Bóng đá Việt Nam: Lật lại hồ sơ đen

Thứ Năm, 12/01/2006, 06:46

Chuyên án làm sạch bóng đá Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới khi Cơ quan CSĐT quyết định lật lại những nghi án bán độ không chỉ của Đội tuyển U23 mà của cả các CLB. Đặc biệt là vai trò của cựu cầu thủ Đội tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Thắng trong việc mua chức vô địch cho Sông Lam Nghệ An (SLNA) và chỉ bảo các cầu thủ đàn em bán độ...

Bất ngờ nhất trong số 4 cầu thủ bị bắt là Quốc Anh. Không bất ngờ sao được bởi Quốc Anh là một trong những cầu thủ chơi hay nhất của U23 Việt Nam và về thứ 2 trong cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất SEA Games 23. Vì sao Quốc Anh lại bán độ? Vì thiếu tiền? Không hẳn vậy. Qua 4 mùa giải chuyên nghiệp, ai cũng biết Đà Nẵng là một CLB rất xông xênh tiền bạc, tới mức ngay cả các cầu thủ trẻ cũng không phải “lăn tăn” chuyện lương bổng. Với cầu thủ tuyến 1 như Quốc Anh, ngoài mức lương 9 triệu đồng/ tháng còn có các khoản thu nhập khác; ngay cả khi lên đội tuyển chế độ ở CLB cũng chỉ có tăng. Nhưng tại Cơ quan điều tra (CQĐT), sau nhiều ngày quanh co, Quốc Anh đã phải khai nhận cũng "dính chàm", và còn là một kẻ “ăn bẩn” khi ăn chặn cả 20 triệu đồng “tiền công” của Phước Vĩnh.

Ngoài trận Việt Nam - Myanmar, còn trận đấu nào cũng bị "bán"?

Sau khi 4 cầu thủ vào trại tạm giam, giờ đây người hâm mộ một lần nữa sửng sốt khi Cơ quan điều tra triệu tập cựu tuyển thủ quốc gia, cựu HLV SLNA Nguyễn Hữu Thắng vì đây chính là người “có công” trong việc mua chức vô địch mùa bóng 2000-2001 cho SLNA và cũng là nghi can số 1 trong những vụ mua bán độ của Đội tuyển U23 Việt Nam tại các giải đấu quốc tế.

Sông Lam Nghệ An vô địch nhờ… đi mua

Nhiều năm qua, nhắc tới SLNA hầu như ai cũng nghĩ đó là lò đào tạo bóng đá bài bản nhất nước với nhiều tên tuổi đã “đóng đinh” vào bóng đá Việt Nam như Nguyễn Thành Vinh, Phạm Văn Quyến... Nhưng giờ đây những tên tuổi ấy đều đã tập trung ở trại T16. Và điều bất ngờ lớn nhất là thành tích mà SLNA đạt được trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2000-2001) lại là nhờ... mua bán độ.

Để đoạt chức vô địch đầu tiên của mùa bóng bán chuyên nghiệp đầu thế kỷ, SLNA phải thắng được Công an Hải Phòng (CAHP) trên sân Lạch Tray ở vòng áp chót và phải thắng cả trận tiếp theo ở vòng đấu cuối cùng. Trước trận đấu với CAHP vài ngày, Giám đốc điều hành SLNA Nguyễn Hồng Thanh đã tổ chức cuộc họp lãnh đạo CLB và đưa ra chủ trương phải vô địch mùa giải này, bởi như vậy không chỉ được tiếng thơm cho CLB mà còn tạo thuận lợi cho ngành thể thao tỉnh nhà. Sở dĩ ông Thanh đưa ra chủ trương này bởi trước đó, Nguyễn Hữu Thắng đã “báo cáo” với lãnh đạo đội bóng mình có quen biết với một số cầu thủ của CAHP ở đội tuyển quốc gia và có thể “lo” được nếu “bồi dưỡng một tý”.

Sau khi thống nhất, lãnh đạo đội đã giao cho Hữu Thắng 55 triệu đồng để “giải quyết công việc”. Đêm trước trận đấu, mọi việc đã hoàn thành. Trận đấu giữa SLNA và CAHP ngày 20/5/2001 diễn ra đúng như “kịch bản” đã dàn dựng. Kết quả là SLNA đã "lội ngược dòng" để giành chiến thắng với tỉ số 2-1. Chiến thắng này đã giúp SLNA đứng thứ hai và chỉ thua Sông Đà Nam Định (SĐNĐ) đúng một điểm. Nếu vòng đấu cuối SLNA tiếp tục thắng và SĐNĐ thua thì SLNA sẽ vô địch.

Tại vòng đấu cuối, SLNA gặp Công an Tp. HCM; SĐNĐ gặp Cảng Sài Gòn. Nếu SLNA thắng Công an Tp. HCM và SĐNĐ thua Cảng Sài Gòn thì SLNA sẽ vô địch. Một kế hoạch mua bán nữa tiếp tục được bàn bạc và thông qua khi Hữu Thắng nói quen một số cầu thủ Đội Cảng Sài Gòn. Nguyễn Hữu Thắng lại trở thành người “đứng mũi chịu sào”, cầm 100 triệu đồng của CLB bay vào Tp.HCM gặp một số cầu thủ Cảng Sài Gòn (đối thủ của SĐNĐ) để thỏa thuận. Trước khi đi, Hữu Thắng còn đưa cho Ngô Quang Trường 65 triệu đi bồi dưỡng Đội Công an Tp.HCM. Vậy là toàn bộ đã được sắp xếp xong trước khi hai trận đấu diễn ra.

Ngày 27/5/2001, Đội Cảng Sài Gòn đã thắng SĐNĐ tới 5-0. Còn trên sân Vinh, SLNA thắng Công an Tp.HCM 4-3 và đoạt chức vô địch. Sau khi thua SLNA, các cầu thủ Công an Tp.HCM cũng tổ chức đi liên hoan bằng tiền của “đội bạn”. Cuộc đập phá này chỉ hết 15 triệu. Số tiền còn lại được một vị lãnh đạo Đội Công an Tp.HCM mang... trả lại ông Nguyễn Hồng Thanh. 

SLNA đoạt chức vô địch và nhận phần thưởng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó nội bộ của đội lại lục đục vì tiền. Trong cuộc họp quyết toán với lãnh đạo đội, Hữu Thắng thông báo toàn bộ chi phí cho các cuộc dàn xếp chức vô địch là 320 triệu đồng. Ngay lập tức đã nổ ra cuộc tranh cãi. Ông Nguyễn Thành Vinh phản ứng gay gắt và đòi phải làm rõ. Cuối cùng, các vị lãnh đạo đành nói thật là số tiền mua bán chỉ hết 150 triệu đồng. Bắt đầu từ đây, Hữu Thắng và ông Vinh trở thành hai người ở “hai đầu chiến tuyến”.

Chưa hết, chuyện lình xình còn tiếp diễn khi chia số tiền thưởng 1 tỉ đồng. Theo báo cáo của ông Thanh và thủ quỹ Nguyễn Xuân Vinh thì số tiền đầu tư cho các trận đấu, liên hoan, tặng quà, phong bì bồi dưỡng các quan chức Liên đoàn bóng đá và khách mời hết gần 600 triệu đồng. Để hợp thức hóa những khoản không có hóa đơn này, những người được chia tiền thưởng đành phải ký nhận số tiền nhiều hơn số tiền thực tế được cầm.

Những phi vụ đen của Nguyễn Hữu Thắng

Cựu HLV SLNA Nguyễn Hữu Thắng đang bị điều tra về những "phi vụ đen".

Không chỉ là người “có công” khi nhận trách nhiệm đi mua chức vô địch mùa giải 2000-2001 cho SLNA, giờ đây, khi lật lại quá trình hoạt động của SLNA những năm qua mới thấy rằng những bước “thăng trầm” của CLB này đều có sự chi phối của cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Thắng. Sau khi từ giã nghề cầu thủ, Hữu Thắng nuôi mộng trở thành HLV trưởng SLNA và đã lập một kế hoạch lật đổ.

Kể từ sau ngày đoạt chức vô địch nhờ đi mua, nội bộ SLNA luôn có một cuộc nội chiến giữa những người muốn chống tiêu cực và những người muốn giành chiến thắng bằng tiền. Và người cầm đầu phe tiêu cực không ai khác ngoài Hữu Thắng. Để giành được quyền lực, Hữu Thắng đã áp dụng chiến thuật là tích cực đã “giúp” các cầu thủ trẻ ngày càng lún sâu vào tha hóa và sau đó lại gia ơn bằng cách xin hộ khi họ bị kỷ luật. Chính chiến thuật này đã khiến các cầu thủ trẻ vừa sợ, vừa phục anh Thắng. Các cầu thủ trẻ như Quốc Vượng, Văn Quyến, Phi Hùng, Phan Thanh Tuấn, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy lần lượt bị Hữu Thắng thu phục, dung túng.--PageBreak--

Mùa bóng 2002- 2003, sau trận tranh Cúp quốc gia với kết quả SLNA thua Long An 0-3, Ban huấn luyện bắt các cầu thủ thi đấu “có vấn đề” là Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, Nguyễn Phi Hùng, Phan Thanh Tuấn làm bản tường trình. Trong bản tường trình, Thủy, Tuấn đã khai động lực khiến họ thi đấu vật vờ vì có người nói nếu không đá vào lưới Long An sẽ có tiền. Khi đọc những bản tường trình sặc mùi kim tiền này, Ban huấn luyện đã đề nghị kỷ luật thật nặng các cầu thủ vi phạm. Nhưng ngay sau đó chính Hữu Thắng lại đứng ra xin bỏ qua cho họ.

Sau những lần được “anh” Thắng đứng ra bảo vệ như vậy, các cầu thủ đều một lòng, một dạ nghe theo lời Hữu Thắng với kết quả là những trận thua liên tiếp của SLNA. Đặc biệt có những trận để được thua, các cầu thủ đã sẵn sàng chơi xấu để nhận thẻ đỏ. Đó là trận bán kết Cúp quốc gia 2004 với Thể Công ngay trên sân Vinh. Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Vinh là HLV trưởng nhưng không thể chỉ đạo được các cầu thủ. Tới phút thứ 82, đứng trước nguy cơ không thể... thua vì tỉ số vẫn là 1-1, thủ môn Dương Hồng Sơn dù đã ôm được bóng nhưng vẫn cố tình đánh cùi chỏ vào mặt cầu thủ Nhật Nam Thể Công để được nhận thẻ đỏ. Thể Công ghi bàn bằng quả đá phạt đền và thắng 2-1. Sau sự cố này, khi CLB họp đề nghị kỷ luật một số cầu thủ, một lần nữa Hữu Thắng lại đứng lên xin. 

Không chỉ như vậy, để thu phục lòng người, Hữu Thắng còn rất chu đáo khi đứng ra lo cả chuyện nhà cửa cho các đàn em. Sau khi SLNA đoạt chức vô địch, Hữu Thắng đã trả tiền mua nhà cho Phi Hùng. Ngay cả Văn Quyến cũng vậy, trong quá trình làm nhà, không ai khác cũng chính Hữu Thắng là người tích cực qua lại giúp đỡ.

Khi Hữu Thắng thâu tóm được các cầu thủ trụ cột ở SLNA cũng đồng nghĩa với sự đi xuống của CLB này. Bất lực trước các cầu thủ, ông Nguyễn Thành Vinh đành ra đi. Mùa bóng 2004-2005, người được chọn thay thế ông Vinh dẫn dắt đội bóng là HLV Nguyễn Văn Thịnh. Nhưng rồi ông Thịnh cũng đành bất lực trước cầu thủ mà trước đó chính ông đã đào tạo từ những buổi đầu. Sự tuột dốc không phanh của SLNA mùa giải 2004- 2005 đã khiến ông Thịnh nhận ra rằng ghế HLV mà ông đang ngồi đang có người muốn chiếm và cuối cùng ông phải ra đi sau khi có một lá đơn của các cầu thủ đề nghị thay HLV.

Ông Thịnh ra đi, Hữu Thắng được chọn làm HLV. Nhưng mới ngồi chưa ấm chỗ thì đã phải ra đi. Con đường trở thành HLV của Hữu Thắng là một hành trình đầy những mưu toan đen tối. Và giờ đây chính Hữu Thắng đang đối diện với cơ quan pháp luật khi Cơ quan điều tra quyết định lật lại quá khứ.

Thắng “tài dậu” có thao túng bóng đá Việt Nam?

Trong những ngày qua, một nhân vật được nhắc tới rất nhiều vì có sự liên quan đặc biệt tới tiêu cực trong bóng đá Việt Nam suốt một thời gian dài là Nguyễn Văn Thắng, tức Thắng “tài dậu”, kẻ được coi là cánh tay phải của Năm Cam ở phía Bắc chuyên tổ chức bảo kê sòng bạc và cá độ bóng đá.

Ai cũng biết Thắng “tài dậu” là trùm cá độ bóng đá, là tên giang hồ cộm cán. Nhưng các cầu thủ chắc vì quá mải mê đá bóng mà không biết chuyện ấy nên mới làm bạn, thậm chí là nhận anh em với Thắng “tài dậu”. Nguyễn Hữu Thắng đã từng nhận mình là em kết nghĩa của Thắng "tài dậu". Sở dĩ Thắng “tài dậu” trở thành bạn cầu thủ vì y đã phải trả "học phí" gần 1 tỉ  thua độ trong trận Đội Công an Hà Nội gặp An Giang. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên trận đấu "lịch sử" này khi thủ môn Đỗ Thành Tôn của Công an Hà Nội đã lên cao, cầu thủ Lã Xuân Thắng đã “suất sắc” sút tung... lưới nhà trước sự ngỡ ngàng và phẫn nộ của hàng vạn khán giả trên sân Hàng Đẫy. Lã Xuân Thắng sau đó tuyên bố rất “hiên ngang” rằng “tôi làm tôi chịu, nhưng tôi làm đâu phải vì riêng tôi”. Cú sút của Lã Xuân Thắng ngày đó khiến Thắng “tài dậu” mất gần 1 tỉ tiền độ vì ra kèo Công an Hà Nội chấp một trái rưỡi.

Thắng "tài dậu" (ngoài cùng bên phải) trong màu áo đội Lão tướng Hà Nội.

Sau trận đấu này, Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội khi đó, càng thêm quyết tâm... giải tán đội bóng. Vì ông biết rõ nếu không thì thanh danh Công an Hà Nội sẽ bị chính những cầu thủ này làm hoen ố. Còn Thắng “tài dậu” mãi sau mới biết đạo diễn của trận đấu có một không hai này là Mạnh "bệu” và Toàn “còi” đã mua đứt những cầu thủ trụ cột. Sau lần trả “học phí” này, Thắng “tài dậu” quyết định bắt tay cùng Mạnh “bệu” và Toàn “còi” liên kết làm ăn. Cũng từ đây, trong giới cá độ, Thắng “tài dậu” được mệnh danh là “cầu thủ” đa năng, “đá” tất cả các các sân. Cũng từ những mối quan hệ “thân thiết” với các cầu thủ mà sau này, có vài lần Thắng “tài dậu” đã trổ tài... chạy lung tung trên sân cỏ với số áo 11 của... đội tuyển lão tướng Hà Nội.

Khi vụ án Năm Cam nổ ra với hàng loạt đường dây cờ bạc, cá độ khắp trong Nam ngoài Bắc bị bắt giữ, nhiều người đã hy vọng Thắng “tài dậu” bị bắt sẽ phải khai ra sự thật đằng sau những mối quan hệ “thân tình” với các “ngôi sao” sân cỏ. Nhưng Thắng “tài dậu” đã cao chạy xa bay từ đó tới giờ, để lại nghi án trong bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam đã qua 4 mùa giải chuyên nghiệp. Nhưng mỗi mùa giải đi qua đều để lại những nghi án tiêu cực. Vì vậy chuyên án làm sạch bóng đá của Cơ quan điều tra đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bóng đá Việt Nam sẽ còn lại bao nhiêu cầu thủ, HLV, trọng tài; bao nhiêu người phải ra trước vành móng ngựa? Câu trả lời đành phải chờ khi chuyên án này kết thúc. Nhưng dù có phải làm lại từ đầu, bóng đá Việt Nam cũng cầm một cuộc làm sạch để sân cỏ sẽ không còn bị bao phủ bởi những khoảng tối tiêu cực. 

Để trả lời câu hỏi còn những cầu thủ nào bán độ, VFF đã chính thức đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ một loạt trận đấu có “mùi” tiêu cực trong quá khứ, đó là:

- Trận vòng bảng Tiger Cup 96, Việt Nam hòa Lào 1-1. Trong trận đấu này, Việt Nam bị dẫn trước 1-0 và Huỳnh Đức gỡ hòa ở cuối hiệp 2. Đây chính là trận HLV Weigang đã tức giận chỉ mặt một số cầu thủ, quát rằng: “Các anh đã bán Tổ quốc bao nhiêu tiền?”.

- Trận chung kết Tiger Cup 98 giữa Việt Nam và Singapore với kết quả Việt Nam thua 0-1 vì cầu thủ Sasi Kumar dùng lưng đưa bóng vào lưới thủ môn Tiến Anh.

- Trận Việt Nam thua Thân Hoa - Thượng Hải 1-2 trên sân Mỹ Đình ngày 2/9/2003.

 - Trận U23 Việt Nam thua Perak (Malaysia) tại JVC Cup 2003. Sau khi hòa 2-2, Việt Nam đã thua sau loạt đá luân lưu. Sau trận này, trung vệ Như Thành bị loại khỏi Đội U23 trước SEA Games 22 do nghi ngờ bán độ.

 - Trận U23 Việt Nam gặp Malaysia tại SEA Games 22. Mặc dù Việt Nam thắng 4-3, nhưng trận đấu này có rất nhiều tình tiết đáng nghi ngờ, nhất là pha thủ môn Thế Anh phải vào lưới nhặt bóng do đỡ hụt quả bóng phát đi từ cầu môn của thủ môn Malaysia. Rồi đây Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai đã "nhúng chàm" trong những trận đấu có “mùi” tiền này. 

Việt Hằng
.
.
.