Chương trình 'Hùng thiêng đất mẹ', tối 18/7 tại Quảng Trị:

Bức ảnh và cuộc tái ngộ của người lính sau 40 năm

Chủ Nhật, 19/07/2015, 10:21
Một trong những yếu tố tạo nên sự bất ngờ trong chương trình “Hùng thiêng đất mẹ” chính là những kỷ vật gắn bó với người lính nơi chiến trường xưa được ngành Ngân hàng trao tặng những người lính và thân nhân của họ, trong đó có bức ảnh “Xung phong” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.

Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên ý nghĩa nhân văn trong chương trình an sinh xã hội “Hùng thiêng đất mẹ” được truyền hình trực tiếp trên VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam tối 18/7. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phối hợp thực hiện.

Chương trình là cầu nối cho những người lính từng tham gia chiến đấu tại Quảng Trị được gặp lại nhau, là dịp để những người lính may mắn trở về sau chiến tranh có thể thực hiện phần nào tâm nguyện với người đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, là lời tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình có công với cách mạng.

Câu chuyện về hai nhân vật chính trong bức ảnh “Xung phong” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính trong chương trình “Hùng thiêng đất mẹ” tối 18/7 là thương binh Đỗ Đức Thắng và thương binh Hồ Văn Quang đã gợi lại ký ức hào hùng của cha anh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, về tình đồng đội thời chung một chiến hào và cả khi trong thời bình.

Có thể nói, cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã lùi xa 40 năm. Trong số những người có mặt trên mặt trận, không thể quên hình ảnh của các phóng viên chiến trường, với “vũ khí” là chiếc máy ảnh trong tay, các anh đã ghi lại cuộc chiến, dùng hình ảnh để truyền tải những thông điệp quý giá góp phần vào chiến thắng hào hùng, thống nhất non sông. 

Ông Hồ Đức Thắng viết thư gửi đồng đội Hồ Văn Quang.

Đặc biệt, những thước phim, tấm ảnh về Quảng Trị hiện nay rất hiếm do hầu hết các phóng viên chiến trường đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Thời kỳ mà chiến tranh rất ác liệt, những phóng viên ảnh tay vẫn cầm súng và đeo chiếc máy ảnh trên cổ chớp nhoáng ghi lại những bức ảnh thời cuộc. Do vậy những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính còn giữ được là tài sản vô giá.

Khi ê kíp thực hiện chương trình tới thăm nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính để tìm hiểu về những nhân vật trong ảnh, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính tâm sự: “Trong cuộc đời của tôi, thời gian ở chiến trường là những khoảnh khắc ý nghĩa nhất. Tôi thấy tự hào vì mình đã được sống, làm việc và chiến đấu với những con người đó. Những con người có trong bức ảnh và cả những anh hùng vô danh đã ngã xuống mà tôi chưa kịp lưu giữ hình bóng của họ trong bức ảnh của mình... tất cả đều là những chiến sĩ quả cảm của đất mẹ Việt Nam. Đến giờ này, tôi cũng không biết họ còn hay mất, nhưng với tôi tất cả những con người đó đều là những anh hùng! Đặc biệt nếu ai là nhân vật trong bức ảnh chiến trường được nhận lại tấm ảnh của chính mình thời oanh liệt thì quả là điều may mắn và ý nghĩa nhất với họ”.

Bức ảnh "Xung phong" của Đoàn Công Tính (ông Hồ Đức Thắng bên phải).

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính kể lại sự tình cờ khi biết những nhân vật trong bức ảnh “Xung phong” hiện còn sống. Đó là một dịp ở Hà Nội dự triển lãm tranh, ông tình cờ được một đồng chí trong Ban liên lạc của Trung đoàn 27 xác nhận rằng một đồng chí trong bức ảnh “Xung phong” hiện còn sống. Mừng rỡ, Đoàn Công Tính xin địa chỉ của đồng chí Đỗ Đức Thắng – một nhân vật trong bức ảnh, sau đó đã mời ông Thắng dự triển lãm.

“Lúc đó, ông Thắng cũng rất bất ngờ vì mình chính là một nhân vật trong bức ảnh. Được gặp lại đồng đội đúng sau 40 năm chiến tranh và được tặng bức ảnh “Xung phong”, ông Thắng cũng rất vui mừng và xúc động”, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính kể.

Theo lời kể của nhiếp ảnh gia, ê kíp thực hiện chương trình đã tìm đến xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội để gặp thương binh Đỗ Đức Thắng. Ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, người thương binh xúc động nói: “Trong một trận chiến ở Quảng Trị, tôi đã bị thương nặng, khi đó đồng đội nghĩ rằng tôi đã hy sinh. Thật may mắn, sau này, tôi tình cờ được anh Đoàn Công Tính tặng bức ảnh “Xung phong”. Qua chương trình này, tôi hy vọng gặp lại đồng đội của mình, ôn lại ký ức chiến trường xưa qua bức hình quý giá này”.

Nhân dịp này, thương binh Đỗ Đức Thắng nhờ đoàn chuyển giúp bức thư tới người đồng đội của mình là thương binh Hồ Văn Quang hiện sống tại thôn 8, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Nhận ra nét chữ của đồng đội năm xưa, thương binh Hồ Văn Quang xúc động nói: “Hình ảnh của bác Thắng vẫn ở thâm tâm tôi, không sai một tý. Tôi nhớ từng nét chữ, cử chỉ, lời nói”. Dù sức khỏe đã yếu, Thương binh Hồ Văn Quang cũng rất tha thiết được gặp lại đồng đội của mình.

Và trong đêm chương trình “Hùng thiêng Đất mẹ” được truyền hình trực tiếp, ước nguyên hội ngộ của hai người lính đã từng “súng bên súng, đầu sát bên đầu” trong bức ảnh “Xung phong” trở thành hiện thực. Cũng trong chương trình này, bức ảnh “Xung phong” được Lãnh đạo NHNN trao tặng cho Thương binh Hồ Văn Quang.

Khi thực hiện chương trình “Hùng thiêng đất mẹ”, Ban Tổ chức mong muốn được đóng góp một phần vào việc xoa dịu những nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh, hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, với các thương bệnh binh, gia đình chính sách.

Hưởng ứng sự vận động của Thống đốc NHNN, các NHTM tham gia hỗ trợ công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với số tiền 100 tỷ đồng, trong đó một phần của số tiền này được dành để xây dựng nhà tưởng niệm những người lính đã hy sinh tại cao điểm 689, Khe Sanh, Quảng Trị.

Trong 4 năm (2010-2014), ngành Ngân hàng đã dành 343,5 tỷ đồng cho các hoạt động tri ân đối với người có công trên toàn quốc. Riêng đối với tỉnh Quảng Trị, từ năm 2010 đến năm 2014, ngành đã tài trợ tổng số tiền gần 230 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng công trình tưởng niệm,...

Phương Linh
.
.
.