời gian của phép màu

Thứ Bảy, 28/01/2017, 09:43
Mấy năm gần đây, trên một số tờ báo, có người đã đưa ra ý kiến nên bỏ Tết truyền thống mà ăn theo Tết tây. Cho dù những người đó là ai thì tôi cũng nhận thấy rằng: Vẻ đẹp và sự Thiêng liêng của đời sống đã đang rời bỏ họ. Mọi sự bận rộn, lo lắng và áp lực quá lớn về ngày Tết cổ truyền là do họ tạo ra. Và đến một ngày, có những người không chịu được áp lực ấy đã tìm cách chạy trốn…


Mặc dù phải lo lắng và bận rộn chuẩn bị cho Tết nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày giáp Tết, tôi lại có những khoảnh khắc thật xúc động, thật thiêng liêng khi nghĩ về thời gian của một năm cũ sắp qua đi và một năm mới đang về. Những lúc như thế, không khí của những ngày cuối đông lại đưa tôi theo con đường của ký ức để trở về những ngày Tết thuở xưa khi tôi còn là một cậu bé.

Không khí Tết bắt đầu trở về chốn thôn quê ngèo khó khi tôi nhìn thấy thấp thoáng trong những vòm cây thẫm màu của mùa đông là những ngôi nhà vừa mới được quét vôi. Ở làng tôi, hầu như nhà nào cũng quét vôi trắng có kẻ ve hồng ở chân tường. Nhà mới và quần áo mới là hai thứ người thôn quê chuẩn bị đầu tiên đón Tết. Nỗi náo nức lớn nhất của lũ trẻ con trong mọi gia đình là được mặc quần áo mới.

Thế nhưng, chẳng năm nào anh chị em tôi có đủ cả quần và áo mới để đón Tết. Đứa này được quần mới thì thôi áo mới. Có đứa thì chỉ được một chiếc mũ mới hoặc một đôi dép mới. Một câu chuyện mà tôi chẳng bao giờ quên được là câu chuyện về cha tôi. Một năm, cha tôi mua cho tôi một đôi dép để đón Tết. Ông mua đôi dép ấy tại cửa hàng Bách hóa Tràng Tiền. Ông treo đôi dép ở ghi-đông xe đạp và đạp từ cửa hành Bách hóa Tràng Tiền về quê hơn 40 cây số.

Khi về đến nhà, ông phát hiện ra một chiếc dép đã bị rơi mất. Cha tôi bèn đạp xe quay lại với hy vọng tìm lại được chiếc dép và nếu không tìm được thì ông sẽ mua một đôi dép khác cho tôi. Và trong cái ngày giáp Tết ấy, cha tôi đã đạp xe tổng cộng hơn 80 cây số trong mưa rét để mua đôi dép mới cho tôi. Bởi ông biết rằng: Nếu không có một chiếc quần, một cái áo hay một đôi dép mới cho các con khi Tết về thì những đứa trẻ ấy sẽ mang nỗi buồn tủi cho đến tận Tết năm sau.

Có những gia đình làng tôi nghèo khó không thể mua đủ quần áo mới cho các con khi Tết đến, họ phải lấy quần áo cũ của họ lọc ra những miếng lành lặn, chắp lại may quần áo cho con rồi mang đi nhuộm lại cho mới. Và để sáng mồng 1 Tết khi những đứa trẻ thức dậy, chúng sung sướng diện những bộ quần áo mới, đi một đôi dép mới hay đội một chiếc mũ mới với dăm quả pháo tép trong túi và chạy vào sân đình khoe quần áo mới với lũ bạn.

Phiên chợ Tía gần làng tôi họp cuối cùng của năm vào ngày 29 tháng Chạp. Năm nào mà tháng Chạp thiếu thì đó là ngày cuối cùng của năm cũ. Vào phiên chợ Tết ấy, hầu hết những đứa trẻ trong làng đều được bà hoặc mẹ cho đi chợ Tết. Ngày đi chợ Tết hầu như chẳng đứa trẻ nào dậy muộn mà cũng chẳng phải chờ bố mẹ đánh thức.

Lũ trẻ chúng tôi dậy rất sớm và ăn vội củ khoai hay nắm ngô rang và đợi bố mẹ lì xì tiền đi chợ Tết. Từ làng tôi đến chợ chừng hơn một cây số. Đứa trẻ chúng tôi túm áo bà, áo mẹ đi chợ. Hầu hết lũ trẻ con làng chẳng đứa nào đi dép. Giày dép nếu có cũng chỉ để đi đến lớp. Chúng tôi vừa đi vừa chạy dọc con đê dẫn đến chợ.

Bây giờ, bỏ tất ra đi trên sàn nhà lát gỗ cũng thấy lạnh. Nhưng hồi ấy, chúng tôi chẳng biết lạnh là gì. Trên mặt đê làng chạy ven sông Đáy lũ lượt người đi chợ Tết. Đến chợ, lũ trẻ bu vào hàng bán các loại pháo Tết, hàng bán những con tò he bằng đất nung và hàng bánh rán tẩm mật mía. Dù thế nào thì sau buổi chợ mỗi đứa trẻ cũng mua được đôi ba chục quả pháo tép, một con tò he và được ăn một cái bánh rán tẩm mật.

Trên đường từ chợ về nhà, lũ trẻ thi nhau thổi tò he inh ỏi dọc triền đê. Thi thoảng chúng túm lại đốt phát tép đì đoạch. Có một năm, tôi bị chín mé đầu ngón chân không đi chợ được. Tôi ngồi trên hiên nhà khóc tấm tức cho tới khi mẹ tôi và mấy chị em tôi đi chợ Tết trở về.

Và mẹ vẫn mua cho tôi những thứ mà tôi thích: Pháo tép, một con gà bằng đất nung và cả hai chiếc bánh rán tẩm mật. Có lẽ vì tôi ốm nên được mẹ mua cho hai chiếc bánh. Đêm ấy, tôi ôm giữ khư khư con gà trống đất nung và cái túi áo tí hon đựng mấy chục quả pháo tép.

Rồi khi lớn lên cho tới bây giờ, năm nào tôi cũng đưa các con về quê ăn Tết. Đó là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong một năm. Đó là những ngày mà trong lòng tôi vang lên nhiều tiếng gọi. Tiếng gọi của chốn quê, tiếng gọi của những người thân yêu đang sống và cả tiếng gọi của những người thân yêu đã khuất.

Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, không chỉ người trong gia đình ngóng người trong gia đình đi xa trở về mà những người làng tôi đều ngóng tất cả những người làng đi xa trở về. Cái ngày cuối cùng ấy nhiều khi như một phép lạ. Có những người tha phương cả đời bỗng tóc bạc về quê. Mỗi khi có một người con đi xa như thế trở về thì cả làng đều biết. Thế là những người đó trở thành nhân vật chính của làng trong những ngày thiêng liêng và đấm ấm đó.

Sự thật là mỗi khi có một người làng bỏ quê đi lâu quá trở về thì cả làng mừng như người đó chết rồi nay đột ngột sống lại. Mẹ tôi thường nấu bánh trưng vào ngày cuối cùng của năm. Và những lúc ngồi bên nồi bánh mẹ tôi lại nhẩm tính xem năm đó làng có bao người biệt xứ giờ đã trở về. Năm nào có nhiều người như thế về quê ăn Tết là người làng tôi vui như là những người đó là của trời ban cho. Niềm vui ấy tôi chỉ hiểu được khi trên đầu tóc đã điểm bạc.

Có người bỏ quê tha hương cầu thực một nửa thế kỷ mới trở về. Về đến đầu làng, người đó gục xuống mà khóc. Người làng ai nhìn thấy cũng khóc. Tiếng khóc ấy là niềm hạnh phúc lớn lao mà có người cả đời không bao giờ được khóc như thế. Bởi có những người bỏ làng và không bao giờ có một mẩu tin. Có thể họ đã chết. Nhưng nhiều người không chết mà không trở về được.

Cứ đến buổi chiều của ngày cuối năm thì người làng mang hương ra thăm phần mộ những người thân của mình. Họ ra mời những người đã khuất về nhà ăn Tết. Ngày hôm đó, ngay sau bữa trưa cha tôi đã nhắc tôi dẫn các con, các cháu tôi ra mời những người thân của gia đình tôi đã khuất về ăn Tết. Anh em tôi cùng các con, các cháu ăn mặc sạch sẽ và náo nức đi về phía cánh đồng cuối làng. Buổi chiều hôm ấy, tất cả đều dành cho hai việc: Mời những người đã khuất về ăn Tết và chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên…

Trên con đường ra nghĩa địa, những  người  làng  gặp  nhau đều hỏi một câu : “ Anh (chị) ra mời các cụ về ăn Tết đấy ạ!”. Câu hỏi ấy hoàn toàn như là hỏi về một người đang sống. Nếu có ai vì công việc gì đó ra nghĩa địa muộn thì những người khác hỏi: “Sao ra mời các cụ về ăn Tết muộn thế?”. Việc ra nghĩa địa mời những người đã khuất về ăn Tết hoàn toàn giống việc đến bến xe ở phố huyện đón người nhà đi xa về. Khi các con, các cháu tôi còn nhỏ, lần đầu tiên tôi đưa chúng ra thăm những ngôi mộ và bảo chúng hãy mời các cụ kị về ăn Tết.

Con trai tôi đã hỏi làm sao những người chết rồi vẫn sống lại được mà về. Cháu hỏi với một sự sợ hãi của một đứa trẻ và một câu chuyện ma trong những nghĩa địa mà ít nhất nó đã một lần được nghe. Nhưng cho đến bây giờ, con trai tôi tin điều đó như tôi đã tin. Không phải cháu tin chuyện đó như tin vào một câu chuyện cổ tích mà bởi có gì đó thực sự thiêng liêng, thực sự gần gũi và thực sự ấm áp đã dâng lên trong tâm hồn nó.

Cả khu nghĩa địa của làng trong buổi chiều cuối cùng của năm cũ nhộn nhịp người đi lại. Họ thắp hương và chắp tay khấn mời những người đã chết về sớm để kịp cùng những người thân của mình đang sống ăn bữa cơm cúng tất niên. Và lúc nào tôi cũng thấy những người đã khuất khăn áo đẹp đẽ, nói cười vui vẻ và giục nhau trở về cho sớm. Họ cũng như những người đi làm ăn hoặc sinh sống ở xa giờ về quê ăn Tết mà tôi vẫn gặp ở bến tàu, bến xe trong những ngày cuối năm.

Nhiều lúc ngồi nghĩ lại tôi cứ băn khoăn tự hỏi có phải mình đã tận mắt nhìn thấy những người đã khuất trong buổi chiều cuối năm ấy không hay chỉ là ảo giác hay chỉ là tưởng tượng?  Nhưng dù cho thế nào chăng nữa thì lòng tôi thực sự đã gặp lại tất cả những người đã khuất của làng tôi. Bởi những lúc như thế, một cảm giác thân yêu và ấm áp tràn ngập trong lòng.

Và suốt cả buổi chiều ngày cuối năm ấy cho đến phút giao thừa, trong đầu tôi lúc nào cũng vang lên tiếng chào hỏi, tiếng cười nói của những người đã khuất. Trong ngày ấy, tôi không hề lưu giữ trong lòng mình bất cứ một chút nào cái cảm giác buồn thương về những người thân của mình đã khuất kể cả những người mất đi khi còn rất trẻ. Chính thế mà tôi thấy họ vẫn còn sống một cách trọn vẹn. Và cảm giác ấy chỉ có trong ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị bước sang một năm mới. Đó có phải là một phép lạ không ? Hoàn toàn là một phép lạ.

Tôi thực sự không phải là một người cổ hủ hoặc người hoài cổ. Ai biết tôi chắc đều thừa nhận điều này. Tôi chỉ là người nhận được sự ấm áp, sự thương yêu và thiêng liêng trong thời gian chuyển từ năm cũ sang năm mới. Và trong chính những khoảng thời gian như thế, lòng tôi được rót đầy vẻ đẹp, tình yêu thương và sự thiêng liêng của đời sống này. Và với tôi, như thế là một hạnh phúc lớn.

Nguyễn Quang Thiều
.
.
.